Con nhịn tiểu vì nhà vệ sinh trường hôi rình, chồng chê "vợ không biết dạy"
(Dân trí) - Chị Hà đang bế tắc trong việc con sợ nhà vệ sinh trường học, cả ngày nhịn tiểu thì chồng chị cho rằng do vợ không biết dạy con... thích nghi.
Dạy con "bịt mũi mà đi vệ sinh"
Chị Ngọc Hà, có con học lớp 1 tại một trường tiểu học ở TPHCM kể, lâu nay con chị nhịn đi vệ sinh ở trường học.
"Cháu hạn chế uống nước, cả ngày túm quần nín nhịn chờ về nhà mới giải quyết "nỗi ức chế".
Cháu không chịu nổi cảnh nhèm nhẹp, ướt sũng giữa nền nhà cùng mùi nồng nặc tại nhà vệ sinh trường học, bước vào là cháu ọe ngay", chị kể.
Chị Hà đang lên một số các phương án như không đăng ký bán trú, đón con vào buổi trưa; hoặc sang kỳ học kỳ hai chuyển con đến ngôi trường có nhà vệ sinh sạch sẽ hơn, kể cả trường tư với chi phí đắt đỏ hơn.
Nghe trao đổi, chồng chị bực tức cho rằng lỗi là do vợ không biết dạy con thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Theo ông bố, trẻ đi học cần biết chấp nhận và thích nghi với nhà vệ sinh tập thể hôi hám, bẩn thỉu. Bạn bè đi được thì mình cũng đi được. Anh còn lôi chuyện ngày trước ở quê mình đi cầu tõm, lau bằng lá...
Chị Hà đưa lý lẽ của mình, thích nghi gì phải hợp lý chứ không thể bắt con chịu đựng tình cảnh và cảm giác khổ sở mỗi ngày với chuyện lẽ ra phải giúp sáng khoái, sung sướng.
Hai vợ chồng trở nên căng thẳng trước câu chuyện đi vệ sinh của con. Cuối cùng, như mọi vấn đề khác của con, trách nhiệm thuộc về mẹ, chị Hà phải tự đứng ra xử lý. Nếu đón con về buổi trưa, chị tự đưa đón, chồng không can thiệp. Còn chuyển sang trường tư, chị cũng xoay xở vấn đề học phí, tiền nong.
"Có thể, tôi sẽ tìm trường chuyển cho con chứ không thể để cháu chịu đựng tình cảnh khổ sở này", người mẹ cho hay.
Nhà vệ sinh nhiều trường học mất vệ sinh, bốc mùi trở thành nỗi ám ảnh học đường với không ít trẻ nhỏ. Không ít học trò phải sống chung với cảnh nhắm mắt nhắm mũi bước vào hoặc nhịn đi vệ sinh ở trường.
Tuy nhiên, vấn đề trẻ nhịn tiểu vì nhà vệ sinh cũng kéo theo những luồng ý kiến cho rằng bố mẹ chưa biết dạy trẻ thích nghi với môi trường sống.
Chị Trương Ngọc Năm - nhà ở Tân Bình, TPHCM - cho hay, trường học con chị nhà vệ sinh cũng bẩn, hôi, quá tải. Khi nắm được thực trạng này, chị đã dạy con... bịt mũi đi vệ sinh.
Chị cũng nhắc con chuẩn bị giấy để lau quanh bồn cầu trước khi sử dụng, chủ động cho vấn đề của mình. Ngoài ra, chị cũng nhắc con cố gắng giữ vệ sinh chung khi sử dụng nhà vệ sinh ở trường.
Không phủ nhận việc đi vệ sinh ở trường là nỗi ám ảnh của con nhưng theo chị Năm, chí ít con chị chấp nhận và thích nghi được với vấn đề này. Nơi sinh hoạt tập thể không có nhiều lựa chọn, cách tốt nhất là học cách chấp nhận.
"Đến nhà vệ sinh dơ mà không chịu nổi thì các vấn đề nan giải khác làm sao vượt qua. Bố mẹ không biết dạy con thích ứng nên trẻ mới nhịn tiểu, lỗi còn ở bố mẹ chứ lỗi không chỉ ở nhà vệ sinh", chị Năm nêu quan điểm.
Thích nghi giỏi không có nghĩa là chấp nhận chịu bẩn
Cô Nguyễn Như Hồng - giáo viên văn ở TPHCM - chia sẻ, chuẩn bị cho trẻ khả năng thích nghi khi đến trường là việc cần thiết, bao gồm thích nghi về năng lực học tập, tương tác xã hội và cả môi trường sống.
Theo cô Hồng, hiện nay nhiều gia đình có điều kiện, môi trường sống ở nhà rất tốt, nhà vệ sinh sạch sẽ, thơm tho. Nhiều trẻ bị "sốc" khi đến trường học, nhiều em thà nhịn chứ không bước nổi vào nhà vệ sinh.
Tuy nhiên, nữ giáo viên bày tỏ, đánh giá trẻ không có khả năng thích nghi trong trường hợp này là chưa hợp lý.
Thà rằng trong một bối cảnh bất khả kháng như đâu đó, đến một nơi đột xuất không lường trước điều kiện... thì có thể "cắn răng làm liều" với nhà vệ sinh tạm bợ, bẩn thỉu.
Còn đây là chuyện hàng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của trẻ, không thể dùng lý lẽ "bẩn thế nào cũng cố mà chịu, cố mà thích nghi".
Dạy đứa trẻ khả năng thích nghi, hoàn cảnh nào cũng cần thích ứng không có nghĩa dạy trẻ chấp nhận "sống chung" với vấn nạn nhà vệ sinh dơ bẩn, hôi hám.
Cô Nguyễn Như Hồng nhấn mạnh, người lớn phải nhìn nhận trách nhiệm của mình trong vấn đề nhà vệ sinh của trẻ chứ không phải dạy con... chịu đựng. Chính suy nghĩ sơ sài, cho qua việc phản ánh tư duy xem nhẹ nhà vệ sinh đối với chất lượng cuộc sống, đặc biệt là với sức khỏe trẻ nhỏ.
"Tôi sẽ không dạy con tôi thích nghi, chịu đựng nhà vệ sinh bẩn ngày này qua ngày khác mà sẽ làm mọi cách để tìm bằng được giải pháp", cô Hồng nói.
Giải pháp ở đây, cô Hồng phân tích, người có điều kiện có thể chọn cho con môi trường sạch đẹp, ưu tiên nhà vệ sinh khi chọn trường, đưa đón con, lên tiếng với nhà trường vấn đề nhà vệ sinh học đường, giáo dục trẻ giữ vệ sinh...
Theo cô Hồng, nếu người quản lý trường học mang tư duy "phải học cách thích nghi" trong hoàn cảnh này sẽ rất nguy hại. Như vậy, có thể họ sẽ xem nhẹ vấn đề nhà vệ sinh trường học rồi mặc kệ đứa trẻ chịu đựng.