Còn nhiều "dễ dãi" trong xét giáo sư, phó giáo sư ở một số hội đồng ngành

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho biết, việc tổ chức trình bày báo cáo khoa học tổng quan còn mang tính hình thức ở một số Hội đồng giáo sư ngành/liên ngành, chưa rà soát kỹ các minh chứng…

Còn nhiều dễ dãi trong xét giáo sư, phó giáo sư ở một số hội đồng ngành - 1

Chưa rà soát kỹ minh chứng

Tổng kết về công tác xét giáo sư, phó giáo sư năm 2020, Văn phòng Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN) cho biết, kết quả rà soát 450 hồ sơ ứng viên và kết quả xét của các HĐGS cơ sở đã giúp cho các HĐGS ngành, liên ngành tổ chức thẩm định, đánh giá hồ sơ ứng viên đảm bảo cơ sở khoa học, tính pháp lý, công tâm, minh bạch, khách quan, đánh giá đúng thực chất, năng lực của ứng viên.

Các HĐGS ngành, liên ngành đã nghiêm túc, công tâm xem xét đánh giá về liêm chính trong học thuật, nghiên cứu khoa học thực chất (xem xét hiện tượng đăng bài báo khoa học với số lượng tăng đột biến trong thời gian ngắn, là đồng tác giả không đúng chuyên ngành, không có hợp tác nghiên cứu khoa học thực sự, gift author…).

Tuy nhiên, Văn phòng HĐGSNN cho biết, vẫn còn tình trạng một số chuyên gia được mời thẩm định hồ sơ ở một số Hội đồng chưa rà soát kỹ các minh chứng, chủ yếu đánh giá dựa vào bản đăng ký của ứng viên, dẫn đến thiếu minh chứng (về thâm niên giảng dạy, sách, hướng dẫn NCS, hướng dẫn ThS, đề tài khoa học,…) hoặc minh chứng chưa chính xác, không đúng thẩm quyền ở một số tiêu chuẩn, nên còn chênh với kết quả đánh giá với các chuyên gia thẩm định khác;

Việc tổ chức trình bày báo cáo khoa học tổng quan còn mang tính hình thức ở một số Hội đồng, biểu hiện ở: Thời gian báo cáo, hỏi và trả lời quá ngắn; chưa xem xét kỹ mối liên hệ chặt chẽ giữa các công trình khoa học được công bố với hướng nghiên cứu của ứng viên nêu trong báo cáo khoa học tổng quan; đánh giá giao tiếp bằng tiếng Anh còn chiếu lệ.

Phần lớn các Hội đồng đánh giá cao kết quả rà soát của Văn phòng HĐGSNN và đã xem xét nghiêm túc ý kiến, khuyến nghị này, đồng thời đã có phản hồi về kết quả thẩm tra khi xem xét đánh giá hồ sơ ứng viên. Đây là kênh thông tin rất tốt để đảm bảo quyền lợi cho ứng viên và tránh các khiếu kiện sau này.

Tuy nhiên, có một số ít HĐGS ngành, liên ngành thực hiện chưa nghiêm túc và không có phản hồi về các thông tin mà Văn phòng HĐGSNN đã cảnh báo và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm nẩy sinh các đơn thư khiếu kiện sau này.

Một số hội đồng chưa nghiêm túc

 Hội đồng GSNN cho biết, trước khi xét tại các HĐGS ngành, liên ngành, HĐGSNN đã họp và Bộ trưởng, Chủ tịch HĐGSNN đã có kết luận và trên cơ sở thảo luận HĐGSNN đã ban hành Công văn số 155/HĐGSNN ngày 15/9/2020 về các nội dung cần thống nhất khi xét tại HĐGS ngành, liên ngành nhưng vẫn còn một số HĐGS ngành, liên ngành chưa quán triệt nghiêm túc một số nội dung như:

Chưa xét kỹ các tiêu chuẩn và ý kiến rà soát của Văn phòng HĐGSNN dẫn đến nhiều đơn thư khiếu kiện (Y học, Dược học); tự bổ sung thêm về công nhận tác giả chính bài báo QTUT là người hướng dẫn NCS (HĐGS liên ngành Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản); công nhận báo cáo khoa học tại Hội thảo quốc tế tập hợp đăng thành Tạp chí là Bài báo QTUT (HĐGS ngành Giáo dục học); công nhận cả bài báo đăng trên tạp chí của Tập đoàn TNHH của Trung quốc là bài báo QTUT (HĐGS liên ngành Văn hóa, NT,TDTT); công nhận tác giả chính do nhóm tác giả của bài báo đề nghị (HĐGS ngành Tâm lý học, Hóa học-CNTP)...

Đây là những vấn đề sai sót cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm và hết sức lưu ý tìm giải pháp ngăn chặn trong năm tới (trong đó quan tâm đến giải pháp kiện toàn nhân sự của HĐGS ngành, liên ngành), vì dễ làm phát sinh các khiếu kiện và thắc mắc về tính thống nhất, chất lượng giữa các HĐGS. 

Chất lượng bài báo gây nhiều khiếu kiện

Văn phòng HĐGSNN cho biết, chất lượng bài báo khoa học và tạp chí đăng tải được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm giám sát và mong muốn HĐGS các cấp đánh giá đúng chất lượng các bài báo khoa học và mức độ uy tín của các tạp chí cả ở trong nước và ngoài nước. Đây cũng là vấn đề chủ yếu gây lên nhiều đơn thư khiếu kiện, thời gian tới cần phải có giải pháp khắc phục các vấn đề, cụ thể:

Về bài báo khoa học, còn có bài báo quốc tế uy tín mới được chấp nhận đăng, chỉ Preprint, chưa được xuất bản chính thức, đăng trên các tạp chí không thuộc danh mục uy tín đã xác định, bài báo có nhiều tác giả chính, luân chuyển qua nhiều ứng viên (tác giả đầu, tác giả cuối và một số tác giả liên hệ), không đảm bảo định dạng chuẩn của bài báo khoa học, bị cắt xén khi chính thức xuất bản (trong tạp chí tiếng Trung Quốc) hoặc có thông tin xuất bản không rõ ràng, thời gian phản biện ngắn (thường trên tạp chí Open Access);

Một số bài báo trên tạp chí khoa học trong nước vẫn được chấm điểm ở mức cao trong khung điểm mặc dù không có hoặc không đúng định dạng khoa học hay chỉ được đăng trong mục thông báo, đưa tin (không đăng trong mục Nghiên cứu-trao đổi);

Về tạp chí khoa học, chưa xem xét, đánh giá về mức độ uy tín của các tạp chí quốc tế dạng Open Access với các số đặc biệt/bổ sung (còn do Guest Editor tổ chức) để đăng nhiều bài báo, thời gian phản biện ngắn, thông tin xuất bản không rõ ràng, được phát hành bởi các nhà xuất bản thương mại (thu phí cao, phát hành cùng lúc nhiều tạp chí với nhiều bài trên cùng một số, không thuộc các trường đại học, viện nghiên cứu, …);

Chưa xem xét đánh giá về tính nghiêm túc trong quá trình phản biện của một số tạp chí trong nước (tổ chức các số đặc biệt/phụ bản để đăng nhiều bài báo, có nhiều bài của một tác giả trong cùng một số, ..), một số tạp chí trong nước được chấm điểm với khung điểm cao nhưng vẫn đăng tải những bài báo không có hoặc không đúng định dạng khoa học, số lượng bài báo được đăng chủ yếu trong mục Thông báo - Đưa tin, ít bài trong mục Nghiên cứu - Trao đổi;

Hội đồng GSNN khuyến nghị các HĐGS ngành, liên ngành cần thông báo cho ứng viên biết về việc cần thiết phải đưa đầy đủ minh chứng về văn bằng (ĐH, ThS, TS) trong Hồ sơ đăng ký của ứng viên vì trong mẫu phiếu thẩm định vẫn quy định phải thẩm định về văn bằng.

Trong đợt xét năm 2020, Văn phòng HĐGSNN và các HĐGS ngành, liên ngành phát hiện một số tạp chí kém chất lượng mặc dù vẫn nằm trong danh mục ISI/Scopus, một số HĐGS ngành, liên ngành đề xuất loại bỏ các tạp chí này khỏi danh mục; Đề nghị quy định rõ yêu cầu về minh chứng "chủ trì hoặc tham gia phát triển Chương trình đào tạo trình độ ĐH trở lên" trong hồ sơ ứng viên.

Cần hoàn thiện công văn số 155/HĐGSNN ngày 15/9/2020 để quy định cụ thể, rõ ràng hơn về: Tạp chí quốc tế uy tín; thời hạn công bố của các bài báo khoa học; định dạng bài báo khoa học theo chuẩn quốc tế; sách chuyên khảo…