"Con ngoan trò giỏi" ngoài đời, lên mạng khoe thân, chửi thề
(Dân trí) - Có những bà mẹ lên tăng xông, phải cấp cứu khi nhìn thấy một phiên bản khác của con ở trên mạng xã hội với những chuyện động trời như chửi thề, khoe thân, quan hệ tình dục sớm...
Lên tăng xông khi con ngoan "nổi loạn"
Trong lần chia sẻ về chuyên đề sức khỏe sinh sản vị thành niên trong trường học, một bác sĩ ở TPHCM kể, ông gặp không ít trường hợp các nữ sinh, là những em học giỏi, được đánh giá ngoan ngoãn, lại có thể làm người lớn "rụng rời".
Bố mẹ, thầy cô phải té ngửa khi phát hiện những chuyện "tày đình" của những đứa trẻ "con ngoan trò giỏi" này như yêu đương bạt mạng, đi nhà nghỉ, nhiều lần bỏ thai...
Có bà mẹ bị lên tăng xông, phải đi cấp cứu khi biết cô con gái đúng chuẩn "nhà lành" của mình là một con người hoàn toàn khác trên mạng xã hội. Em quan hệ tình dục từ sớm, quay clip gửi cho bạn bè xem, đã hai lần đến viện uống thuốc bỏ thai...
Đến khi đó, bà vẫn ú ớ: "Con tôi rất ngoan, nhà tôi kiểm soát rất chặt".
Theo vị bác sĩ, đó là mẫu số chung của rất nhiều ca "nổi loạn" của học trò.
Chị Trần Thu Thanh ở Hà Nội kể, chị không hiểu nổi về cậu con trai của mình đang học lớp 11 tại một trường tư thục. Cháu có học lực tốt ở top đầu, năm ngoái, cháu còn là một học hai học sinh đại diện cho trường đi giao lưu, học tập ở nước ngoài.
Cháu chăm chỉ học tập, không đùa đòi, không bao giờ cãi lời bố mẹ. Vậy nhưng, chị dần dần phát hiện ra, con mình là một con người hoàn toàn khác như những gì mình biết.
Cháu nói chuyện với bạn bè hay trên mạng, chửi thề, chửi bới một cách kinh hoàng, toàn tám chuyện nhạy cảm, bậy bạ. Chị chưa dám khằng định nhưng thấy cháu thể hiện tình cảm với bạn rất bạo liệt.
Chị không dám tin, đó là đứa con ngoan ngoãn, luôn răm rắp nghe lời bố mẹ. Cháu là đứa đầu, là cháu đích tôn nên từ bé anh chị rất đầu tư, kỳ vọng và nghiêm khắc.
Hay trường hợp vợ chồng chị T. bị "sốc" khi biết về "thế giới ngầm" của cô con gái 17 tuổi... nhờ cậu bạn trai trên mạng của con.
Hai đứa lại một thời gian, chàng trai bị cô gái "đá" vì người thứ ba. Tung nhiều cách níu kéo không thành, anh chàng quay sang đe dọa và gửi nhiều clip sex của cô con gái cho chị T. Hình ảnh con gái mình bằng da bằng thịt nhưng như một con người khác hiện trước mắt chị T.
Vợ chồng chị T. phải tìm đến phòng tư vấn tâm lý để có thể giữ bình tĩnh nói chuyện với con. Sau khi lộ chuyện, con chị còn tiết lộ, có cả clip với bạn trai mới vừa quen mấy tháng và con gái cũng sở hữu nhiều clip nhạy cảm của bạn bè mình.
Trẻ tung tẩy ở "thế giới ngầm"
Không ít vụ việc như bạo lực học đường, đủ trò kinh hoàng trên mạng xã hội, quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục tập thể... bị vỡ lở, "trùm sò" lộ diện lại là những con ngoan trò giỏi. Như nhiều trường hợp, nam sinh bị phát hiện đặt máy quay lén ở nhà vệ sinh nữ ở TPHCM, các em cũng đều được đánh giá là ngoan.
Trong lần chia sẻ về sự nổi loạn của con trẻ trên mạng, ThS Phạm Thị Tuynh, công tác quản lý giáo dục tại trường học ở TPHCM kể, không chỉ những em ở bậc học lớn mà ngay ở tiểu học, rất nhiều học trò giỏi, bề ngoài rất mẫu mực, lễ phép.
Nhưng trên mạng, các em biến thành một con người khác nói tục, chửi thề, nổi loạn... Hầu hết khi bố mẹ, thầy cô biết đều bị choáng vàng.
"Những đứa trẻ được đóng khung trong mẫu hình ngoan ngoãn, nghe lời, luôn được xem là chuẩn mực trong mắt bố mẹ, thầy cô... có sức "công phá" ở thế giới ngầm còn khủng khiếp hơn cả những đứa trẻ thường bị đánh giá ương bướng, cá tính", theo một chuyên gia tâm lý ở TPHCM
Theo các chuyên gia, trước kỳ vọng, đòi hỏi, sự áp đặt của người lớn, trẻ đang gồng mình lên trước bố mẹ, thầy cô để diễn cho tròn vai "con ngoan trò giỏi".
Đời sống thật nhưng nhiều em không được sống thật, bị người lớn gò ép, cấm đoán, không được tôn trọng về mặt cảm xúc nên dễ bị dồn nén, bị áp lực, rơi vào trạng thái "chịu đựng". Các em bị kìm nén không được lên tiếng, không được chia sẻ trong môi trường gia đình, học đường.
Trong trường hợp này, khi gặp thế giới không bị người lớn kiểm soát, như cá gặp nước, các em "bung ra" không chỉ để thể hiện mình, thể hiện nguyện vọng độc lập mà còn như để bù đắp cho những ức chế đời thường.
Vừa tung tẩy ở thế giới của mình, nhưng lại lén lút người lớn nên các em ít được hướng dẫn, thiếu kiến thức bảo vệ mình nên có thể dễ dàng gặp nguy hiểm ở không gian mạng.
Trước thực trạng này, gần đây gia đình và nhà trường lại hối hả dạy trẻ các kỹ năng sử dụng mạng xã hội. Tuy nhiên, những kỹ năng giúp con an toàn trên thế giới mạng cũng chỉ là phần ngọn.
Cốt lõi là ngay trong đời sống thật, gia đình, nhà trường cần tạo một không gian để trẻ thể hiện cá tính của mình một cách lành mạnh, tích cực, được lên tiếng, được tôn trọng, được chia sẻ...