Bạn đọc viết:
Con học lớp 6, không cho con học thêm liệu có yên tâm?
(Dân trí) - Con trai tôi đang học lớp 6, có rất nhiều bài vở. Tôi chưa cho con đi học thêm nên con có 2 ngày nghỉ cuối tuần, con dành thời gian tự học ở nhà và tham gia vui chơi cùng các bạn trong khu tập thể. Tôi đắn đo rất nhiều, khi hỏi chuyện mấy anh chị phụ huynh xung quanh, ai cũng cho con đi học thêm ngay từ hè.
Lên cấp 2, những gia đình có điều kiện và quan tâm sát sao tới con đều đầu tư cho con học thêm cả 3 môn Văn - Toán - tiếng Anh. Tiền học thêm cũng không đắt đỏ, mấy chục ngàn một buổi học, học đủ 3 môn hết khoảng 400-500 ngàn đồng/tháng. Tôi động viên con, kiến thức lớp 6 về cơ bản không khó, con chỉ cần chịu khó ôn luyện ở nhà là ổn.
Tôi từng đi ngang một lớp học thêm, chứng kiến mấy em ngồi bàn cuối, các em không hề để tâm nghe cô giảng bài mà nhìn đăm đăm ra đường. Có lẽ các em đi học theo yêu cầu của bố mẹ, không thích học vì bài nâng cao khó hiểu hoặc mệt mỏi vì cường độ học chính, học thêm quay cuồng. Cứ đi học thêm thì vẫn hơn là ở nhà chơi, học thêm mới có sự cạnh tranh, chạy đua với bạn bè, con học mới khá lên. Ở nhà tự học nào có hay ho gì, biết con học hay chơi, la cà điện tử, "cắm đầu" vào ti vi, lướt mạng? Lớp học thêm không đơn thuần là bổ sung kiến thức, đó còn là nơi gửi gắm con an toàn nhất trước rất nhiều cạm bẫy vô hình ngoài đường, trong nhà luôn chực nuốt chửng lũ trẻ. Yên tâm nhất là giao con cho thầy cô quản lý!
Tôi không phản đối điều này, chỉ cảm thấy có điều gì chưa công bằng với lũ trẻ. Người lớn đi làm cả tuần, chỉ mong đến ngày nghỉ để xả hơi. Vậy mà lũ trẻ, đang tuổi ăn tuổi lớn, chỉ biết quanh quẩn vòng tròn khép kín học - học và học. Dường như cuộc chạy đua một suất vào trường THPT đã manh nha ngay từ lớp 6, bởi vì học thêm sớm mới có kiến thức nền vững chắc, mới không bỏ sót bất cứ bài vở quan trọng nào. Phụ huynh đã cất công dò hỏi những thầy cô có tiếng để cho con theo học.
Có nhiều phụ huynh thì thầm kể chuyện: Nếu không cho con học thêm cô A, thầy B thì không xong, chắc chắn con bị thầy cô trù dập, để ý. Nhiều người nói, cấp 2 không giống cấp 1 đâu, thầy cô “quyền sinh quyền sát” trong tay, cứ để con lơ tơ mơ như hồi học tiểu học là điểm phẩy be bét lắm. Nếu đi học thêm thì cứ thầy cô dạy con trên lớp mà học, học thêm thầy cô khác là con “lãnh đủ”. Có thầy cô còn hỏi thẳng học trò: Em nghĩ cô thầy dạy không hay bằng người khác đúng không? Học sinh chỉ còn biết im lặng chịu trận, lo lắng, sợ sệt…
Tôi cho rằng những mảng tối ấy không phải là tất cả. Có lẽ phụ huynh đang tự trầm trọng hóa vấn đề khi cho con học thêm. Tôi từng hỏi chuyện kỹ càng những em học sinh hơn con tôi 1-2 tuổi về việc đi học thêm. Tôi quan tâm đầu tiên là số lượng các em đi học thêm, lũ trẻ kể, khoảng nửa lớp các bạn đi học. Vậy thì nửa lớp các em không đi học thêm, tôi coi đó là “ngưỡng an toàn”. Rõ ràng có rất nhiều phụ huynh nhìn nhận vấn đề học tập của con thoải mái hơn, không ép trẻ học thêm tối ngày cho bằng bạn bè.
Tôi đã có khoảng thời gian cả tháng đắn đo với việc có nên cho con đi học thêm 3 môn Văn - Toán - tiếng Anh? Những anh chị vừa thi đỗ đại học năm nay trong khu tập thể tôi ở đều có lịch học thêm xuyên suốt ngay từ lớp 6 và phụ huynh còn cầu kỳ gửi con học thêm toàn thầy cô tên tuổi. Liệu tôi có trở thành một phụ huynh nông cạn, ích kỷ với tiền đồ của con? Ai cũng nói, đầu tư cho giáo dục là đầu tư sinh lời cao nhất, lẽ nào tôi tiếc rẻ mỗi tháng mấy trăm nghìn?
Tham gia một diễn đàn dành cho giáo viên tiểu học, tôi bật cười với câu hỏi từ một phụ huynh: “Tại sao con tôi đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc lớp 8, mà bảo con hướng dẫn em môn tiếng Anh lớp 2, con không làm được. Con nói học để thi, thi xong rồi quên…”.
Tôi kể chuyện này với mấy em học sinh lớp 7 cạnh nhà thì các em cười và nói đúng là như vậy. Nếu con tôi học ổn thì kiểm tra, thi học kỳ cơ bản đều nằm trong sách giáo khoa, có cớ gì không làm được bài? Sau khi tìm hiểu tường tận từ phụ huynh và chính các em học sinh xung quanh, một lần nữa tôi lại quyết định không cho con học thêm và tự học tại nhà. Những bài toán, tiếng Anh khó, con tìm hiểu qua mạng, bố mẹ giảng thêm hoặc chờ cô hướng dẫn…
Con tôi không phải là đứa trẻ xuất sắc, lớp 5 con chỉ đạt danh hiệu học sinh vượt trội. Tôi cảm nhận rất rõ năng lực của con, không kỳ vọng con sẽ thi thố học sinh giỏi cấp trường, cấp huyện. Tôi chỉ mong con đi học vui vẻ, không áp lực quá mức với điểm số mà học đúng với năng lực của con. Con khoe điểm kiểm tra Toán đạt 9, 10. Những môn học khác, điểm kiểm tra của con đạt từ 7 trở lên. Tôi động viên con nên cố gắng mỗi ngày, có ý thức trong lớp học. Tôi tin rằng, một học sinh chăm ngoan luôn được thầy cô ghi nhận, đánh giá công bằng chứ không phải vì con có đi học thêm hay không…
Thanh Mai
(Thị trấn Đông Anh, Hà Nội)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .
Xin trân trọng cảm ơn!