Bạn đọc viết:
Còn "diễn" và "lọc", còn bệnh thành tích!
(Dân trí) - Thông tin một trường tiểu học ở Hải Phòng thông báo với phụ huynh về việc học sinh được "chọn" tập trung theo kế hoạch còn học sinh khác ở nhà đã một lần nữa khơi lên thực trạng đáng báo động trong giáo dục hiện nay: Dự giờ như diễn kịch và bệnh thành tích đã ăn sâu vào gốc rễ!
Mỗi năm ngành giáo dục tưng bừng tổ chức biết bao hội thi, hội giảng từ cấp trường đến cấp cụm, huyện thị, thành phố… Rồi các đợt dự giờ, thao giảng, thanh tra, dạy chuyên đề, dạy thực nghiệm… cuốn thầy và trò "quay cuồng" hết đợt kiểm tra này đến đợt thi đua khác.
Có thể kể ra hiệu quả từ các phong trào thi đua này, đó là những tiết học được đầu tư công phu hơn, chỉnh chu hơn, không khí dạy học sôi nổi hơn, học sinh được tiếp cận với các phương pháp dạy học mới… Đồng thời, danh hiệu giáo viên giỏi, chủ nhiệm giỏi, tổng phụ trách giỏi… sẽ là động lực để người thầy tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo.
Vậy nhưng, cách thức tổ chức các hội thi, hội giảng dần dà biến tướng, nặng về đánh giá kết quả, thành tích, danh hiệu, giải thưởng khiến người thầy nảy sinh tư tưởng ganh đua, đối phó, hình thức.
Một lớp học phổ thông với sĩ số 45, 50, 60 em hiện nay ở các thành phố lớn chắc chắn sẽ không thể tham gia đầy đủ số lượng trong các tiết dạy có dự giờ. Các em phải được sàng lọc bớt một phần để có thể bố trí lớp học, tổ chức hoạt động tích cực cũng như sắp xếp chỗ ngồi cho ban giám khảo, giáo viên dự giờ.
Và trong cách sáng lọc ấy, đối tượng học sinh nào sẽ được chọn? Ai dám mạo hiểm chọn học sinh học lực bình thường, hay mất tập trung, phát biểu lí nhí? Muốn tiết dạy thành công, người thầy chắc chắn sẽ chọn những em có năng lực khá giỏi, nhiệt tình phát biểu, tự tin hoạt động. Và từ đây, căn bệnh thành tích manh nha, hiện hữu.
Một tiết dạy thành công chỉ đơn giản là dạy cho học sinh khá giỏi hiểu bài, nắm được vấn đề và thực hành, vận dụng thành thạo kiến thức ư? Năng lực tổ chức hoạt động dạy học của người thầy chỉ thể hiện với đối tượng học sinh tốt về cả kiến thức và ý thức ư? Nếu đúng là như thế thì các hội thi, hội giảng đã đi chệch hoàn toàn mục tiêu cao đẹp ban đầu!
Người thầy có cảm giác gì khi đề nghị học sinh yếu kém ở nhà vì đó là tiết dạy có dự giờ, tiết dạy để thi thố tài năng? Tôi từng biết có khá nhiều thầy cô cảm thấy mình có lỗi với học sinh nhưng "lực bất tòng tâm". Muốn có thành tích, muốn đạt danh hiệu cao quý, chọn học sinh khá giỏi để dạy sẽ là giải pháp an toàn. Đây chính là thực trạng phổ biến ở nhiều trường, nhiều địa phương mỗi mùa hội thi, hội giảng.
Học sinh bị phân biệt đối xử, các em còn hạn chế về năng lực sẽ thiệt thòi vô cùng khi không được tham gia giờ học với các bạn. Đó sẽ là một nốt lặng buồn bã trong hành trình đến lớp của học trò. Phụ huynh biết được con em mình không được "chọn" để giáo viên tham gia hội thi, hội giảng cũng sẽ cảm thấy tủi thân, nặng lòng và dần dà mất niềm tin vào sự công bằng, thực chất của môi trường học đường.
Và chúng ta đừng lầm tưởng học sinh được chọn là vinh dự và sung sướng nhé! Để tạo nên một tiết dạy thi thố thành công, cả thầy lẫn trò đều phải miệt mài dạy mẫu, học thử. Thậm chí có không ít tiết dạy mà học sinh được học trước rồi diễn lại, được "mớm" câu trả lời, được dặn dò kỹ lưỡng lúc nào giơ tay, em nào trả lời câu nào…
Những tiết dạy thành công từ việc "diễn" và "lọc" học sinh như thế sẽ là một lực cản đầy thách thức với cuộc vận động "hai không" của Bộ GD&ĐT: "Nói không với tiêu cực trong thi cử" và "Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục"!
Nhưng bao giờ còn "diễn" và "lọc" thì căn bệnh thành tích vẫn còn "đất sống"!
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!