Cởi bỏ “nỗi sợ nói” cho sinh viên
(Dân trí) - Sợ nói mà không làm được, sợ bị chọc quê… nên nhiều sinh viên đâm rụt rè khi giao tiếp. Có những lúc phải phát biểu trước đám đông, nhưng vì run nên những gì cần nói “bỗng dưng” bay mất tiêu.
Sợ bị cười nên không dám nói
Trong buổi giao lưu, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, trưởng bộ môn Tâm lý học trường ĐHSP TPHCM, cho biết: Hiện nay sinh viên học tập rất giỏi nhưng vấn đề về tâm lý, kỹ năng giao tiếp và kinh nghiệm sống còn rất yếu… Để có được thành công các bạn cần phải quan tâm và nâng cao hơn nữa lĩnh vực này trước khi bước chân vào đời.
“Chính vì kỹ năng sống cũng như giao tiếp kém, các bạn trẻ sẽ cảm thấy khó khăn, thiếu tự tin khi đi xin việc. Ngoài ra, khi cần giải quyết các vấn đề cũng khiến các bạn lúng túng” - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, đại diện nhà sách Thái Hà, nhấn mạnh.
Hầu hết sinh viên tham gia buổi giao lưu cũng nhìn nhận: Thường ngày có hàng trăm mối giao tiếp nhưng giao tiếp như thế nào để đạt hiệu quả cao là điều mà các bạn cảm thấy khó khăn. Nó giống như một loại hình nghệ thuật, nhưng loại hình này đòi hỏi người học phải học mọi lúc, mọi nơi.
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Dù có đạt kết quả cao trong học tập nhưng trong quá trình giao tiếp các bạn không thể hiện được khả năng thì khó có thể vươn cao trong công việc. Đừng đổ cho việc bận đi làm thêm mà không chú ý học các môn ngoại khóa. Nếu không tìm tòi và quan sát thì khả năng tư duy, xử lý trong giao tiếp phải yếu kém thôi.
Bạn Nguyễn Minh Huân, sinh viên Đại học kinh tế TPHCM tâm sự: Do tâm lý sợ không làm được, sợ bị cười và cả sợ các thầy cô la mắng nên nhiều khi em cảm thấy gò bó khi giao tiếp. Có những lúc phải phát biểu trước đám đông nhưng cảm thấy run nên lúc đó năng lực của bản thân không thể phát huy, những gì cần truyền đạt tới mọi người bay đi đâu mất.
“Giải phóng” mình khỏi tư duy sợ sệt
Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho biết thêm: “Các bạn trẻ quan tâm đến nhiều lĩnh vực, trong đó có sự thành công trong tương lai. Thành công của một người không những phụ thuộc vào khả năng chuyên môn, sự thông minh, cần cù mà còn phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả đạt được qua quá trình giao tiếp”.
Biết lắng nghe là yếu tố quan trọng giúp bạn thành công khi giao tiếp
Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, đầu tiên các bạn hãy biết lắng nghe. Nghe bằng tất cả giác quan và bằng trái tim của mình chứ không đơn thuần là nghe bằng tai. Mỗi ngày chúng ta thường nghe khoảng 40%. Có thể nói, nếu ta luôn “lắng nghe” mọi sự việc chung quanh thì khi có một vấn đề xảy ra, ta sẽ nhanh chóng biết được phải làm cái gì.
Trần Anh Tuấn, sinh viên ĐH Kinh tế TPHCM thì lo rằng: “Nếu bọn em đã cố gắng lắng nghe nhưng sếp không phải là người biết lắng nghe, bọn em phải làm sao?” TS Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Ban đầu các bạn phải nhẫn nhịn vì đó là cấp trên. Bên cạnh đó cần rút kinh nghiệm và tập lắng nghe để trong tương lai bản thân không trở thành người sếp mắc “căn bệnh” như thế.
Trong buổi nói chuyện, TS Huỳnh Văn Sơn cũng đã bày tỏ quan điểm: “Thành công chỉ đến với những người có ước mơ, dám sống và dám làm việc. Đây là điều mà các bạn trẻ hãy hướng đến. Chỉ có như thế, các bạn mới thấy hết giá trị của cuộc sống đang diễn ra xung quanh mình”.
Hoài Lương - Diễm Trang