Cô Trị “chuyên trị” học trò

(Dân trí) - Gần 30 năm cô Trương Thị Trị làm Tổng giám thị Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM, nhắc đến cô là học sinh nói với nhau "tiêu rồi". Có trường hợp học trò "cạch" cô, nhiều năm sau hai cô trò mới gặp lại với lời xin lỗi để dành bấy lâu.

Về hưu từ năm 2010 nhưng gần 10 năm qua, cô Trương Thị Trị vẫn bị "giữ chân" ở lại Trường THPT Bùi Thị Xuân tiếp tục làm công việc "ma ma tổng quản" - Tổng giám thị. 

Là giáo viên Vật lý nhưng từ năm 1992, cô Trị được nhà trường giao thêm nhiệm vụ làm giám thị. Để rồi, cuộc đời làm nghề giáo của cô trải qua những thăng trầm của những niềm vui - nỗi buồn, nụ cười và cả nước mắt liên quan đến học trò.

"Em lạy cô!"

Cô Trị kể về cậu học trò từng tự quỳ xuống trước cô, chắp tay: "Em lạy cô!".

Chuyện là, một giáo viên trong trường xử lý em tội hút thuốc lá dù chưa bắt được quả tang. Em cãi lại, hai bên cũng căng thẳng nên nhà trường phải "điều" cô Trị xuống xử lý. 

Cô Trị “chuyên trị” học trò - 1

Cô tách thầy và trò ra, trước mắt để "giải cứu" cả hai. Ở lại, cô vỗ vai học sinh: "Cô tin em!". Có điều, cô nói thêm, nếu như cô bắt được em hút thuốc, bất kể ở đâu, trong hay ngoài trường thì em muốn cô xử lý thế nào?

Cậu học trò leo lẻo: "Dạ, em sẽ rút hồ sơ học tại trường luôn!". 

Hai cô trò làm giấy cam kết! Cô Trị làm việc luôn có cam kết - trong những tờ cam kết, các em được phép đưa ra những phương án, lựa chọn.

Chưa đến một tuần sau, hoàn toàn vô tình, khi đi trên đường, lúc đèn đỏ, cô Trị dừng xe. Xe bên cạnh là cậu học trò ngồi sau, đang phì phèo hút thuốc. Nhìn thấy cô, em vứt ngay điếu thuốc.

Cô Trị vẫn bình thản đi về trường, cậu học trò chạy theo cô vào tận phòng giám thị, rối rít: "Em xin lỗi cô, cô ơi!". Cô Trị vờ như không hay, ngạc nhiên hỏi: "Sao em xin lỗi cô chi vậy?".

Cô Trị “chuyên trị” học trò - 2

Cô Trương Thị Trị - người 27 năm làm Tổng giám thị ở Trường THPT Bùi Thị Xuân, TPHCM 

"Vì em hút thuốc cô ơi! Em biết tội của em rồi!". "Ủa, thế là em hút thuốc thật đó hả?", "Dạ cô, cô thấy rồi mà!". Cô Trị cười: "Cô không thấy gì hết. Quan trọng là em đã dám nhận lỗi của mình! Thế thì cứ theo giấy cam kết mà làm!" 

Cậu học trò quỳ xuống, chắp hai tay: "Em lạy cô, cô ơi!". 

Sau đó, hai cô trò ngồi trò chuyện. Cô nói, hút thuốc trước hết là không tốt, có hại cho chính bản thân em, chứ không phải có hại cho thầy cô. Cô sẵn sàng chi tiền, mua hẳn hai cây thuốc lá cho em hút cho đã đời, rồi bỏ nha. Hai cô trò cười vang, ngoắc tay nhau, và sau đó, cậu học trò đã bỏ thuốc lá!

Nỗi lòng người "đóng vai ác" 

Tuổi học trò, có em gọi cô Trị là "sát thủ", "bà la sát", "Dung ma ma", "đụng ai chứ đụng cô Trị là tiêu"...

Với công việc của mình, cô Trị chuyên khoác vai "người ác" với vẻ ngoài cứng rắn, lạnh lùng. Cô không ngại quát học trò, đe học trò, thậm chí cảnh cáo các em "đừng giỡn với tôi nha"... Gặp nhiều học trò đặc biệt, bướng bỉnh nhưng cô rất "cứng", không bao giờ tỏ ra yếu lòng. Cho đến khi trở về nhà... 

Cô Trị “chuyên trị” học trò - 3

Có em học trò lớp cô chủ nhiệm là học sinh giỏi, tính cách rất tự cao, rồi em sa vào yêu đương, lụy tình, học hành tụt dốc, đánh mất cả bản thân, khổ tâm vô cùng. Cô nhìn mà xót xa cho học sinh. 

Biết chuyện tình cảm là thứ không thể cấm đoán, không thể đưa quy định nào ra để "áp" cho các em, cô Trị góp ý, yêu đương cũng được, nhưng em phải biết "giữ mình".

Cậu học trò cự lại cô ngay giữ lớp, nói cô giáo gì mà không có lương tâm. Rồi em xin chuyển lớp, gặp cô không chào... Cô Trị buồn đến độ, về nhà cô bật khóc! 

Mấy chục năm sau, khi đã đi làm, lập gia đình, cậu học trò năm xưa quay lại tìm gặp cô xin lỗi! Nỗi lòng của hai cô trò được giải tỏa. 

Cô Trị “chuyên trị” học trò - 4

Học trò viết về cô "sát thủ" đáng yêu - là cô giám thị của trường - trong một dự án về Văn học 

Cách đây cả mấy chục năm, có em nam sinh là con một vị phó giám đốc một bệnh viện lớn ở thành phố. Em quậy tưng bừng, tóc nhuộm vàng hoe, áo mặc mở nút hở ngực, lên lớp không học, nằm gục lên bàn ngủ ngon lành. Giáo viên trong trường rất "oải" nhưng cô Trị vẫn luôn cười với em, trò chuyện với em, nên suốt ngày em mon men tìm cô Trị. 

Có lần, cô ngồi chấm bài, em vào lớp ngồi cạnh. Cô Trị nói: "Tôi không có rảnh nha", nhưng vẫn cho phép em ngồi đấy! Em chỉ ngồi đó, nhìn cô làm việc. Cô Trị không biết đó là lần cô trò chia tay. Ngày hôm sau, em vượt biên ra nước ngoài, hai cô trò không kịp chào nhau một lời. Cô cứ day dứt mãi... 

Mấy chục năm sau, khi đã hơn 50 tuổi, cậu học trò mới trở về. Người đầu tiên em đến trường tìm là cô Trị. 

"Trị" học trò bằng sự tôn trọng 

Cô Trị "ác" thế, khó tính đến thế lại hay la mắng học trò nhưng bao nhiêu thế hệ học sinh vẫn luôn nhớ về một cô giám thị đặc biệt. Cô la, cô mắng vậy thôi nhưng các em hiểu, xuất phát từ sự lo lắng, quan tâm của cô.

Trải dài qua nhiều lớp học trò, cô Trị chia sẻ, học trò mỗi thời một khác. Nếu trước đây, người thầy có thể dùng uy quyền của mình để áp đặt các em thì bây giờ, như vậy là phản tác dụng. Chính cô cũng phải điều chỉnh mình theo thời gian, theo công việc. 

Cô Trị “chuyên trị” học trò - 5

Theo cô, khi làm việc với học trò, cần nhất là sự tôn trọng, nếu không sẽ đẩy các em xa mình. Phải làm sao để các em giữ tự trọng và niềm tin vào bản thân mình, luôn thấy mình tốt đẹp. 

Trước mọi vấn đề, cô không đặt nặng việc xử phạt, xử phạt không giúp học sinh tiến bộ mà cần tạo cơ hội để các em nhận ra phải trái và bản thân muốn thay đổi. Nhiều em có những biểu hiện bất thường đều có căn nguyên sâu xa, rất cần được giúp đỡ. Chính các em cũng cần cơ hội để thay đổi và cần thời gian để hoàn thiện.

Nhiều em, bố mẹ đầu hàng, nói chuyện không được là tìm đến nhờ cô Trị.

Mấy chục năm làm giám thị của cô, rất hiếm trường hợp học sinh phải đưa ra hội đồng kỷ luật.

Kết nối những yêu thương 

Làm giám thị, công việc tưởng là khô khan, đáng sợ nhưng với cô Trị, là cả một bầu trời yêu thương với học trò khi có cơ hội tiếp xúc, kết nối với các em. Có nhiều hoàn cảnh, vấn đề của học trò được phát hiện từ phòng giám thị để nhà trường tìm cách hỗ trợ.

Trường hợp cách đây hai năm về cô học trò tên Linh. Có dạo, mẹ em thường xuyên đến phòng giám thị xin nghỉ học. Cô Trị hỏi han thì được biết em bị bệnh về tuyến giáp ở cổ, nhưng gia đình không có tiền đưa em đi khám bệnh. Cô Trị dúi vào tay người mẹ 500 nghìn đồng, nói về lo cho cháu rồi rồi báo lên nhà trường.

Sau đó, phía nhà trường và bản thân cô Trị lấy tiền túi giúp em điều trị bệnh, đóng tiền nhà trọ cho hai mẹ con. Giờ em đang là sinh viên Trường ĐH Luật. 

Cô Trị “chuyên trị” học trò - 6

Cô Trị được học trò cũ yêu quý mời đi du lịch khắp nơi. 

Cô Trị kể, mình rất được "lộc" từ học trò. Nhờ tiếp xúc với các em nhiều, hiểu rõ những thay đổi, những tình huống phức tạp của các em ở lứa tuổi nên cô có thêm những kinh nghiệm quý báu trong hành trình làm mẹ.

Mấy năm qua, vợ chồng cô đi du lịch nhiều nước trên thế giới do học trò cũ mời. Gần đây nhất là hai chuyến đi Mỹ kéo dài cả tháng trời, học trò cũ lo hết mọi thứ. 

Trong các chuyến đi, niềm vui lớn nhất của cô là gặp lại rất nhiều học trò cũ các thế hệ. Nhiều em ở các bang, thậm chí ở các nước lân cận... đều bay sang gặp cô Trị để "hỏi tội" cô cho bằng được. Những cuộc gặp có những lời xin lỗi, cảm ơn cho những yêu thương, hiểu lầm ngày nào. 

Cô Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân chia sẻ, cô Trị giống như một nhà giáo dục, có rắn có mềm trong cư xử với học trò. Cô rất nghiêm khắc, khó tính, không ngại la mắng học sinh nhưng lại rất được lòng học trò. Bởi những gì cô làm, học sinh cảm nhận được xuất phát từ lòng yêu thương, quan tâm, mong muốn các em tốt hơn chứ không phải thể hiện sự quyền uy. 

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm