Có thể mua nhiều ứng dụng học tiếng Anh nhưng không mua được sự kết nối
(Dân trí) - Phụ huynh có thể mua nhiều ứng dụng (app) học tiếng Anh cho con nhưng nếu phụ thuộc hết vào công nghệ, bố mẹ không còn niềm vui đồng hành cùng con cái...
Trên đây là chia sẻ của nhà văn Hoàng Anh Tú tại tọa đàm "Ứng dụng AI vào dạy học tiếng Anh ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay" được tổ chức ngày 15/10 tại Hà Nội.
Dễ mua ứng dụng nhưng khó mua sự kết nối
Chia sẻ với vai trò là phụ huynh, nhà văn Hoàng Anh Tú cho rằng, nhiều bố mẹ hiện rất khó chiều. Họ vừa muốn con giao tiếp tốt về tiếng Anh nhưng vẫn mong muốn con có điểm số cao trên lớp - nhất là các trường công lập, điều này rất khó cho các trung tâm ngoại ngữ.
Nếu cứ tiếp tục thế này, các trung tâm tiếng Anh sẽ trở thành "trung tâm gia sư", không mang lại niềm vui học tập cho học sinh.
Hiện công nghệ đã xâm chiếm vào nhiều công đoạn của giáo dục nhưng theo chuyên gia này, để tồn tại trong xã hội AI, việc học tập phải mang tính kết nối nhiều hơn.
Phụ huynh bây giờ quá bận rộn, họ sẵn sàng chi tiền để con học tốt tiếng Anh nhưng quan trọng phải tạo được khoảnh khắc hành trình giữa cha mẹ và con cái.
"Hàng tuần tôi vẫn nhận được thông báo của giáo viên trao đổi về việc học tập của con gái như thế nào, kết quả ra sao. Điều này rất tuyệt vời nhưng không mang lại niềm vui đồng hành giữa bố mẹ và con cái trong việc học.
Vậy nên thay vì nghĩ việc sử dụng AI để dạy học như thế nào, tại sao chúng ta không nghĩ đến những điều nhân văn hơn, đó là sự kết nối giữa cha mẹ và con cái, sao cho có nhiều khoảnh khắc để cha mẹ và con cái gắn bó với nhau hơn.
Thay vì chuyện chạy đua công nghệ, tại sao chúng ta không nghĩ đến sự gắn kết gia đình nhiều hơn? Chẳng hạn, thông qua các kênh talkshow, podcast để kết nối cha mẹ với con cái trên hành trình học tập, tạo ra nhiều khoảnh khắc gắn bó trong gia đình.
Phụ huynh có thể mua nhiều ứng dụng cho con học tiếng Anh nhưng làm thế nào để hiểu trẻ, để cùng đồng hành trên con đường học tập của con lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Đấy chính là tính nhân văn trong giáo dục mà không bất cứ công nghệ nào thực hiện được", ông Hoàng Anh Tú nói.
Không thể học như cái máy
Ông Nguyễn Tiến Nam, Chủ tịch Tập đoàn SunUni Global, cũng khẳng định AI thông minh nhưng không thể thay thế con người bởi chung quy chúng ta không thể học như một cái máy.
Chính vì vậy, cùng với việc áp dụng cả AI, tại cơ sở này có nhiều nhiệm vụ được giáo viên trực tiếp sát sao, chẳng hạn hội đồng chuyên môn, hệ thống giáo viên chủ nhiệm…, để hỗ trợ người học.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Lê Văn Canh, nguyên giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, AI sẽ thay đổi toàn diện, triệt để và định nghĩa lại toàn bộ khái niệm trong học tập.
Chẳng hạn, AI có thể cá nhân hóa lộ trình học cho từng học viên dựa trên phân tích dữ liệu về năng lực và nhu cầu học tập của họ. Nhờ khả năng xử lý khối lượng thông tin khổng lồ, AI có thể tự động chấm bài, cải thiện phát âm và theo dõi sự tiến bộ của học viên mà không cần sự can thiệp trực tiếp của giáo viên.
Ngoài ra, việc sử dụng AI cũng có thể giúp học viên tiếp cận rất nhanh chóng những kiến thức mới mà không cần mất quá nhiều thời gian; công việc dịch thuật cũng không còn khó khăn như trước hay hỗ trợ trong việc học phát âm, viết bài luận…
Tuy nhiên, chính sự xuất hiện và những hiệu quả đáng kinh ngạc của AI trong việc dạy và học tiếng Anh, khiến nhiều lo ngại, liệu trong vài năm nữa, các thầy, cô giáo dạy tiếng Anh có bị thất nghiệp bởi AI không? Làm thế nào để ứng dụng AI một cách hiệu quả trong giáo dục?
"Trong thời đại 4.0, việc cộng tác với AI như thế nào là bài toán khó. Vai trò của người thầy sẽ không mất đi nhưng có sự thay đổi. Thầy cô phải thay đổi chính mình, biết cách đồng hành cùng các thầy, cô giáo AI", PGS.TS Lê Văn Canh nói.
Chuyên gia này cũng khẳng định, công nghệ có thể giúp phát triển ngôn ngữ rất tốt nhưng thứ người máy không thể làm được là xúc cảm. Người máy cũng không thể hiểu hết sự tinh tế và sáng tạo của ngôn ngữ.
Dù tạo ra nhiều cơ hội, người máy không tạo động lực cho người học. Giáo viên mới là người tạo động lực, truyền cảm hứng, hướng dẫn học viên phương pháp học tập hay phân tích thông tin. Đây chính là điểm khác biệt giữa thầy cô giáo "thật" với thầy cô giáo "ảo".