Có nhất thiết phải chen chân giành tấm vé vào trường đại học "top"?

Văn Hiền - CTV

(Dân trí) - Khao khát giành tấm vé vào các trường đại học top đầu, nhiều bạn trẻ đã phải phí hoài cả tiền bạc và tuổi trẻ...

Có nhất thiết phải chen chân giành tấm vé vào trường đại học top? - 1

Khi được hỏi đang học trường nào, hầu hết các bạn trẻ đều muốn có một câu trả lời đầy tự hào (Ảnh: Văn Hiền).

"Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng"

Nguyễn Thơm (sinh viên ngành Khoa học dữ liệu, Đại học Kinh tế TPHCM) quan niệm: "Khi được học tập với những sinh viên trường top năng động và sáng tạo thì bạn phải học cách tự phát triển. Môi trường xung quanh toàn người giỏi sẽ khiến bạn không cho phép bản thân được dậm chân tại chỗ".

Thơm cũng cho rằng hầu hết các trường danh tiếng đều có chất lượng và uy tín đã được khẳng định, với nhiều giảng viên giàu kinh nghiệm, sẽ giúp sinh viên thể tiếp thu kiến thức tốt nhất, đi đầu trong việc đón các xu hướng của thời cuộc và không cứng nhắc để thúc đẩy sự sáng tạo của sinh viên.

Ngoài ra, Thơm còn khẳng định rằng nếu bạn học ở trường danh tiếng thì cơ hội việc làm sẽ rộng mở hơn.

Danh tiếng trường học không hoàn toàn là thước đo năng lực

Trong khi đó, Nguyệt Anh (Hà Nội) cho rằng đã đến lúc nên thay đổi cách nhìn về các trường top đầu, hay top dưới. Những định kiến như vậy sẽ vô hình tạo áp lực lên các em học sinh.

Có nhất thiết phải chen chân giành tấm vé vào trường đại học top? - 2

Nguyễn Nguyệt Anh (sinh năm 1994) từng là sinh viên chuyên ngành Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên tại Đại học Lâm nghiệp Việt Nam và vừa tốt nghiệp với xếp hạng đặc biệt chương trình thạc sĩ tại Canada.

Nguyệt Anh giải thích: "Lá thư báo đỗ không phải là điểm dừng chân cuối cùng trên hành trình sự nghiệp của bạn, nó chỉ đơn giản là một cột mốc. Hành trình sau đó là của bạn, bạn chính là người cầm lái, mới thật sự góp phần lớn tạo nên bạn của sau này.

Nếu có một ngày, sau bao nhiêu cố gắng nỗ lực và mòn mỏi chờ đợi, bạn bị hụt điểm và phải lựa chọn vào một trường có điểm đầu vào thấp hơn, không phải là trường top đầu, thì chắc chắn bạn sẽ buồn lắm, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải giới hạn khả năng phát triển và học hỏi của bản thân".

Theo Nguyệt Anh, mục tiêu của việc đi học không phải là được thật nhiều điểm cao và lúc nào cũng vỗ ngực xưng danh mình học trường nào. Học là một hành trình bền bỉ, mà khi đó người đi học chủ động tạo được nền móng và phát triển tốt khả năng nhận thức cho bản thân.

Ở Việt Nam, mọi người thường nhìn vào điểm đầu vào để chia nhóm các trường đại học, từ phụ huynh học sinh, đến chính cả các em học sinh, sinh viên. Nhưng thực ra tất cả những tiêu chí đó chỉ là tương đối. Điểm mấu chốt chính là "học ở đâu không quan trọng, quan trọng là mình muốn học được những gì".

Lời khuyên của Nguyệt Anh dành cho các sĩ tử sinh năm 2004 chính là: "Hãy cứ chiến đấu hết mình đi và đừng áp lực quá về chuyện trường top đầu, top giữa, hay top cuối. Cứ tự tin tỏa sáng dù mình có ở đâu, vì nhân tố lớn nhất tạo nên số mệnh của mình chẳng ai khác là các em, các em có thể làm nhiều điều ý nghĩa, và những điều đó sẽ đi cùng những năm tháng về sau, chứ không chỉ là tên ngôi trường đại học các em theo học".

Mình chọn đứng "top" ở trường thường hơn là làm "dân thường" ở trường "top"

Lê Trường (sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, TPHCM) đã tự lượng sức mình để chọn trường có thể thấp hơn nhưng có cơ hội để nổi trội, nhờ đó mà có động lực vì được chú ý và mở rộng thêm nhiều cơ hội cho bản thân.

Trường nói: "Thông thường, mọi người mong muốn vào những trường danh tiếng nhất trong ngành mà mình lựa chọn. Điều này không sai, nhưng bạn cần phải lượng sức mình và không nên phí hoài tiền bạc và tuổi trẻ.

Bạn có thể gắng sức để đạt điểm cao vào các trường top trên rồi sau đó lại rơi vào nhóm sinh viên top dưới của trường. Sẽ rất thiệt thòi khi bạn chỉ là một sinh viên mờ nhạt rồi yên phận ở trong môi trường danh tiếng.

Có nhất thiết phải chen chân giành tấm vé vào trường đại học top? - 3
Rất nhiều bạn trẻ không chỉ sĩ tử lớp 12 cũng phải đắn đo, suy nghĩ về câu hỏi này rất nhiều, tất cả đều rơi vào trạng thái bế tắc.

Rất có thể chẳng ai biết đến bạn và thúc đẩy bạn phấn đấu. Mình từng gặp nhiều bạn học rất khá nhưng lúc vào trường "top" lại khá mờ nhạt, dần dần trở nên chán chường, mất tự tin, uể oải".

Nam sinh cũng chỉ ra rằng: "Việc học tập là quá trình dài mà chính người học mới là người chủ động nhất. Hiện tại, mức học phí đa dạng cũng như cách thức tuyển sinh khá phong phú, bạn hoàn toàn có thể "lùi một bước" để tìm ra cơ hội tốt hơn. Bây giờ việc vào đại học cũng không quá khó, bạn đừng chú tâm vào quá trình luyện thi mà hy sinh các cơ hội học hỏi trải nghiệm, mở rộng tìm hiểu để có vốn kiến thức xã hội nền tảng".

Ảnh: NVCC