Có luật, giáo dục đại học vẫn trên con đường… luẩn quẩn?
(Dân trí) - Thảo luận trong phiên họp toàn thể về dự án luật Giáo dục đại học chiều nay, 14/11, nhiều đại biểu đặt câu hỏi, tỏ ý lo ngại cho kết quả nỗ lực cải cách chất lượng bậc học này khi luật vẫn chỉ chung chung, hô hào, đậm dấu ấn xin - cho.
Nội dung gây nhiều phản ứng trái chiều nhất vẫn xoay quanh chuyện giao quyền tự chủ cho các trường đại học.
Ông Đáng cho rằng, riêng quy định về việc giao quyền tự chủ đã xứng đáng để viết thành một chương, cụ thể, rạch ròi về đối tượng, lộ trình cũng như việc kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ. Việc giao quyền tự chủ phải thực hiện có lộ trình, giao đến đâu và giao ở mức độ nào là phù hợp.
"Quốc hội thường vẫn nói phải tránh tình trạng ban hành luật khung, luật ống. Nhưng trong trường hợp này lại có luật… né. Gọi là “né” vì các quy định vẫn né tránh hầu hết các vấn đề cối tử của giáo dục đại học” - Ông Đáng mạnh dạn đề nghị Quốc hội dừng lại việc làm luật này cho thời điểm chín muồi.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cũng nhận xét, quy định trong luật đưa ra có vẻ rất hay nhưng lại luôn “chốt” giao Thủ tướng, giao Chính phủ quy định cụ thể. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong dự án luật chưa rõ. Dự án luật vẫn cho thấy cơ quan quản lý nhà nước tham gia quá sâu vào cơ chế vận hành của các trường.
Bà Lan đề xuất, quyền tự chủ phải xem xét trên cơ sở khoản thu học phí của từng trường, vì trường ĐH công lập thu học phí khác trường dân lập và trường liên kết với nước ngoài. Việc tăng quyền tự chủ cũng phải dựa trên cơ sở kiểm định chất lượng giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Trung Thu (Long An) lại giữ quan điểm cẩn trọng, dè dặt là không nên ồ ạt giao quyền tự chủ cho các trường. Việc giao quyền, nếu có, cần xét theo khả năng, chất lượng của từng trường và cần thực hiện theo lộ trình. Quyền được giao tự chủ bao nhiêu phải dựa trên sự kiểm định chất lượng giáo dục đã được công khai.
Cùng chung lo lắng này, đại biểu Lê Văn Học (Lâm Đồng) đặt câu hỏi, với hơn 400 trường đại học hiện nay, đến bao giờ kiểm định hết? Ông Học cũng cho rằng, quy định về việc Bộ có quyền giao và thu hồi quyền tự chủ cho các trường là một cách “tự chủ xin - cho”.
Đại biểu kiến nghị, đã bàn chuyện giao quyền tự chủ là phải có cơ chế Hội đồng trường, với cơ cấu và chức năng rõ ràng. Chủ tịch Hội đồng trường phải có vị thế độc lập, không thể để cho hiệu trưởng kiêm nhiệm.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng, dự luật cần quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các trường ĐH không vì lợi nhuận. Các trường không vì lợi nhuận phải được giao quỹ đất để xây dựng cơ sở vật chất nên cũng được giao quyền tự chủ để ổn định môi trường sư phạm.
Trước những vấn đề vướng mắc còn ngổn ngang, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Tiền Giang) tỏ ra lo lắng bởi hệ thống luật về giáo dục lâu nay vốn đã chung chung, mà luật này lại cũng không cụ thể. "E rằng giáo dục đại học lại tiếp tục đi trên con đường luẩn quẩn" - đại biểu không giấu nghi ngại.
P.Thảo