Cô học trò có mái tóc màu xanh và điểm tổng kết 9,2

(Dân trí) - “Hãy cho màu tóc sự bình đẳng nó cần được có", đó là lời nữ sinh lớp 10 nói với cô giáo chủ nhiệm để bảo vệ mái tóc xanh rì của mình. Cô bé cũng là người luôn gây ồn ào trong lớp học. Và cũng chính cô bé ấy đạt điểm tổng kết năm học 9,2...

Quy định của các trường học hầu như có một sự thống nhất về việc học sinh không nhuộm tóc, ăn mặc chỉnh tề hoặc đồng phục đi học. Song ngày đầu nhập học cấp 3, Phiến (tên nhân vật đã được thay đổi) đã “diện” một mái tóc xanh rì, cùng với chiếc quần mài rách gối, áo thụng và giày thể thao. Ngoại hình ấn tượng ấy khiến cho không chỉ cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Tâm An (tên nhân vật đã được thay đổi) mà cả mấy chục bạn học trong lớp đều phải tròn mắt. Bằng một cách không giống ai, Phiến đã khiến cho cả lớp phải nhớ mặt em.

Vào buổi học kế tiếp, Phiến liên tục “yêu cầu” các bạn nhớ tên mình. Cách nói chuyện đầy ồn ào của em khiến một vài bạn trong lớp không thoải mái. Nhưng chí ít, ngày hôm ấy, cả lớp chẳng ai không nhớ tên em.

Cô học trò có mái tóc màu xanh và điểm tổng kết 9,2 - 1

Ảnh minh hoạ

Những buổi học tiếp theo, Phiến vẫn đến lớp theo cách riêng của mình, với mái tóc xù lọn xanh và chiếc quần mài gối. Phiến thường tranh luận nhiều với các bạn trong lớp, bất kể là tiết học hay về chuyện ngoài lề, cứ đâu có em là không khí sẽ “náo nhiệt” như một cuộc cãi vã.

Cô giáo Tâm An lặng lẽ quan sát, đợi chờ một tín hiệu “hiểu chuyện” từ cô bé ấy. Một buổi trưa khi cô Tâm An đang ngắm những lọn tóc của Phiến, cô bé khẽ nói:

- Cô yên tâm, con sắp nhuộm lại rồi.

- Sao con biết cô nhìn những lọn tóc ấy?

- Ai nhìn thấy nó cũng sẽ chú ý ạ. Con biết vậy mà. Con cũng chỉ có ý định nhuộm trong mấy hôm du lịch hè thôi. Cuối tuần này khi được nghỉ, con sẽ khiến nó biến mất.

- Con biết vậy là tốt rồi, mong sớm thấy mái tóc đen của con.

- Con thực sự không hiểu, tại sao người lớn lại có sự phân biệt về màu tóc và thời trang? Mái tóc màu xanh và chiếc quần rách gối đâu khiến cô nghĩ con hư phải không ạ? Vì nó chẳng nói lên nhân cách con người. Con biết đó là nội quy nên ngay từ tuần học mới, tóc con sẽ đen và quần sẽ lành lặn. Nhưng con mong một ngày nào đó, tất cả mọi người sẽ cho màu tóc quyền bình đẳng của nó - Phiến lém lỉnh nói.

Nói là làm, kể từ tuần sau ấy, mái tóc Phiến đã trở về màu đen, chiếc quần lành lặn và áo phông cũng tiết chế hơn nhiều. Tuy nhiên cô bé ấy vẫn tạo ra sự ồn ào ở bất cứ nơi đâu có thể. Những tưởng cô bé rồi sẽ dần dần đi vào quỹ đạo của một học sinh bình thường như bao bạn khác...

Nhưng bỗng 1 ngày sau 3 tuần nhập học, Phiến bỏ cơm trưa và nằm ôm chăn khóc. Cô bé khóc rất nhiều song không chịu chia sẻ điều gì. Đầu giờ chiều, cô giáo Tâm An nhận được một tin nhắn từ mẹ của Phiến: “Phiến muốn chuyển trường em à!”. Mặc cho cô giáo khuyên nhủ, mẹ của Phiến đáp: “Bạn ấy muốn được chuyển trường ngay, dù chị đã nói với con sẽ chuyển vào cuối kì”.

Hết giờ học hôm ấy, Phiến chạy vù ra khỏi lớp, không để cô giáo có cơ hội nói chuyện riêng. Tối hôm ấy, cô Tâm An chat với Phiến, gửi cho em một bài hát mà cô đoán Phiến thích vì đã từng nghe cô bé ngâm nga.

- Cô cũng nghe nhạc của “Ngọt” ạ?

- Là một phần của mỗi tối đó con - cô giáo nhắn.

- Ôi bất ngờ thật đấy ạ. Chưa có cô giáo nào nghe nhạc Ngọt giống con. - Một vài trái tim được cô bé gửi.

- Vậy sao cô bé nghe nhạc Ngọt hôm nay khóc? - cô giáo không ngại hỏi thẳng.

- Vì các bạn không chơi với con…

- Con đoán vì sao?

- Vì con hay cãi nhau với các bạn. Có lẽ các bạn nghĩ con kiêu căng, hay coi thường người khác.

- Sao con nghĩ thế?

- Vì lúc tranh luận con có nói đến một số điểm yếu của các bạn để mọi người vui, nhưng có lẽ các bạn chưa quen điều ấy nên khó chịu với con. Các bạn ở trường cũ của con không thế.

- Chẳng ai dễ dàng đối diện với điểm yếu của mình con à. Đặc biệt là khi nó bị khui ra như một tiếng cười châm chọc. Ngay cả con cũng vậy, khi biết các bạn không chơi với mình, biết điểm không tốt của bản thân, con cũng định chạy trốn bằng việc chuyển trường đó thôi?

- Nhưng con sợ cảm giác không ai chơi cùng…

- Đến hoa quả cỏ cây còn cần thời gian để chín, để nở cơ mà. Con có thường đọc sách không? - Cô giáo chuyển nhanh chủ đề để tránh làm mọi chuyện nặng nề. Bởi cô biết với Phiến nói vậy là đủ. Cô bé cần thời gian để suy nghĩ.

- Con có thói quen đọc sách từ lúc biết chữ. Bây giờ con có một phòng sách riêng.

Phiến kể cho cô giáo nghe đủ chuyện, nào là cách bố rèn thói quen đọc sách và dậy lúc 5h sáng; chuyện mẹ hàng ngày dặn dò giảm cân… Một vài ngày sau, Phiến không còn nói đến việc chuyển trường nữa.

Sau này, Phiến vẫn ồn ào như cũ, nhưng khéo léo hơn và bớt gai góc hơn. Cô bé ấy là một mảnh ghép đặc biệt của cả lớp, rất hiểu biết và nhạy cảm. Phiến không phải cô bé biết ngoan ngoãn và vâng lời nhưng rất thông minh.

Sau này cô Tâm An biết thêm, cô bé có thể khóc ngon lành khi đọc Thạch Lam, lại có một niềm say mê với rock và bóng rổ. Cũng cô bé ấy đạt thành tích 9,2 điểm trung bình các môn, luôn khao khát được nhuộm những màu tóc đặc biệt, ngắm những hình xăm và chiếc quần rách gối.

Nhớ về Phiến, cô giáo Tâm An cảm thán: “Mỗi đứa trẻ đều là một thế giới diệu kì, mà để bước vào đó, người ta cần sẵn sàng sự tôn trọng. Chỉ có hạnh phúc và tôn trọng mới là điều kiện để mỗi đứa trẻ khai mở tối đa tiềm năng của mình mà không cần ai ép buộc”.

Bài viết dựa trên lời kể của một giáo viên THPT.

Mai Châm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm