Có hay không sự tiêu cực ở học bổng 322?
(Dân trí) - Học bổng 322 là chương trình “đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước” đang có nhiều điểm nghi vấn nhập nhèm. Sự việc này đã được nhiều thí sinh dự thi tuyển sinh học bổng 322 <a href="http://diendan.edu.net.vn/forums/thread/280486.aspx">thảo luận tại diễn đàn của Bộ GD-ĐT</a> nhưng cho đến nay chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra giải quyết.
Theo Thông báo số 1113/TB-BGD&ĐT ngày 16/02/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại phụ lục 1 có quy định về kiểm tra ngoại ngữ:
“Người dự tuyển đăng ký đi Pháp không phải dự kiểm tra tiếng Pháp; sau khi trúng tuyển sẽ được Đại sứ quán Pháp tổ chức kiểm tra và dạy thêm tiếng Pháp tại Việt Nam đạt yêu cầu trước khi lên đường.
Người dự tuyển đăng ký đi Nga và Trung Quốc không phải dự kiểm tra ngoại ngữ; tuy nhiên cần có sự chuẩn bị trước về ngoại ngữ. Người trúng tuyển sẽ được học ngoại ngữ tại nước bạn.
Người dự tuyển đăng ký các nước còn lại và sẽ sử dụng tiếng Anh trong học tập (có thể đăng ký đi Pháp học tiến sĩ bằng tiếng Anh) sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kiểm tra tiếng Anh (TOEFL nội bộ) tại Hà Nội và TPHCM vào giữa tháng 5/2006”.
Như vậy theo quy định của thông báo này thì những thí sinh đăng kí đi Pháp thì không phải thi ngoại ngữ. Tuy nhiên cũng trong thông báo 1113 này thì lại có sự úp mở: “Có thể đăng kí đi Pháp học tiến sĩ bằng tiếng Anh”.
Việc hai thí sinh Lê Mai Đông và Triệu Hùng Trường thi đầu vào là tiếng Anh tại hội đồng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chứng tỏ hai thí sinh không đăng kí đi Pháp.
Kết quả thi tiếng Anh của thí sinh Lê Mai Đông chỉ được 497 điểm TOEFL và của thí sinh Triệu Hùng Trường chỉ là 430 điểm TOEFL. Theo quy chế của học bổng 322 thì để trúng tuyển yêu cầu trình độ TOEFL ít nhất là 500 điểm. Như vậy với kết quả này rõ ràng hai thí sinh Đông và Trường không đủ điều kiện để đi học theo diện 332.
Tuy nhiên, theo kết quả tuyển sinh thì hai thí sinh này đều trúng tuyển. Thí sinh Lê Mai Đông được đi Pháp đào tạo thạc sĩ và Triệu Hùng Trường được đi Pháp đào tạo tiến sĩ. Trong bảng trúng tuyển này ghi rất rõ ở kết quả thi ngoại ngữ là không phải thi ngoại ngữ do đi Pháp.
Như vậy có sự nhập nhèm trong quá trình xét tuyển, việc thi tiếng Anh trước đó nhưng sau lại đi Pháp là sai với quy định của thông báo 1113 do thứ trưởng Trần Văn Nhung kí ngày 16/02/2006.
Giả sử nếu có áp dụng theo thông báo đó là “có thể đi Pháp học tiến sĩ bằng tiếng Anh” thì với kết quả 430 điểm TOEFL thì thí sinh Trường không thể trúng tuyển.
Cùng đó, theo phụ lục I kèm cũng theo thông báo số 1113/TB-BGD&ĐT thì chỉ tiêu tuyển sinh đi học các nước theo học bổng 332: Mỹ: 35 chỉ tiêu, Anh: 15 chỉ tiêu, Úc: 20 chỉ tiêu, Pháp: 40 chỉ tiêu, Đức: 25 chỉ tiêu, Nga: 10 chỉ tiêu, Trung Quốc: 25 chỉ tiêu, Các nước khác: 30 chỉ tiêu.
Nhưng theo kết quả trúng tuyển thì chỉ tiêu đã bị thay đổi, điển hình: Mỹ: 22 chỉ tiêu, Anh: 10 chỉ tiêu, Pháp: 50 chỉ tiêu, Trung Quốc: 19 chỉ tiêu, Nga: 4 chỉ tiêu…
Như vậy, 3 nước không cần thi đầu vào ngoại ngữ là Pháp, Trung Quốc, Nga thì chỉ tiêu đi Pháp tăng đột biến. Việc chuyển chỉ tiêu so với dự kiến sang các nước khác nhưng thi đầu vào bằng tiếng Anh thì có lẽ nó mang tính công bằng hơn việc người dự thi tiếng Anh lại trúng tuyển theo diện không cần thi ngoại ngữ đầu vào.
Cũng theo phản ánh của các thí sinh, việc thí sinh Nguyễn Thị Mai thi TOEFL chỉ được 380 điểm nhưng vẫn được cử đi học tiến sĩ ở Pháp là một dấu hỏi lớn trong khâu xét tuyển đề án 322.
Thí sinh Nguyễn Thị Mai sinh ngày 10/07/1976 công tác tại trường Đại học Nông Lâm TPHCM thi tại hội đồng thi Khối KHTN, ĐH Quố gia Hà Nội với kết quả kiểm tra kết quả thi TOEFL do Viện IIE tổ chức theo yêu cầu của Bộ giáo dục và Đào tạo để xét tuyển đi học theo đề án 322: Listening - 43 điểm, Structure - 39 điểm, Reading - 32 điểm.
Với kết quả này, không ai nghĩ trong danh sách thí sinh trúng tuyển đi học Tiến sĩ có tên thí sinh này.
Tuy nhiên trong danh sách 121 thí sinh trúng tuyển thì ở số thứ tự 18 xuất hiện tên thí sinh Nguyễn Thị Mai được đi học Tiến sĩ chuyên ngành Sinh thái học tại Pháp.
Chính những sự không rõ ràng này đã làm các thí sinh cảm thấy có sự mất công bằng trong việc giành học bổng 322.
Vậy những thắc mắc này Bộ Giáo dục có biết? Các ứng viên của học bổng 322 đang chờ câu trả lời từ các cấp ngành liên quan, trong đó chủ quản đề án học bổng 322 là thứ trưởng Trần Văn Nhung.
Trần Huy