Cô giáo về hưu băng rừng, vượt đèo đến với học trò

(Dân trí) -Nghỉ hưu từ 5 năm trước, nhưng với cô Nguyễn Thị Quảng, nghiệp nghề giáo vẫn trăn trở khi nghĩ về những đứa trẻ làng Vân thiệt thòi ở nơi xa xôi cách trở. Vậy là cô Quảng tình nguyện lặn lội đường đèo về làng Vân dạy tiếng Anh không công cho các em.

Cô giáo về hưu băng rừng, vượt đèo đến với học trò
Nghỉ hưu gần 5 năm nay, cô Quảng vẫn tận tụy với nghề giáo, tình nguyện dạy tiếng Anh không công cho học trò làng Vân.

Vượt đèo đến với học trò

Ngày trước giảng dạy ở Trường tiểu học Hải Vân (Q. Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), ở cương vị Chủ tịch Công đoàn trường, cô Nguyễn Thị Quảng vẫn thường có những chuyến công tác ra cơ sở 2 của trường tại làng Vân (thôn Hòa Vân, P. Hòa Hiệp Bắc, Q. Liên Chiểu). Mỗi chuyến đi về, cô lại thương cho những học trò nhỏ nơi đây chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè cùng trang lứa ở thành phố do cách trở địa lý.

Hồi ấy, trong khi học sinh ở phố chuyển cấp lên THCS đã quen với môn tiếng Anh từ tiểu học thì những học trò đến từ làng Vân vẫn lạ lẫm với môn học này. Vậy là nghỉ hưu, thay vì ngơi nghỉ sau quãng đời dài miệt mài với bảng đen, phấn trắng, cô Quảng tình nguyện ra làng Vân dạy tiếng Anh không công cho học trò.

Điều ấy đồng nghĩa với gần 5 năm nay, bất kể mùa nắng mùa mưa, mỗi tuần hai lần, đôi chân cô giáo đã tuổi hưu băng bộ vượt đèo 14km đi về làng Vân mang con chữ đến với học trò. Đoạn đường ấy hiểm nguy khôn lường. Một lượt đi 7 km, có quãng chừng 1km đường hầm tàu hỏa tối mịt. Ánh sáng duy nhất tỏa ra từ ánh đèn pin trên tay cô giáo. Đo khoảng cách giữa những vách ngăn tránh tàu trong hầm bằng bước chân, 15 phút băng hầm, cô phải tập trung đếm bước, để khi bất thình lình có đoàn tàu chạy qua, cô phải biết chạy về hướng nào để tới tới vách trú nhanh nhất. Chuyện gặp rắn rít trên đường băng rừng từ trên đèo xuống làng Vân là chuyện thường.

Có lần vừa mới trước Tết đây thôi, ngay “điểm đen”, điểm nguy hiểm nhất bởi khúc cua ngoặt chỗ tàu bắt đầu quẹo vào cửa hầm phía Bắc, khuất tầm nhìn cờ hiệu của nhân viên đường sắt, cô gặp nạn. Cô kể: Đi cùng cô lúc ấy có mấy anh bên truyền hình Công an nhân dân theo ra làng Vân. Đến gần “điểm đen” theo kinh nghiệm, cô bảo các anh lùi lại cho cô đi trước dò đường. Chợt nghe âm thanh chưa định hình là tiếng gió mạnh do có tàu chạy qua ở đằng xa hay tiếng sóng biển dưới chân đèo, thì bất ngờ đoàn tàu lao tới. Cô quay người nhắc người đồng hành chạy lui vào vách trú ngay. Phần cô lúc này chạy thẳng ra cửa hầm hay chạy về hướng vách trú đều không kịp. Cô gấp gáp quay người nằm sát mép đường ray, nhắm mắt nhín thở chờ cho tiếng ầm ầm của đoàn tàu chuyển bánh đi qua, mới hay mình còn sống.

Trở người dậy, tay trái tê rần. Cô bị gãy tay. Vết thương bó bột gần 2 tháng vừa lành, cô lại vượt đèo, băng rừng ra làng Vân. Bạn bè ái ngại khuyên cô nghỉ nhưng thương học trò vùng sâu, vùng xa thiệt thòi mà cô vẫn không nghỉ.

Ngày 8/3, hạnh phúc với hoa rừng

Đó là món quà dễ thương của học trò làng Vân bày tỏ tình cảm, sự tri ân đến cô Quảng và những cô giáo nơi đây trong những dịp đặc biệt như ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Những ngày ấy, học trò vào rừng hái hoa tặng cô, chỉ từng ấy nhưng cũng đủ cô Quảng và những đồng nghiệp nữ không quản nhọc nhằn đường xa mang con chữa đến với các em đong đầy hạnh phúc. Giọng cô trìu mến kể về học trò: “Bọn trẻ hiền lành, chân chất và chăm chỉ. Mỗi lần có đoàn từ thiện người nước ngoài ra thăm làng. Các em đã khiến những người nước ngoài bất ngờ vì có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Anh với những câu chào hỏi thông thường.”

Cô giáo về hưu băng rừng, vượt đèo đến với học trò
Cô Quảng với học trò làng Vân.

Nhiều em từ làng Vân ra phố học THCS, không còn bỡ ngỡ với môn học ngoại ngữ nữa. Lại có em khoe học tốt và đạt giải thưởng học sinh giỏi môn ngoại ngữ. Nhà giáo như cô Quảng chỉ mong chừng đó mà quên hết những hiểm nguy, nhọc nhằn khi lặn lội đường xa. Chỉ còn lại trong lòng cô giáo niềm tin và niềm vui trên đường đến trường trong lời bài hát cô viết tặng các em: “Một ngày mới bước chân trên đèo cao. Một ngày mới vui với lời chào. Tiếng suối reo cùng với tiếng chim ca. Chào ngày mới bình minh bên chân đèo. Long lanh long lanh hạt sương mai. Nhấp nhô nhấp nhô tiếng sóng xô. Ầm ầm ầm ầm tiếng tàu qua. Ầm ầm ầm ầm tiếng tàu xa…”.

Chừng 2 - 3 tháng nữa thôi, làng Vân được di dời về gần với phố thị, học trò làng Vân có cơ hội học hành tốt hơn. Mừng cho học trò, cô Quảng vui như ánh mắt lấp lánh của các em khi nhìn thành phố phía bên kia biển, bên kia đèo rực rỡ ánh đèn. Và cô nguyện trong lòng: “Nếu có nơi nào xa xôi, cách trở như làng Vân, có học trò cần đến, cô sẵn lòng tiếp tục công việc tình nguyện như đã từng gần 5 năm nay với học trò làng Vân khi còn có thể”.
 

Bắt đầu dạy tiếng Anh miễn phí cho học trò làng Vân từ năm học 2007 - 2008 tới nay, cô Nguyễn Thị Quảng đã từng được phong danh hiệu chiến sĩ thi đua đọc tham luận tại Đại hội thi đua yêu nước TP Đà Nẵng năm 2010; là đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết 4 năm cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Hà Nội; nhận Bằng khen của UBND TP. Đà Nẵng nhiều năm liền; Kỷ niệm chương của Ban tuyên giáo Trung Ương, 2 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

 Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm