Cô giáo tự vẫn ở trường hỏi luật sư giữa tòa: "Anh nhìn tôi có bệnh không?"
(Dân trí) - Khi luật sư đại diện cho nhà trường "bẻ" qua hỏi về tình trạng bệnh tật, bà Võ Thị Như Hoa hỏi lại: "Anh nhìn tôi thấy có bệnh không?".
Sáng 7/9, Tòa án nhân dân quận 7, TPHCM xét xử sơ thẩm vụ án dân sự bà Võ Thị Như Hoa kiện Trường THCS Hoàng Quốc Việt, quận 7, TPHCM.
Bà Hoa là cô giáo uống thuốc tự vẫn tại trường ngay trước mặt hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt vào cuối năm 2021 và được cấp cứu kịp thời gây bàng hoàng dư luận.
Bà Hoa mặc áo dài một mình ra tòa mà không có luật sư. Còn phía bị đơn là lãnh đạo Trường THCS Hoàng Quốc Việt đều vắng mặt, ủy quyền cho người đại diện và luật sư bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bị đơn.
"Anh thấy tôi có bệnh không?"
Theo thông tin sự việc, khi còn là giáo viên văn tại Trường THCS Hoàng Quốc Việt, bà Hoa bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo vì "không thực hiện nhiệm vụ hiệu trưởng phân công, vắng mặt không phép từ ngày 18/3/2021 đến 29/10/2021".
Sau đó, đến ngày 31/12/2021, trường ra quyết định kỷ luật bà Hoa với lý do đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật cảnh cáo, cô Hoa không thực hiện nhiệm vụ hiệu trưởng phân công.
Theo nhà trường, bà Hoa có hành vi xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của đồng nghiệp. Không đồng tình với quyết định kỷ luật này, bà Hoa khởi kiện nhà trường.
Khi tranh luận tại tòa, bà Võ Thị Như Hoa đặt ra nhiều câu hỏi như bà được tuyển dụng viên chức như thế nào; bà ăn lương Nhà nước, trường dựa vào đâu không xếp lớp cho bà từ tháng 4/2019; trường 3 lần ra hình thức kỷ luật cùng một lỗi của bà là vắng mặt không phép (lần 1 cách chức đối với viên chức, lần 2 cảnh cáo và kỷ luật buộc thôi việc) có hợp lý và đúng quy định?
Tuy nhiên, người đại diện Trường THCS Hoàng Quốc Việt từ chối hoặc không trả lời được nhiều câu hỏi của bà Hoa, nhiều câu thì "để hỏi lại".
Luật sư bảo vệ lợi ích hợp pháp cho Trường THCS Hoàng Quốc Việt đặt câu hỏi về tình trạng bệnh tật của bà Hoa: "Theo hồ sơ vụ án, năm 2019 chị có nộp giấy tờ khám chữa bệnh cho nhà trường. Chị có thể nói chị bị bệnh gì?".
Bà Hoa phản hồi: "Anh nhìn tôi đây, anh thấy tôi có hành vi sai trái không? Anh thấy tôi có bệnh không?". Luật sư hỏi lại: "Đề nghị chị trả lời có hay không". Bà Hoa nói: "Tôi không trả lời câu hỏi của anh".
Luật sư hỏi sang vấn đề khác: "Chị đã chấp hành việc đóng phạt cho Công an Quận 7 chưa?". Bà Hoa đáp: "Có lẽ tôi sẽ làm đơn đề nghị Công an Quận 7 đến đây vì tôi không vi phạm bất cứ điều gì để phải đóng phạt".
Bà Võ Thị Như Hoa chia sẻ thêm, vào cuối năm 2018, giữa quá nhiều áp lực, bà có đơn đề nghị nhà trường cho giảm số lớp dạy học. Tuy nhiên, đến tháng 4/2019, Hiệu trưởng nhà trường khi đó là bà Phạm Thị Hạnh đã cắt toàn bộ 4 lớp bà Hoa phụ trách và không xếp lớp cho bà.
"Khi gửi đơn, tôi có gửi kèm giấy khám từ bác sĩ tâm lý xác định bản thân bị stress, mất ngủ. Việc stress là hết sức bình thường nhưng trường đã bám vào đây để không phân lớp cho tôi cũng như nói tôi có vấn đề...", bà nghẹn ngào.
Sau khi ông Trương Hương Hảo về làm Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Quốc Việt bà Hoa vẫn không được xếp lớp, liên tục bị gây khó dễ và phải nhận những quyết định kỷ luật, đỉnh điểm là kỷ luật buộc thôi việc vào đúng ngày cuối cùng của năm 2021.
Tại tòa, bà Võ Thị Như Hoa giữ nguyên các nội dung khởi kiện bao gồm yêu cầu trường xin lỗi công khai, chi trả các khoản sai lương và giữ tiền sai quy định như khoản chi trả cuối năm, tiền tăng thu nhập, tiền thành phố thưởng Tết, công đoàn, cùng lãi phát sinh với tổng khoảng trên 300 triệu đồng.
Đồng thời, bà Hoa yêu cầu Trường THCS Hoàng Quốc Việt hủy quyết định kỷ luật buộc thôi việc với mình vào ngày 31/12/2021 do hiệu trưởng Trương Hương Hảo ký, tiếp nhận bà trở lại làm việc ở vị trí công việc trước đây.
Phía đại diện Trường THCS Hoàng Quốc Việt không đồng ý với các yêu cầu này của bị đơn.
Phiên tòa tạm dừng, dự kiến sẽ được mở lại vào sáng 13/9.
Nước mắt cô giáo "nhận lương nhưng không được bố trí đứng lớp"
Sau phiên tòa, bà Hoa chia sẻ, bà từng là giáo viên dạy giỏi cấp quận, giáo viên chủ nhiệm giỏi. Nhưng từ tháng 4/2019 đến khi bị buộc nghỉ việc, dù vẫn nhận lương nhà nước (bị cắt hết các khoản khác) nhưng bà bị hiệu trưởng cắt toàn bộ lớp, không được bố trí lớp để dạy học.
"Đó là những ngày tháng tôi vào trường cứ vật vờ, lang thang ở góc này, sân kia... Tôi hiểu, mình đang bị bạo hành về mặt tinh thần, họ muốn làm tôi nản chí mà tự xin nghỉ việc", cô giáo dạy văn nói với giọng đắng ngắt.
Bà Hoa nói, cô thèm được đứng lớp, thèm mùi học trò. Nhưng lãnh đạo trường đã bám vào tờ giấy bà khám stress năm đó để gắn cho bà những vấn đề như ảnh hưởng đến học trò, có vấn đề về tâm lý hay dùng để lý giải cho những hành động, những tố cáo của bà.
Đáng chú ý, bà Võ Thị Như Hoa cũng là người đã đứng ra tố cáo hiệu trưởng cũ của trường là bà Phạm Thị Hạnh về những sai phạm về tài chính, biển thủ công quỹ, trù dập cán bộ, giáo viên công tác tại trường; không trả lương và các khoản thu nhập cho bà đúng theo quy định...
UBND quận 7 đã thụ lý đơn, xác định nhiều nội dung tố cáo của cô Hoa là đúng, một số nội dung chưa có cơ sở.