Cô giáo trẻ lo ăn mì tôm cả tháng vì trò đòi lì xì, phụ huynh kể "chiêu" lạ
(Dân trí) - Cô giáo trẻ ở TPHCM thở phào khi được phụ huynh chỉ chiêu để ứng phó khi học trò đòi lì xì đầu năm.
Trước khi quay trở lại trường học đầu năm mới vào ngày 5/2, chia sẻ trên một diễn đàn, cô Nguyễn Ngọc Liên, giáo viên bậc THCS một trường tư thục ở TPHCM băn khoăn việc học trò thường đòi lì xì đầu năm.
Cô Liên kể, những ngày đầu năm quay lại trường, học trò thường gọi "lì xì cô ơi". Năm trước, cô Liên bỏ lì xì 20.000 hoặc 50.000 đồng nhưng cô dạy nhiều lớp, cả trăm học sinh nên tốn cả triệu đồng. Đó là khoản tiền không nhỏ với cô giáo trẻ vừa ra trường chưa lâu, đang ở nhà trọ.
"Mọi người đừng nghĩ em tính toán nha nhưng đầu năm trở lại trường, học trò đòi cô lì xì, em khó xử quá. Không lì xì thì sợ mang tiếng… "kẹo kéo" mà lì xì chắc cô ăn mì tôm qua bữa hết tháng luôn. Ai có cách nào giúp em thoát cửa ải này không ạ?", cô Nguyễn Ngọc Liên chia sẻ.
Năm nay, cô Liên nhận thưởng Tết hơn 10 triệu đồng nhưng chỉ đủ một phần chi phí cho chuyến về quê ở Thanh Hóa.
Sau trải lòng của cô Liên, nhiều giáo viên khác cũng bày tỏ nỗi niềm "học trò đòi lì xì". Học trò đôi khi chỉ đòi cho có không khí đầu năm nhưng người thầy lại không khỏi áp lực.
Một giáo viên 27 tuổi ở Tân Bình, TPHCM bày tỏ: "Năm ngoái, tôi chuẩn bị gần 100 bao lì xì 20.000-50.000 đồng cho học sinh, tính ra cũng hơn 3 triệu đồng. Số tiền không phải lớn nhưng với nhiều giáo viên, đây cũng là khoản không nhỏ khi Tết đã trang trải nhiều chi phí".
Trước nỗi lòng này của thầy cô, nhiều người vào chia sẻ bí quyết giúp giáo viên thoát "cửa ải" lì xì đầu năm. Nhiều người chỉ cách giáo viên có thể cùng trò chuyện, hỏi thăm hoặc hát tặng học trò dịp đầu năm thay cho bao lì xì.
Chị Lê Thu Xuyến, ở Gò Vấp, TPHCM kể về "chiêu" giáo viên có thể lì xì học trò bằng cách viết những lời chúc, lời khen ngợi hoặc những tấm phiếu có in các chữ có lộc xuân đầu năm để gửi tặng học trò.
Ngày thường, có khi cô trò đều bận rộn, có thể người thầy quên dành lời khen cho trò. Hơn bất cứ lúc nào, đây chính là dịp gửi những nhận xét tích cực cho các em. Học trò sẽ rất vui khi nhận được những lời động viên như vậy.
Cách này chị Xuyến học được từ chính giáo viên của con gái mình. Cách đây nhiều năm, khi học lớp 7, con gái chị nhận được bao lì xì là tờ giấy viết lời khen từ một giáo viên bộ môn. Cô khen cháu cá tính và là học trò tình cảm nhất mà cô từng gặp cùng lời cảm ơn "đã làm học trò của cô".
Chính lời khen này đã phần nào giúp cháu tự tin hơn, cũng như hóa giải được những hiểu lầm trước đó giữa cô trò. Đến bây giờ, con chị đã học lớp 12 nhưng vẫn giữ tờ lì xì đặc biệt năm ấy của cô giáo.
"Chúng ta thường mặc định lì xì là tiền nhưng đôi khi với các em học trò, một lời nhận xét, ngợi khen tích cực của giáo viên còn quý hơn tất cả mọi món quà. Thầy cô vừa bớt áp lực mà học trò lại vui", chị Xuyến nói.
Đặc biệt, theo người mẹ này, thầy cô lì xì bằng lời khen không nhất thiết chỉ dành cho dịp Tết. Thầy cô có thể lì xì cho học sinh những lời động viên, khích lệ trong các hoạt động dạy học, giao tiếp hàng ngày. Bất cứ lúc nào thầy trò cũng có thể động viên, trao những lời yêu thương đến nhau nhiều hơn.
Nhiều năm trước, khi còn dạy tại Trường THCS Văn Lang, TPHCM, trước ngày đến trường đầu năm mới, thầy Hoàng Long Trọng luôn chuẩn bị hàng trăm bao lì xì để "đón" học trò.
Trong các bao lì xì, có bao có tiền, có bao là những lời chúc, lời khen ngợi của thầy gửi đến học trò. Tiền hay lời khen, theo thầy Trọng học trò đều rất vui. Qua hoạt động gắn kết này, thầy trò trở nên gần gũi, dễ mở lòng hơn.
Đầu năm mới, giáo viên, các trường học luôn có nhiều cách thức để tạo niềm vui, hứng khởi cho học sinh bước vào những ngày đầu sau Tết. Có lì xì, có quà tặng, có trò chơi, có bốc thăm trúng thưởng nhưng theo một lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, người thầy đừng quên lời khen ngợi, động viên đến học trò.
Vị này nhấn mạnh, những lời khen ngợi, đánh giá tích cực của người thầy có tác động rất lớn đến học sinh, thậm chí có thể "vực" cả tương lai của các em. Và ngược lại, những lời nói, nhận xét tiêu cực cũng có thể hủy hoại học trò.
Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học người mỹ Elizabeth B. Hurlock - một trong những người tiên phong nghiên cứu về tác động của lời khen - cho thấy việc sử dụng các biện pháp tích cực như khen ngợi và khen thưởng có thể có ảnh hưởng tích cực đối với hiệu suất học tập của học sinh, tạo động lực và tăng cường tinh thần tích cực trong quá trình giáo dục.
Trong môi trường học đường, việc được khen ngợi từ thầy cô giúp học sinh tiếp thêm sức mạnh để phát triển. Những lời khen giúp học sinh tự tin hơn về bản thân, là động lực khiến các bạn có thêm sức mạnh, hiểu được giá trị bản thân và trở nên kiên cường hơn.