Cô giáo người Thái hy sinh tuổi xuân "cõng chữ" về với bản Dao
(Dân trí) - "Ai cũng chọn về thành phố, về nơi có điều kiện đầy đủ thì trẻ em vùng bản sẽ để cho ai? Bằng lòng yêu nghề, ở đâu có trẻ tôi sẽ "cõng chữ" đến tận nơi", cô giáo trẻ Hà Thị Quý nói.
Bám trường, bám bản
Điểm trường Suối Tút, Trường mầm non Quang Chiểu, xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa chỉ là một lớp học "tí hon", với chưa đến 10 học sinh, đều là con em của đồng bào dân tộc Dao. Ngoài việc dạy học, các cô còn phải vận động phụ huynh đưa trẻ tới trường để học con chữ.
"Trước khi dạy điểm trường xã Quang Chiểu, mình đã dạy tại điểm trường Sài Khao cách nhà khoảng 80 km. Con đường đến trường cũng trơn trượt và khó khăn. Ngày nắng chẳng sao, cứ trời mưa là phải ngã 3-4 lần mới đến được điểm trường. Nếu không cẩn thận thì có khi là ngã xuống vực ngay", cô Quý bộc bạch.
Lúc mới nhận công tác, khó khăn không chỉ từ con đường đến trường mà còn là sự bất đồng trong ngôn ngữ. Cô người Thái, trong khi trò người H'mông.
"Mình đã phải cố gắng học H'mông, tiếng Dao trong hơn một tháng. Mình học cùng chính các em tiểu học và 2 cô giáo. Dần dần rồi cô trò cũng đã quen, không khí lớp học cũng gần gũi và thân thương hơn bao giờ hết", cô Quý hào hứng kể.
Ngoài điểm trường Sài Khao, cô giáo trẻ cũng lặn lội qua những con suối để đến với khu Chà Lan, điểm trường Tây Tiến. "Đường xấu, phải đi qua suối nên các thầy cô cũng toàn phải để xe ở dưới đường và đi bộ lên trường. Mùa lũ nước lên, mùa đông thì lạnh giá cô trò cứ cõng nhau qua suối để vào lớp", cô Quý nghẹn ngào nói.
Vì ở vùng sâu nên nhà cách nhau khá xa, việc đi vận động trẻ đến trường cũng vô cùng khó khăn. Các em thì hay lên nương làm rẫy cùng bố mẹ, nhiều khi đến nhà cũng chẳng thể gặp được vì họ đi từ sáng tới tối.
"Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai. Ai cũng chọn về thành phố, về nơi điều kiện đủ đầy thì ai sẽ về bản làng nghèo khó l dạy chữ cho trẻ em nghèo. Đơn giản những nơi đó, các em đang cần những người yêu nghề, yêu trẻ không ngại gian khó. Vất vả, khó khăn, nhưng cố gieo mầm chữ nơi đây, khi lớn lên em sẽ trồi lên thành lá, đi học như mình. Trong số các em, sẽ có người quay trở lại dạy học cho đồng bào mình", cô Quý nói.
Nhờ những giây phút được vui đùa cùng những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng, hồn nhiên đã giúp cô Quý yêu đời hơn, trẻ hơn và quên đi mọi sự vất vả. "Mỗi ngày mới được nghe các em cười nói, hát ca, thậm chí khóc mếu như một phần không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. Như lời bài hát "bản làng yêu ơi em rời phố thị, vượt núi băng rừng cõng con chữ lên non, tuổi xuân em qua những mùa ban nở, cõng chữ trồng người cho tươi sáng ngày mai", cô Quý vui vẻ nói.
Yêu thương học sinh bằng cả tấm lòng
Ước mơ trở thành một cô giáo mầm non vùng bản để giúp các em nhỏ nơi bản làng nghèo khó nay đã thành hiện thực. Mong sao cho những trẻ em nơi đây sẽ biết con chữ, nhờ con chữ để làm chủ cuộc đời, cô Quý luôn yêu thương học sinh bằng cả tấm lòng.
Thiếu thốn về cơ sở vật chất, ngay cả bữa ăn của giáo viên nơi đây cũng chỉ là mỳ tôm, cá khô, mang trứng từ dưới lên cũng vỡ vì đường sá đi lại khó khăn. Muốn bữa cơm có thịt cũng rất xa xỉ bởi chẳng có điện, có tủ lạnh.
"Thương học sinh còn khó khăn, thiếu thốn rất nhiều, hàng tuần mình sẽ mua những chiếc kẹo mút, hay gói bánh, gói kẹo. Cứ mang đến chia là các em cười thích thú và buổi học lại càng vui. Không chỉ vậy, mình cũng kêu gọi mọi người ủng hộ quần áo sách vở hay đồ dùng học tập cho các con, mình không nhận tiền mà chỉ nhận những đồ dùng thiết thực cho các con", cô Quý kể.
Trong số những học sinh của cô Quý, em Tài là học sinh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Cô cho hay: "Bố và bà nội Tài đều ngọng và nói không lưu loát, gia đình thì nghèo khó. Cả nhà chỉ có 6 bao thóc là tài sản quan trọng nhất, Tài lại là một em học sinh chậm hơn so với các bạn trong lớp.
Khi mình đến vận động bố Tài đưa con đến trường, thấy nồi cháo chẳng có một chút thịt, chỉ có bí đỏ luộc rồi bỏ cơm vào để cả nhà cùng ăn. Không có một chút mắm, muối hay mì chính, cả nhà chỉ ăn cháo bí quanh năm".
"Dù ai có nói gì, mình vẫn luôn vững niềm tin với quyết định của mình và mong đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình giúp các em vùng sâu vùng xa, hy vọng sau này cuộc sống của các em đỡ vất vả hơn", cô Quý chia sẻ.
Mong ước lớn nhất của cô Quý là hai vợ chồng có thể có một ngôi nhà nhỏ gần điểm trường để tiện chăm con. Tiếp đó là sự quan tâm, yêu thương của tất cả mọi người đối với những trẻ em vùng cao còn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn.
Dẫu biết sự nghiệp trồng người ở nơi này còn gian nan. Sự hy sinh tuổi xuân của những thầy cô để cõng chữ về bản quả thật đáng khâm phục. Nhưng con đường nào để các em tiếp thu kiến thức làm chủ cuộc đời, con đường nào để đem đến một tương lai tươi đẹp cho vùng đất này? Câu hỏi đó vẫn là niềm trăn trở của cô Quý, của thầy cô vùng cao nơi đây….