Cô giáo một buổi đi dạy, một buổi đội nắng đi xin sách cho học trò

(Dân trí) - Những tuần đầu nhập học chỉ mới dạy học một buổi, ngoài giờ lên lớp, buổi còn lại cô Phương lại đi rong khắp Sài Gòn để xin và chở sách, đồ dùng học tập về cho học trò.

Những tuần qua, khi học sinh nhập học, cũng là lúc cô Huỳnh Thị Thanh Phương, giáo viên Trường tiểu học An Phú 2, xã An Phú, Củ Chi, TPHCM lại tất tả đi khắp nơi xin sách rồi chở sách về để tặng lại cho học trò. 

Cô giáo một buổi đi dạy, một buổi đội nắng đi xin sách cho học trò - 1
Cô giáo một buổi đi dạy, một buổi đội nắng đi xin sách cho học trò - 2

Cô Huỳnh Thị Thanh Phương đi khắp TPHCM để xin, chở sách, đồ dùng học tập, quần áo về cho học trò. Có cả những chuyến xe đi về trong đêm. 

Buổi sáng đến trường, còn từ chiều đến tối, khi thì chạy xe máy, khi thì bắt xe buýt, cô Phương lại từ Củ Chi vào các quận trung tâm ở TPHCM để đi nhận sách, đưa sách về. 

Vào những ngày cuối tuần, cô rong ruổi 5 - 7 quận khắp thành phố, không quản những ngày nắng rát mặt. Có nhiều hôm, cô Phương đưa sách về mà bị rách bọc đựng, sách đổ tràn ra giữa đường, cô đành lấy áo khoác chống nắng, khăn... làm tay nải để đưa sách về. Còn người để trơ trọi với nắng nóng chạy về Củ Chi hơn 50 cây số, có khi về tới nhà trời đã về đêm. 

Cô giáo một buổi đi dạy, một buổi đội nắng đi xin sách cho học trò - 3

Cô Phương đăng tin để xin sách về cho học trò

Cô xin sách giáo khoa, sách đọc, cặp cũ, áo trắng cũ, hộp bút, giày dép cũ... tất cả những thứ mà học trò có thể dùng.

Biết sức một mình không thể đưa nổi sách về, có hôm cô Phương kêu gọi để xin một chuyến xe từ quận 9 về Củ Chi. Có người chở giúp một chuyến nhưng phải sau 10 giờ đêm mới chạy được, đến khi về Củ Chi, cô và bác tài xế xong việc thì thì đã... xêm xêm bước qua ngày mới.  

Cô giáo một buổi đi dạy, một buổi đội nắng đi xin sách cho học trò - 4
Cô giáo một buổi đi dạy, một buổi đội nắng đi xin sách cho học trò - 5

Nhiều học sinh nhận được sách, đồ dùng học tập sau những chuyến đi "xin" của cô Phương

Cô Phương kể, trong năm, cô đến nhà học trò, được tận mắt chứng kiến hoàn cảnh của các em, trong nhà nhiều em không có một thứ gì. Cuốn sách, bộ quần áo cũng là điều vô cùng khó khăn.

Mọi năm, cô đi xin sách, đồ dùng từ hè, nhưng riêng năm nay, dịp hè đợt rồi cô dành thời gian đưa con đi trải nghiệm khắp Bắc Nam. Khi cô đi, nhiều học trò, phụ huynh vẫn nhắn tin... xin sách, xin quần áo. 

Vào năm học, khi trường mới học một buổi, cô đăng tin xin sách, đồ dùng bạn bè khắp nơi. Nơi nào có thông tin cho sách là cô đến nơi để nhận, cho quần áo cũ cô cũng nhận về chọn ra cho học sinh.

Cô giáo một buổi đi dạy, một buổi đội nắng đi xin sách cho học trò - 6

Nữ sinh Võ Thị Ngọc Ánh kịp nhận áo dài, giày, quần tây áo trắng... cô Phương tặng để kịp nhập học lớp 10.

Để kịp nhận sách cho các em, cô di chuyển liên tục từ nơi này đến nơi khác, liên tục từ các quận. Có người nói, cô xin, sao không cho địa chỉ, ai muốn cho gì cứ gửi lên tận nhà, sao phải mất công đi. 

Cô Phương cười, nói mình không đứng ra quyên góp để làm "từ thiện". Cô xin và muốn đi đến tận nơi để nhận tấm lòng của mọi người, quan trọng hơn nữa là đi để gặp gỡ, để kết nối những tấm lòng của người tặng sách đến học trò.

Trong hành trình này, ngoài việc xin sách cho học trò, cô Phương còn gặp và kết nối với một trẻ để cùng tặng sách cho chương trình thiện nguyện mùa Trung thu cho trẻ em Tiền Giang.

Hay cô gặp những mạnh thường quân tặng hóa đơn mua sách, đồ dùng học tập cho các em.

Cô giáo một buổi đi dạy, một buổi đội nắng đi xin sách cho học trò - 7

Cô giáo với tấm lòng cao cả cùng với học trò 

Chiều hôm qua cuối tuần, cô Phương không đi chở sách. Cô có hẹn với một số người bạn cùng làm giáo dục lên Củ Chi trò chuyện với các em học sinh cấp 2, để các em cố gắng ít nhất hãy học phổ thông. Vì nơi đây, còn rất nhiều học trò nghĩ chỉ cần học hết 9 là được... 

Các em học sinh ở đây cố gắng học lên lớp 10 cô mừng lắm. Như trường hợp nữ sinh Võ Thị Ngọc Ánh vừa mới vào lớp 10, hôm nhập học chưa kịp xin mạnh thường quân. Cô Phương lấy tiền túi may cho con một bộ áo dài trắng, một bộ quần tây áo trắng, đôi giày... 

Còn đồ cho bé Voi, con cô Phương vào lớp Lá 5 tuổi, 5/9 này nhập học mà người mẹ còn chưa kịp sắm sửa gì cho con. 

Tôi vẫn nhớ, nhiều nhà giáo dục ở TPHCM gọi cô Phương là "viên ngọc quý giữa đời thường". Tấm lòng vì học trò trong cô lúc nào cũng nóng ấm, chưa bao giờ ngơi nghỉ... dù cuộc sống từ vật chất đến đời sống gia đình của cô còn rất bấp bênh. 

Hoài Nam 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm