Khánh Hòa:

Cô giáo mầm non chia sẻ cách vượt qua rào cản ngôn ngữ với học sinh Raglai

(Dân trí) - Những ngày đầu sau khi mới ra trường được phân công lên dạy học ở miền Tây tỉnh Khánh Hòa, với học sinh đa phần là người đồng bào Raglai, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền không khỏi bỡ ngỡ. Tuy nhiên, bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Huyền đã vượt qua những rào cản đó, hòa nhập tốt với các em.

Hiện nay, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền là giáo viên tại Trường mầm non Hướng Dương, thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Chia sẻ về lý do học ngành Sư phạm, làm giáo viên mầm non, cô Huyền cho biết, mẹ cô cũng là một giáo viên mầm non nên từ lúc còn nhỏ, cô đã được tiếp cận với trẻ nhỏ.

Cô kể, ngày xưa cơ sở vật chất thiếu thốn, không có phòng học đàng hoàng như bây giờ mà phải lấy nhà dân làm nơi trông trẻ. “Vì thế, tôi thỉnh thoảng chơi với các em nhỏ thành ra có cảm tình, từ đó nhen nhóm trong mình một tình cảm đặc biệt với trẻ con”, cô bộc bạch.

Nữ giáo viên quê ở Đức Hóa (huyện Tuyên Hóa) - một huyện miền núi tỉnh Quảng Bình, cho rằng, thấy thì dễ nhưng thực chất việc dạy học cho học sinh mầm non không hề đơn giản.

“Trẻ trong độ tuổi này chưa thể tự chủ những hành vi, việc làm của mình, từ khâu ăn ngủ đến vệ sinh cá nhân. Để lo cho từng bữa ăn giấc ngủ của trẻ, giáo viên mầm non phải chịu rất nhiều áp lực”, cô tâm sự về nghề.


Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền và các em học sinh mầm non - (Ảnh: NVCC)

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền và các em học sinh mầm non - (Ảnh: NVCC)

Kể về những khó khăn mà chỉ những người trong nghề mới biết, nữ giáo viên cho hay, những trẻ mới lần đầu đến trường hay quấy khóc đòi cha mẹ, nếu có nín khóc thì cũng “không rời cô nửa bước”.

“Thậm chí có nhiều trẻ bắt cô bồng bế nên việc chăm sóc các trẻ khác rất vất vả. Cô giáo phải vừa bồng em này vừa dỗ dành em khác. Việc này đòi hỏi người giáo viên phải có những kỹ năng nhất định trong việc chăm sóc trẻ”, cô Huyền chia sẻ.

Nữ giáo viên có 17 năm dạy học mầm non cho rằng, ngoài những điều kiện cần về chuyên môn thì sự quan tâm của nhà trường, sự chia sẻ kinh nghiệm của đồng nghiệp chính là điểm mấu chốt giúp cô thuận lợi trong công việc dạy học. “Để vượt qua những khó khăn đó, ngoài kiến thức thì cần có cái tâm nghề nghiệp, phải thực sự yêu nghề mến trẻ mới đạt được hiệu quả cao”, cô Huyền tâm sự.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời giáo viên của mình, cô Huyền cho biết, năm 2000, khi mới ra trường, cô được Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa cử lên nhận công tác tại Trường mẫu giáo Hoa Lan (huyện Khánh Vĩnh).

“Tôi hăng hái lên nhận công tác ngay sau khi được phân công. Vượt qua quãng đường hơn 70km, qua đèo núi hiểm trở quả là một thử thách khó quên của một cô giáo mới ra trường như tôi”, cô Huyền bồi hồi. Những ngày sau nhận lớp, nữ giáo viên không khỏi bỡ ngỡ, buồn vui lẫn lộn. Học trò của cô đa phần các em người đồng bào dân tộc thiểu số Raglai.

Cô Huyền cùng học sinh trong một buổi học ở ngoài trời - (Ảnh: NVCC)
Cô Huyền cùng học sinh trong một buổi học ở ngoài trời - (Ảnh: NVCC)

“Việc giao tiếp giữa cô và trò không như mong muốn do bất đồng ngôn ngữ. Cô nói một đằng, trò làm một nẻo!”, cô Huyền hóm hỉnh. Nữ giáo viên chia sẻ, để vượt qua rào cản về ngôn ngữ, truyền đạt cho các em một cách tốt nhất, đầu tiên cô tiếp cận các em bằng cử chỉ, hành động thân mật nhằm tạo sự thân thiện.

“Vừa lắng nghe, vừa quan sát thật kỹ hành động của các em để đoán ra những ý định, xem các em muốn gì? Còn khi tôi dạy thì chủ yếu dùng tiếng Kinh và hành động để diễn tả, trường hợp khó khăn quá thì nhờ giáo viên người bản địa “thông ngôn”, nữ giáo viên tâm sự. Ngoài ra, những lúc rảnh rỗi, cô còn đến nhà học sinh nắm bắt tình hình cuộc sống, vừa học thêm “ngoại ngữ”.

“Tôi học những từ cơ bản, hay dùng trong cuộc sống. Cứ tưởng không thể vượt qua nhưng rồi với tình yêu nghề, mến trẻ, tôi cũng vượt qua được giai đoạn đầy khó khăn, thử thách đó”, cô Huyền bùi ngùi chia sẻ với PV Dân trí.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Khánh Hòa, cô Huyền có nhiều năm liền đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp huyện; đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh 2 lần, năm học 2009-2010 và 2014-2015; nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở từ năm học 2012-2013, 2013-3014, 2014-2015; được UBND tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen năm học 2014-2015.

Thủy Nguyên

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm