Cô giáo không lương của học trò nghèo
(Dân trí) - Có một lớp học mà người dạy không lương, học sinh không phải đóng tiền học phí còn được tặng thêm sách vở. Đó là lớp học của cô Lê Thị Bích Thủy (56 tuổi), ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Dẫn chúng tôi đến lớp học của cô Lê Thị Bích Thủy (cũng là Chủ tịch Hội Khuyến học xã Thạnh Phú), một cán bộ xã Thạnh Phú chia sẻ: “ Ở địa phương, cô Thủy làm công tác từ thiện rất lặng lẽ, không phô trương, không làm theo phong trào và lớp học tình thương của cô là một minh chứng.
Với lớp học tình thương này, cô Thủy dạy duy nhất lớp 1 và chia thành từng nhóm để dễ dàng dạy cho các em. Với nhóm trẻ đã biết chữ hoặc biết chút ít thì cô đặt tên cho là “lớp lớn”, còn nhóm mới học và chưa biết chữ thì cô gọi là “lớp nhỏ”. Lớp có 16 học sinh, từ 7 đến 15 tuổi và hầu hết hoàn cảnh gia đình của các em đều khó khăn như: có em cha mẹ mất sớm, bị bỏ rơi, nghèo túng không tiền đi học…
Trò chuyện với PV Dân trí, cô Thủy chia sẻ: “Tội nghiệp lắm, các em rất ham học nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các em không có điều kiện đến trường. Các em không biết chữ lớn lên thì càng khổ hơn”.
Cô Thủy tâm sự, bản thân cô là người làm công tác khuyến học, đi nhiều nơi thấy có nhiều mảnh đời rất cần được sẻ chia, giúp đỡ, đặc biệt là đối với các trẻ không có cơ hội được học hành. Từ suy nghĩ đó, cô Thủy xin phép địa phương mở lớp học tình thương này. Ban đầu, cô Thủy tự bỏ tiền túi để mua sách vở cho các em. Sau một thời gian hoạt động, thấy việc làm của cô có ý nghĩa nên nhiều người cho tiền, quần áo, sách vở, gạo để ủng hộ duy trì lớp học…
Khi trò chuyện với các em học sinh, chúng tôi mới biết được ở các em vì hoàn cảnh thế này thế kia nên con đường học tập cũng dở dang. Vì thế, lớp học của cô Thủy được các em xem như là “cứu cánh” để các em biết cái chữ, con số như những em đồng trang lứa có điều kiện khác.
Em Huỳnh Văn Nhủ (12 tuổi, ngụ ấp Tân Hòa) cho biết, em là trẻ mồ côi, gia đình lại khó khăn nên hồi nhỏ em không được đi học. Nay nhờ cô Thủy đến tận nhà vận động, tặng sách vở, quần áo, tặng xe đạp nên em mới được đi học. “Bà cô Thủy tốt bụng lắm, ông bà nội em thường dạy là phải biết ơn bà cô vì đã giúp đỡ gia đình em rất nhiều. Bà cô còn tốt hơn cả cha mẹ của em nữa”, Nhủ nói.
Sẵn sàng sẻ chia
Nói về "Bà cô khuyến học" Lê Thị Bích Thủy, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú tự hào: “Không chỉ tích cực vận động các cháu đi học, cô Thủy còn thường xuyên vận động các mạnh thường quân giúp đỡ các gia đình nghèo, gia đình người già neo đơn ở địa phương. Đến nay đã có hàng trăm gia đình nghèo được cô Thủy vận động ủng hộ tiền, gạo, giếng khoan, nhà ở, hàng trăm đứa trẻ thất học được cô tiếp bước đến trường. Đó là những việc mà không phải ai cũng làm được”.
Trong nhiều trường hợp mà cô Thủy từng giúp đỡ có gia đình của bà Đặng Thị Xạ (70 tuổi, ngụ ấp Tân Hòa) là hộ gia đình già neo đơn, chỉ có một đứa con duy nhất nhưng đã qua đời vì bệnh tật. Sau khi con trai bà Xạ qua đời, con dâu bà cũng bỏ đi, để lại 3 đứa cháu cho bà nuôi nấng, gia cảnh rơi vào túng quẫn… Nhờ sự giúp đỡ của cô Thủy nên các cháu của bà Xạ được đến trường đầy đủ, đứa lớn học lớp 7, đứa kế học lớp 5, đứa còn lại hiện đang học lớp 2.
Khi chúng tôi hỏi với những việc làm mà cô đã từng làm, cô còn thấy điều gì mà mình chưa thỏa nguyện, với vẻ mặt trầm ngâm, cô Thủy tâm sự: “Là người làm công tác khuyến học, tôi muốn làm thật nhiều để nâng bước tương lai cho các em thất học. Nhưng cho đến nay tôi thấy mình làm vẫn chưa nhiều so với những bất hạnh của các em. Tôi chỉ mong sao xã hội này ai cũng biết chia cơm sẻ áo, người giàu biết thương và giúp đỡ nghèo”.
Tuổi đã dần về chiều nhưng hàng ngày dù mưa hay nắng, trên chiếc xe đạp cũ kỹ, cô Thủy đi khắp ngỏ hẻm ở địa phương và các xã lân cận để tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyên vọng của người dân, hễ thấy ai cần là cô sẵn lòng giúp đỡ. Bảy tỏ với chúng tôi, cô Thủy nói: “Làm việc thiện không cần phải đi xa, không cần làm gì đó lớn lao bởi ở xung quanh chúng ta có rất nhiều người bất hạnh đang cần sự chung tay chia sẻ”.
Tuấn Thanh