Cô giáo độc thân 18 năm nuôi dạy trẻ khiếm thính

(Dân trí) - Về thăm Làng Hy Vọng (Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) một ngày đầu đông, chúng tôi được lãnh đạo nhà trường kể về tấm gương cô giáo Hà Thị Thanh, 51 tuổi nhưng chưa có gia đình riêng. Hơn 18 năm nay cô dành tình yêu thương cho những trẻ khiếm thính.

Quê ở xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (Quảng Nam), cô Hà Thị Thanh hiện là giáo viên ở Làng Hy Vọng - nơi nuôi dạy trẻ khiếm thính, mồ côi, những em có hoàn cảnh gia đình khó khăn không nơi nương tựa trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Cô Thanh là một trong số ít giáo viên về Làng Hy Vọng công tác sớm nhất khi Làng mới thành lập (năm 1993). Trải qua những bỡ ngỡ, khó khăn ban đầu, tình thương trẻ và lòng yêu nghề đã giúp cô vượt qua mọi rào cản, lần lượt đưa bao thế hệ trẻ khiếm thính hòa nhập cộng đồng, mang đến cho các em niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Năm 2006 cô Thanh được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng trao tặng “Kỷ niệm chương 15 năm vì sự nghiệp lao động”. 

Cô giáo độc thân 18 năm nuôi dạy trẻ khiếm thính - 1
Cô giáo Hà Thị Thanh đang dạy học cho trẻ khiếm thính tại Làng Hy Vọng Vọng (Q.Thanh Khê, TP. Đà Nẵng).

Cô Thanh nhớ lại: “Tôi về Làng công tác cũng là cái duyên, đang lúc buồn vì ở quê không có việc làm, tôi được một người bạn giới thiệu về đây và chính thức công tác tại đây suốt 18 năm tính đến bây giờ. Thời gian đầu vô cùng khó khăn vì mọi thứ quá lạ lẫm, dạy học cho trẻ khiếm thính thực sự không đơn giản chút nào, rào cản về ngôn ngữ, thính giác thực sự quá lớn, có lúc mình vã mồ hôi cả ngày mà không thu được kết quả gì, buồn nhưng chẳng biết nói cùng ai. Nhưng bản thân tôi luôn tự nhủ rằng, dù khó khăn đến mấy cũng không nản lòng, tôi đã nỗ lực gom góp kiến thức từ các lớp tập huấn phương pháp dạy học cho trẻ khiếm thính do lãnh đạo nhà trường gửi đi học. Quả thật là trời không phụ lòng người, các kỹ năng truyền đạt, dạy phát âm, ngôn ngữ ký hiệu, luyện nghe dần được nâng lên và tôi cũng tự tin hơn khi đứng lớp”. Hiện tại, ngoài việc giảng dạy 2 lớp khiếm thính chuyên biệt, cô Thanh khá bận rộn bởi phụ trách thêm các lớp thêu, làm thiệp, dạy nữ công gia chánh cho các em từ lớp 7 đến lớp 12.

Khi được hỏi về niềm vui lớn nhất trong thời gian công tác tại trường là gì, cô Thanh trả lời ngay: “Với tôi, có niềm vui nào hơn khi các con tôi ra trường hòa nhập tốt với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội. Sau nhiều năm xa cách, giờ đây nhiều em trở lại ghé thăm Làng, cô trò gặp nhau xúc động trào nước mắt, thấy các em chững chạc mà tôi mừng trong lòng”.

Được biết, cô Thanh sinh ra trong một gia đình có 8 anh em, năm nay cô đã 51 tuổi, chưa có gia đình riêng. Sau những giờ làm việc mệt nhoài ở Làng, tối đến cô về sống cùng gia đình em trai trên đường Trưng Nữ Vương (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Ông Nguyễn Viết Thanh, phó giám đốc Làng Hy Vọng, cho biết: “Cô Thanh là giáo viên nhiệt tình, gương mẫu và luôn đi đầu trong mọi hoạt động. Điều đáng quý là cô có tấm lòng yêu thương trẻ rất lớn, ở Làng ai cũng mến mộ và yêu quý cô”.

Bài, ảnh:Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm