Cô giáo bỏ dở bữa trưa, đánh thức hơn 200 học sinh thoát thảm họa sạt lở

Hạnh Linh

(Dân trí) - Thấy nguy cơ sạt lở cao, cô Châm bỏ dở bữa cơm trưa, lên gọi học sinh đang ngủ chạy ra khỏi khu ký túc. 10 phút sau, đất đá trên đồi đổ xuống ầm ầm, làm 3 phòng ký túc xá bị sập.

Những ngày này, cô Bùi Thị Châm (33 tuổi) cùng các giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Trung Lý, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa tất bật nấu cơm cho 214 học sinh.

Kể với phóng viên Dân trí, cô Châm cho biết, trưa 22/9, sau khi cùng các thầy, cô trong trường kiểm tra khu ký túc xá, thấy mọi thứ đều ổn, cô về nhà nấu cơm.

Cô giáo bỏ dở bữa trưa, đánh thức hơn 200 học sinh thoát thảm họa sạt lở - 1

Cô Bùi Thị Châm cùng học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đến 12h25 cùng ngày, ở Trung Lý mưa rất to. Dù đang ăn cơm cùng với gia đình nhưng lòng bất an, lo cho học sinh ở ký túc xá, cô quyết định bỏ bữa cơm, cầm ô đi lên trường xem xét tình hình.

"Đến cổng trường, tôi thấy cổng đã bị sạt lở. Nhìn lên trên quả đồi sau ký túc xá, đất đang sạt xuống từng mảng, tôi hoảng hốt chạy vào khu ký túc xá hô hoán cho các em học sinh chạy", cô Châm kể.

Theo cô Châm, thấy các em hoảng loạn, cô vội chạy xuống phòng học dùng loa thông báo: "Phía sau ký túc xá đang bị sạt lở đất đá, yêu cầu tất cả học sinh nhanh chóng chạy ra khỏi phòng ở, di chuyển về khu phòng học để đảm bảo an toàn".

Cô giáo bỏ dở bữa trưa, đánh thức hơn 200 học sinh thoát thảm họa sạt lở - 2

Cô Châm an ủi học sinh (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

10 phút sau, hàng trăm m3 đất đá từ quả đồi phía sau đổ ập vào khu ký túc xá khiến 3 phòng bị sập.

Cô Châm chia sẻ: "Thấy học sinh sợ hãi, khóc, tôi động viên các em yên tâm, ở đây còn có các thầy, cô, có bộ đội, chính quyền".

Cô Châm tốt nghiệp chuyên ngành địa lý, Đại học Vinh cách đây hơn 10 năm. Năm 2021, chồng cô được điều động lên công tác ở Mường Lát, cô đã theo chồng lên xã Trung Lý sinh sống. Cùng năm ấy, cô Châm xin dạy hợp đồng ở Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Trung Lý.

Ngày đầu lên với vùng biên, cô sốc và khóc rất nhiều. Tuy nhiên, khi sinh sống, làm việc, cô yêu mảnh đất này bởi con người ở đây rất chân thật, sống tình cảm.

"Tinh thần ham học, vượt qua khó khăn, hủ tục để đến trường tìm con chữ của con em đồng bào Mông nơi đây truyền cho tôi thêm động lực gắn bó với nghề. Quyết định lên vùng khó của tôi là đúng đắn", cô Châm bộc bạch.

Thầy Nguyễn Duy Thủy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Trung Lý, cho biết nhờ sự nhanh trí, dũng cảm của cô Châm, hơn 214 em học sinh của trường đã vượt qua thảm họa sạt lở.

Hôm 22/9, là lịch trực ban của cô Châm. Khi thấy nguy cơ sạt trượt cao nên cô đã gọi học sinh dậy giữa trưa, nhanh chóng di chuyển đồ đạc ra khỏi phòng. Hiện, nhiều phòng ở khu ký túc xá bị hư hỏng nặng.

Ngày 24/9, học sinh của trường đang tạm nghỉ học để tránh mưa lũ theo hướng dẫn của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát. Tuy nhiên, nhà trường vẫn nấu ăn hai bữa cơm chính (trưa và tối) cho tất cả số học sinh đang ở tại trường.

Cô giáo bỏ dở bữa trưa, đánh thức hơn 200 học sinh thoát thảm họa sạt lở - 3

Sạt lở đất khiến khu ký túc xá Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Trung Lý bị hư hỏng (Ảnh: Văn Lon).

Trường Phổ thông dân tộc bán trú và Trung học cơ sở Trung Lý có 460 học sinh ở trong khu ký túc xá. Do đây là thời điểm 2 ngày cuối tuần nên ký túc xá có 214 em; 246 em khác đã về thăm gia đình và sẽ quay trở lại trường vào đầu tuần.

Theo thầy Thủy, cô giáo Bùi Thị Châm quê ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa), là giáo viên dạy hợp đồng với nhà trường ba năm nay. Là nhà giáo, cô luôn đề cao trách nhiệm với công việc, nhất là trực ban học sinh ở khu ký túc xá.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin mưa lũ, sạt lở đất diễn biến phức tạp, huyện Mường Lát đã sơ tán gần 300 học sinh để đảm bảo an toàn.