Cơ cấu tài chính giáo dục Việt Nam: Còn nhiều bất cập

(Dân trí) - Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) vừa công bố một loạt số liệu về đầu tư và cơ cấu tái chính của giáo dục Việt Nam. Trong bản thống kê số liệu dày gần 40 trang này có nhiều điểm rất đáng lưu ý.

Mất cân đối trong phân phối tiền ngân sách

 

Với tổng số tiền từ ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo như năm 2006 là 54.798 tỷ đồng thì ngành giáo dục đã dùng tới 81,8% tổng số tiền này để chi thường xuyên, số tiền để chi cho đầu tư chỉ là 10.000 tỷ, chiếm 18,2%.

 

Tỷ lệ này khi về các địa phương còn tiếp tục mất cân đối nghiêm trọng hơn. Với 40.458 tỷ đồng ngân sách giáo dục rót về các địa phương thì có tới 34.578 tỷ để dành cho việc chi thường xuyên, chi cho đầu tư chỉ là 5.880 tỷ đồng. 

 

Như vậy, với tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục như năm 2006 thì chủ yếu số tiền này chỉ được dùng vào chi tiêu thường xuyên, tiền dành cho đầu tư hầu như không đáng kể. Trong khi đó, tiền đầu tư ở đây được tính cho những việc như nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, trường lớp, đổi mới phương pháp dạy và học...

 

Tại hầu hết các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ và ngay ở những quốc gia láng giềng như Trung Quốc, tỷ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm khoảng 40% trong tổng chi, 60% còn lại dành cho việc tái đầu tư.

 

Tăng vọt các khoản chi “không tên”

 

Theo bảng tính cho giáo dục đào tạo bình quân cho một người đi học từ mầm non đến ĐH trong 12 tháng (do không có số liệu thống kê chi cho học tập ở các bậc học khác nhau nên Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ GD-ĐT sử dụng thống kê chung cho chi phí học tập bình quân cho người đi học từ mầm non đến ĐH):

 

Thống kê các khoản chi phí cho một người đi học

Khoản chi

Nghìn đồng

Tỷ trọng (%)

Học phí

174

27

Đóng góp cho trường lớp

67

11

Sách giáo khoa

67

11

Dụng cụ học tập

56

9

Học thêm

125

20

Quần áo đồng phục

48

7

Các khoản chi khác

90

14

Tổng cộng

627

100

 

Bảng số liệu trên thống kê mức chi trả trung bình của một người đi học năm 2002.

 

Trong tổng số tiền phải chi trả thì học phí chỉ chiếm 27%, còn các khoản chi phí như đóng góp cho trường lớp, học thêm và các chi phí khác chiếm tổng cộng tới là 45%.

 

Đến năm 2006, người đi học phải trả trung bình 1.142.000 VNĐ. Đặc biệt, số tiền phải trả cho các khoản chi khác trong giáo dục đã tăng từ 90 nghìn lên tới 225 nghìn, chiếm 21% tổng chi so với 14% năm 2002.

 

Năm 2006: Hàng triệu học sinh bỏ học

 

Số tiền dành chi cho phổ cập giáo dục tiểu học, duy trì kết quả phổ cập, thực hiện phổ cập giáo dục THCS đã tăng gấp 10 lần từ 15 tỷ của năm 2002 lên thành 150 tỷ vào năm 2006. Tuy nhiên kết quả đang phản ánh xu hướng ngược lại.

 

Số trẻ em từ 11 đến 14 tuổi là 6,810 triệu em, số học sinh THCS là 6,152 triệu em, chiếm tỷ lệ 90,3%, tức là có gần 10%, tương đương với hơn 600 nghìn trẻ em tốt nghiệp tiểu học không học lên THCS và đã bỏ học.

 

Số học sinh bỏ học khi học hết THCS còn lên tới hơn 2 triệu học sinh. Năm 2006, số người đi học từ 15 đến 17 tuổi là 5,540 triệu nhưng tổng số học sinh THPT chỉ là 3,075 triệu, chiếm tỷ lệ 55,5%.

 

Như vậy khoảng 44,5 % học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không học tiếp lên THPT.

 

Mai Minh