Loạn đào tạo y dược và hệ lụy - Nghề y của tôi - Kỳ 2:
Có bệnh viện, mới đào tạo được y khoa
Ngoài mơ ước của tuổi trẻ, ngoài học lực (thi đại học ở mức khá 8/10), tôi bước chân vào trường Đại học Y khoa và dần nhận biết ra những điều rất quan trọng khác, không thể thiếu để giúp một sinh viên trở thành thầy thuốc.
Không gian Y khoa - Bệnh viện Đại học
Lịch sử tất cả các Đại học Y khoa ở mọi đất nước đều được xây dựng trên nền tảng bệnh viện, mà phải là bệnh viện đa chuyên khoa, có tầm kiểm soát bệnh tật rộng lớn. Bệnh viện phải đủ các chuyên khoa chuyên sâu cũng như nội khoa, ngoại khoa, sản khoa, nhi khoa là bốn khoa chính, các chuyên khoa mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, lao, da liễu, đông y, các khoa chẩn đoán hình ảnh, khoa xét nghiệm, khoa vi sinh y học, truyền nhiễm, khoa tạo hình… Trong 4 khoa chính lại có các chuyên khoa sâu hơn như nội khoa có nội tim mạch, nội hô hấp, nội tiêu hóa, nội thần kinh, nội lây, nội nội tiết…, khoa ngoại cũng phải có ngoại chấn thương, ngoại thần kinh, ngoại cột sống, ngoại tiêu hóa, ngoại tiết niệu, ngoai nhi, ngoại tim mạch, ngoại hô hấp…
Bệnh viện phải có trước trường đại học Y, thật vậy ở nước ta, trước khi có Đại học Y Hà Nội, đã có Nhà thương Bạch Mai, Nhà thương Phủ Doãn, Nhà thương Đồn Thủy, sau đó mới mở Đại học Y Dược.
Chỉ có trong môi trường bệnh viện, mới thực hiện được đào tạo Y khoa cho các sinh viên được, hoạt động hằng ngày của bệnh viện tự thân nó đã có ý nghĩa đào tạo cho những ai muốn học. Quá trình các sinh viên đến bệnh viện sẽ được chứng kiến các bệnh nhân đến khám bệnh, nằm điều trị, cấp cứu, các bệnh nhân phải mổ, các bệnh nhân nặng quá dẫn đến tử vong ngoài tầm giúp đỡ của y khoa, các hoạt động hội chẩn, trao đổi kinh nghiệm, nhất là hoạt động phẫu tích xác chết, tìm nguyên nhân chết, tìm tổn thương những bệnh mà trước do không chẩn đoán được. Ngoài ra còn có những hoạt động pháp lý trong y khoa, tôn trọng quyền bệnh nhân, giải thích cho bệnh nhân trước khi quyết định các phẫu thuật, thủ thuật. Nếu không có bệnh viện, thử hỏi những điều trên thực hiện ở đâu?
“Nếu chỉ có giảng đường và phòng thí nghiệm, mà không có bệnh viện, thì chỉ đào tạo ra người quan sát y khoa, chứ không thể đào tạo được thầy thuốc”. - TS, BS Đỗ Hoàng Dương
Bệnh viện có hoạt động đào tạo y khoa phải là bệnh viện đại học (Hospital University), nó phải có đội ngũ các thầy thuốc giỏi chuyên môn, ham nghiên cứu, chinh phục các đỉnh cao thách thức, nó phải là một cộng đồng thống nhất, hữu cơ, không phải các mảnh ghép đơn thuần, nó phải có tính kế thừa và duy trì truyền thống để tạo nên trường phái, tạo nên lịch sử y khoa.
Đặc biệt bệnh viện đại học và trường đại học Y khoa phải tạo được chỗ đứng trong lòng bệnh nhân - đây là điều kiện tiên quyết, phải tạo ra ngay từ đầu bằng cách làm hàn lâm, đàng hoàng, nhỏ nhưng phải tinh hoa.
Bệnh viện đại học phải tự thân hoàn thiện, tự xây dựng mẫu hình để còn làm gương cho các bệnh viện khác, trong quan niệm y giới, bệnh viện đại học là bệnh viện kiểu mẫu, y thuật, y đạo, y đức luôn luôn mẫu mực. Đặc biệt về chuyên môn, nó phải được xây dựng bằng những giá trị cốt lõi, không phụ thuộc vào sự bợ đỡ của người khác. Sự tồn tại của bệnh viện đại học nhờ sự tự tín nhiệm của cộng đồng, nếu không có nó hoạt động đào tạo y khoa dựa trên điều gì ?
Ở Việt Nam, sau khi có các Nhà thương, chính quyền mới cho mở trường Y khoa Đông Dương, mà giảng viên 100% là các giáo sư Y khoa giỏi, trẻ từ Pháp sang xây dựng trường, giảng dạy và thực hành y khoa tại các bệnh viện thực hành, truyền thống đó đến nay hơn 100 năm vẫn được duy trì, các giáo sư của Đại học Y Hà Nội vẫn là những thầy thuốc giỏi của các bệnh viện.
Không gian đào tạo y khoa
Sự gắn bó cơ hữu đã được chứng minh trong lịch sử giữa bệnh viện đại học và trường đại học Y khoa.
Không gian Y khoa – Bệnh viện đại học là giá trị cốt lõi khác biệt nhất giữa ngành Y và ngành khác, là tiền đề cơ bản nhất cho việc đào tạo y khoa. Tuy nhiên hoạt động này còn cần đến nơi giảng các bài giảng về lý thuyết, về học thuật, cũng vô cùng cần đến hệ thống các phòng thí nghiệm để thực thi hai nhiệm vụ và giúp sinh viên các bài thực tập y học cơ sở, để họ hiểu kỹ các bài lý thuyết và là nơi các giảng viên nghiên cứu các ý tưởng của mình nhằm giúp chữa bệnh tốt hơn. Cho nên những vấn đề đó gọi là không gian đào tạo y khoa.
Giảng đường đại học Y khoa là nơi khá khác biệt với những đại học khác, những ai đã từng học Y đều không thể quên giảng đường, nơi hằng ngày các sinh viên đến học lý thuyết do các thầy thuốc giảng bài, buổi tối chúng tôi lại tự lên ngồi nghiêm túc, tự học, không cần ai nhắc nhở, không lên nhanh mùa ôn thi không còn chỗ mà học, giảng đường Y khoa là một phần ký ức các thầy thuốc.
Hệ thống các phòng thí nghiệm, với hàng nghìn kính hiển vi, quang học, hiển vi điện tử, các hệ thống dụng cụ thí nghiệm bắt buộc phải có nguồn gốc châu Âu, không thể là đồ rẻ tiền. Phòng thực tập cho môn giải phẫu với hàng nghìn mô hình, tranh ảnh, tiêu bản xác người thật, xác người thật cho sinh viên phẫu tích, có máy chiếu, phim video… Phòng thực tập cho các môn mô học, vi sinh vật y học, sinh hóa, sinh lý học, ký sinh trùng, giải phẫu bệnh, sinh lý bệnh, dược lý, pháp y…Còn nhiều nữa, tôi không thể nhớ hết được.
Hệ thống thông tin và thư viện là cực kỳ quan trọng, trong đó thư viện ngoài các sách kinh điển cho sinh viên học là chủ yếu, còn cần một hệ thống các tạp chí y khoa chuyên ngành trên thế giới như lancet, Circulation, annales de surgery, molecules… Hiện nay các tạp chí này đã số hóa, nên có thể truy cập vào để đọc các tài liệu khi cần, và chi phí cho mua các tạp chí đó không hề nhỏ.
(Còn nữa)
Tiến sĩ - Bác sĩ Đỗ Hoàng Dương
Theo Tiền Phong