Cô bé viết thư cho Bộ trưởng về cách dạy - học môn Sử, Địa

(Dân trí) - Thu hút các doanh nghiệp tham gia vào việc nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử, Địa lý là ý tưởng của SV Nguyễn Thị Huyền Trang, ĐH Ngoại thương trong thư gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Huyền Trang xung quanh ý tưởng khá “táo bạo” này...

Đang là sinh viên khoa Kinh tế đối ngoại, tại sao bạn lại nảy ý định viết thư cho Bộ trưởng đề xuất nâng cao việc dạy học môn Lịch sử và Địa lý, một vấn đề dường như nằm ngoài lĩnh vực bạn học?

Trước hết, việc gửi thư cho Bộ trưởng thì em không phải là người đầu tiên. Việc viết thư cho Bộ trưởng theo em không phải quá to tát, ghê gớm. Ngay trên các diễn đàn bây giờ, giới trẻ cũng có những hình thức thư ngỏ gửi cho các vị lãnh đạo nhà nước rất nhiều.

Em nhận thấy, việc dạy và học môn Sử thời gian gần đây gặp rất nhiều vấn đề. Sau mỗi kỳ thi đại học, dư luận lại ồn ào về điểm Sử rất thấp. Trong khi đó, trên truyền hình hiện có rất nhiều game show mà mục đích chính là để các doanh nghiệp quảng bá hình ảnh, vậy tại sao chúng ta không nghĩ tới việc xin các nhà tài trợ đó để làm những chương trình dạy Sử hấp dẫn hơn.

Em đã nghĩ tới vấn đề này từ lâu rồi và một lần lên mạng em chợt có ý định gửi thư cho Bộ trưởng để nói về những suy nghĩ của mình.

Tinh thần “quan trọng nhất” của bạn đề cập trong bức thư này là vận động các nhà tài trợ để sản xuất những băng, đĩa hình phục vụ việc dạy và học Sử, Địa lý. Thế nhưng, sẽ có người đặt vấn đề ngược lại, các doanh nghiệp, nếu làm quảng cáo hay game show trên truyền hình sẽ quảng bá tốt sản phẩm của mình, trong khi họ sẽ khó thu được “lợi lộc” từ việc đầu tư vào các băng đĩa phục vụ dạy học?

Em nghĩ, trong lúc đầu tư làm những loại băng đĩa như thế, có thể kết hợp đưa những hình ảnh của doanh nghiệp vào. Như vậy logo, slogan của doanh nghiệp trong quá trình đó sẽ đập vào mắt rất nhiều học sinh, giáo viên đứng lớp và chắc cả các bậc phụ huynh nữa - một lớp người rất lớn mà theo em không thua kém gì truyền hình.

Tất nhiên, có thể không được rầm rộ bằng nhưng nếu nhìn một cách vĩ mô thì việc đó cũng thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội. Như vậy, uy tín của doanh nghiệp sẽ tăng lên.

Cứ cho là có thể vận động các nhà tài trợ thì việc có các băng đĩa cũng không thể lột tả hết những vấn đề của lịch sử, tức là rất nhiều khía cạnh không thể thể nào “hiện” trên băng đĩa hình ảnh đó được?

Tất nhiên hình ảnh chỉ là để minh họa để môn học trở nên hấp dẫn, ấn tượng, dễ tiếp thu với học sinh hơn. Chúng ta vẫn có các thầy cô. Người giáo viên qua những thước phim ngay tại lớp đó có thể tóm những ý chính của bài một cách đơn giản hơn rất nhiều. Em cũng chưa suy nghĩ được đến hết vấn đề nhưng khái quát qua là chúng ta có thể dùng nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả môn học.

Trong sự “sa sút” của môn Sử ở phổ thông hiện nay, còn phải đề cập tới nhiều vấn đề như giáo trình, giáo viên, nhất là quan niệm của giới trẻ hiện nay cho rằng, học môn Sử không thực tế. Nhiều người chọn khối C, trong đó có Sử vì họ không thể theo được các khối khác và nếu đỗ đại học cũng khó xin việc khi ra trường. Bạn có ý kiến gì về điều này?

Theo em, đó cũng là vấn đề rất bức xúc của xã hội. Các lĩnh vực khoa học xã hội như Hán Nôm, Lịch sử… ra trường rất khó xin việc, thu nhập cũng không cao. Nhưng không hẳn cứ học sử thì ra trường phải làm những công việc về sử. Em cũng quen biết rất nhiều người kinh doanh thành công trong nhiều lĩnh vực không quan hệ gì tới lịch sử nhưng họ là những sinh viên từng học Sử.

Em nghĩ trong một xã hội mở như này, chúng ta biết được càng nhiều càng tốt, nhất là về lịch sử. Nếu một người dân mà không biết rõ lịch sử đất nước mình thì cũng không khác gì một người con mà không biết gốc tích, nguồn gốc của cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Đã có quá nhiều giáo sư, tiến sĩ về sử học lên tiếng về vấn đề dạy - học Lịch sử, nhưng đến nay tình hình vẫn chưa biến chuyển nhiều. Bạn có nghĩ đến tình huống, ý kiến của bạn cũng chỉ là “đá ném ao bèo”, không thể mang lại hiệu quả gì?

Như chúng ta đã biết, người lập nên trang Google nổi tiếng toàn cầu hiện nay vốn cũng chỉ là một người rất bình thường nhưng người đó có một ước mơ lớn. Em không định ôm giấc mơ quá to lớn nào, em chỉ mong việc dạy và học môn Sử sẽ tốt hơn. Đó chỉ là một ý kiến nho nhỏ của cá nhân để góp sức cải thiện tình hình dạy và học Sử hiện nay. Cho dù được hay không được thì em cũng đã được nói ý kiến của mình, đã được làm đầy đủ trách nhiệm của một người công dân.

Bạn mong đợi điều gì sau khi lá thư được gửi đi?

Thực ra, em viết và gửi trên trang web của Bộ GD-ĐT chứ cũng không biết email của Bộ trưởng để gửi. Em cũng không biết Bộ trưởng có đọc được hay không. Nhưng nếu Bộ trưởng có đọc được lá thư thì em cũng rất muốn biết Bộ trưởng sẽ hồi âm thế nào. Cho dù những ý kiến của em vẫn còn rất ngây thơ, nhiều điểm ấu trĩ thì em cũng muốn biết Bộ trưởng đánh giá ý kiến đó là đúng hay sai.

Hiện giờ, chúng ta đang sống trong một môi trường xã hội rất mở, nhà nước hay những nhà lãnh đạo cấp cao cũng nên lắng nghe ý kiến của người dân. Nghĩa là em mong Bộ trưởng sẽ biết được lá thư của em và trả lời dù em hiểu Bộ trưởng rất bận.

Còn nếu có ai đó nói, bạn làm việc đó vì muốn nổi tiếng?

Em cũng không quan tâm nhiều lắm tới việc đó. Dĩ nhiên em không mong gì trở thành người nổi tiếng với đủ thứ rắc rối của việc này. Em chỉ mong mình có thể góp 1 ý kiến nho nhỏ vào việc dạy Sử ở Việt Nam hiện nay. Còn nếu có người nói thế thì đó là ý kiến của họ, mỗi người có một suy nghĩ, không thể kiếm soát, ngăn cấm việc đó.

Cảm ơn bạn! 

Trên Tivi hiện nay, cháu thấy có rất nhiều Game Show được tài trợ bởi các doanh nghiệp lớn, mục đích của những Game show này, về cơ bản vẫn là giải trí và qua đó doanh nghiệp quảng bá hình ảnh của mình. Vậy tại sao Bộ GD-ĐT (nếu không đủ kinh phí) không xin tài trợ từ những doanh nghiệp đó, xây dựng những chương trình học Lịch Sử thật sống động cho học sinh?

 

Cháu lấy ví dụ thế này, ở sách Lịch Sử lớp 6 có dạy những bài về Đồ Đồng, Đồ Đá của người Việt cổ, nếu học sinh được xem những thước phim về các đồ vật này thì chắc chắn sẽ rất thích thú và ghi nhớ tốt hơn.

 

Hay như trong sách Lịch Sử 9 có viết về kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nếu như, thay vì những con số và dòng chữ khô khan như: "Ở trận này, phía ta có x quân, chia làm y nhánh, địch có z máy bay, v quân...." học sinh được xem những thước phim về những trận đánh đó (việc này không hề khó, vì những dịp như kỉ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ hay 2/9 cháu vẫn xem trên tivi), được thấy hình ảnh các vị lãnh đạo của ta đã bàn bạc ra sao... thì chắc chắn rằng bài học lịch sử đó sẽ vô cùng sống động, hấp dẫn, không những giúp học sinh hiểu được vấn đề mà có khi còn làm cho các em thấy thêm tự hào và yêu quý Tổ quốc hơn. (Trích thư của Huyền Trang gửi Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân)

 

Cấn Cường - Phương Thảo

(Thực hiện)