1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

Clip nam sinh bị tát ở quán game gây tranh cãi

(Dân trí) - Phát hiện ra cậu con trai ở quán game, người phụ nữ lớn tuổi vung tay tát nhiều lần vào má cậu bé. Vừa đánh, bà vừa hét lên giận giữ.

Một clip dài gần 2 phút ghi lại cảnh người phụ nữ lớn tuổi tát liên tiếp vào mặt nam sinh nhiều lần ngay tại quán Net vì phát hiện ra cậu bỏ học đi chơi game vừa được đăng tải trên một diễn đàn khiến nhiều người xôn xao.

Clip nam sinh bị tát ở quán game gây tranh cãi

 

Nhiều người nhận xét, người phụ nữ lớn tuổi, tay cầm túi xách vừa mắng nhiếc nam sinh trên đây có thể là mẹ con.

“Hết lần này đến lần khác, chơi game sẽ tạo ra tiền tài vật chất cho mày này, nhà lầu, xe hơi này. Sao mày không ở đây luôn đi?”. Vừa quát tháo cậu bé, người phụ nữ vừa vung tay tát liên tiếp nhiều lần vào mặt nam sinh. Vừa tát, bà vừa tiếp tục quát tháo.

Người phụ nữ vung tay tát liên tiếp vào mặt nam sinh ngay ở quán game (ảnh: chụp từ clip)
Người phụ nữ vung tay tát liên tiếp vào mặt nam sinh ngay ở quán game (ảnh: chụp từ clip)

Trước lời mắng nhiếc từ người phụ nữ và sự chứng kiến của nhiều người xung quanh, cậu học trò mặc đồng phục, đầu vẫn đội mũ bảo hiểm, chỉ cúi gằm, không phản kháng và im lặng chịu đòn.

Bất bình trước sự việc này, một người nào đó trong quán lên tiếng: “Cô ơi, đưa em về nhà uýnh (đánh) đi cô”.

Đoạn video trên đã thu hút hàng nghìn lượt xem và bình luận. Một số ý kiến đồng tình với người phụ nữ nhưng một số khác cho rằng, người lớn đánh mắng con cái cần đúng vị trí và hoàn cảnh.

“Các bạn đặt vị trí của mình và hiểu tâm lý của con không khi vừa đánh mắng con ở chỗ đông người như vậy? Đáng ra, người lớn nên đưa con em về nhà để dạy dỗ mới không ảnh hưởng tâm lý để giúp con cái tiến bộ”, bạn đọc Anh Cường cho biết.

Một độc giả khác cũng nhận xét, bị đánh đau như vậy nhưng bạn đó không có phản ứng gì xúc phạm. Bạn ấy đứng để chịu hình phạt nên có lẽ em đã hiểu ra được lỗi của mình, chứng tỏ đây là một cậu bé hiếu thảo nhưng do tuổi trẻ ham chơi nên mới ra nông nỗi này.

Đáp lại những nhận xét ủng hộ cậu bé, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo: “Chắc các bạn vẫn chưa quên một vụ trọng án ở Hải Dương. Bài học ở vụ án này là con nghiện chơi game, cuộc sống ảo tưởng theo game nên ra tay sát hại tính mạng của bố mẹ rồi chị gái”, bạn đọc Quang Huy cho biết.

Độc giả Nguyen Phong nêu quan điểm: “Thương cho roi cho vọt, mình nghĩ hành động này của người phụ nữ không có gì đáng lên án. Các bạn thử nghĩ xem, nuôi con lên đến ngần ấy tuổi đầu nhưng phát hiện ra tình cảnh này, các bạn sẽ hiểu. Mình thấy thương người mẹ này quá. Mong sao bé ngoan cho gia đình đỡ khổ”.

Giáo dục chứ không phải đánh con

Chia sẻ với chúng tôi, GS. TS Tâm lý Nguyễn Ngọc Phú, Tổng Thư kí Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam, cho rằng: "Trước hết về mặt giáo dục trong gia đình, bố mẹ đánh con là không được. Chúng ta giáo dục con chứ không phải đánh con.

Phải phân tích cho chúng điều hay lẽ phải, cái hơn thiệt để con cái tự giác ngộ và chuyển biến hành vi chứ không nhất thiết phải sử dụng biện pháp mạnh.

Thứ hai, người phụ nữ này cho dù là mẹ cháu bé đi chăng nữa thì cũng đã vi phạm tội làm nhục con ở chỗ đông người, nhất là cháu bé cũng đã khá lớn chứ không còn nhỏ.

Điều này sẽ rất tệ hại bởi sau này, đứa bé sẽ nuôi hận thù với người đánh đó suốt đời. Nhất là trong lúc bị đánh mà có một người bạn nào đó của cháu nhìn thấy thì càng tai hại.

Trong câu chuyện này, tôi nghĩ người phụ nữ ấy nên tìm hiểu xem con chơi ra sao để khuyên nhủ. Một lần không được thì hai lần, ba lần…

Tuy nhiên, cho dù trong hoàn cảnh nào, việc đánh con cái ở chỗ đông người như thế là hoàn toàn không được và chứng tỏ người đó bất lực trước con cái".

Trả lời câu hỏi, nếu bị xúc phạm nhiều lần, hành động tiêu cực nhất mà một đứa trẻ có thể làm là gì, GS Phú cho biết, có nhiều cách thức nhưng hành động tiêu cực cao nhất mà trên thế giới và cả ở Việt Nam đã từng xảy ra nhiều lần là trong cơn khủng hoảng vì stress không ngờ, đứa trẻ đó đã tự vẫn.

“Vì vậy theo tôi, trong giáo dục con cái, trước hết cần mềm mỏng và có phương pháp công phu. Phải tìm hiểu để với mỗi đứa trẻ, cần có biện pháp giáo dục thích hợp”, GS Phú nói.

Quốc Huy