Chuyện về 58 người của dòng họ hiếu học nơi đại ngàn

(Dân trí) - Chỉ vỏn vẹn 14 hộ sống giữa nơi “cái chữ không làm no cái bụng bằng đi làm rẫy”, nhưng dòng họ Xiêng Var ở làng Dục Nhầy (xã Đắk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum) đã sớm tìm cho mình con đường thoát nghèo bằng việc gắn bó với con chữ.

Có lẽ vì cái nghèo vẫn còn đeo bám, nên khá nhiều người đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum nói riêng và ở Tây Nguyên nói chung vẫn xem “học cái chữ không bằng việc làm no cái bụng”. Chính vì vậy, ít có gia đình người dân tộc thiểu số ở mảnh đất cao nguyên này có con học tới bậc Đại học. Ấy vậy mà dòng Xiêng Var thuộc dân tộc Triêng, ở làng Dục Nhầy (xã Đắk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum) chỉ vỏn vẹn có 58 nhân khẩu, với 14 hộ gia đình lại có đến 8 người tốt nghiệp Đại học, 2 người tốt nghiệp Cao đẳng, và 25 thành viên đang ở độ tuổi đến trường đều được ra lớp với nhiều giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.

Không giấu niềm tự hào về dòng họ của mình, ông Xiêng Var Nùng - trưởng dòng họ Xiêng Var kể, trước đây dòng họ của Xiêng Var nhà ông có cuộc sống rất khó khăn, sống cuộc đời du canh, du cư, quanh năm chỉ biết bám nương, bám rẫy nên nhận thức rất hạn chế. Bản thân ông và những người khác trong họ cũng đã từng nghĩ “học cái chữ không quan trọng bằng việc làm no cái bụng”, bởi cái chữ không thể cho vào bụng được. Nhưng "mưa dầm thấm đất", được sự vận động của cán bộ địa phương và những bằng chứng sống của một số hộ gia đình khác, dòng họ Xiêng Var đã “ngộ” ra chân lý: Cái chữ không làm no được cái bụng nhưng lại làm cái đầu thêm sáng suốt. Đôi tay chỉ làm cái bụng no hôm nay, nhưng cái đầu sẽ giúp đôi tay làm được nhiều việc hơn. Và muốn thoát khỏi cái đói, cái nghèo chỉ còn cách là học cái chữ.

Chính vì vậy, dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, công việc nương rẫy khá lam lũ và cần nhiều nhân công, nhưng nhiều năm qua dòng họ Xiêng Var luôn cố gắng dốc hết mọi khả năng để đầu tư cho con em mình được đến trường đầy đủ. Đó cũng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của mỗi gia đình trong dòng họ: “Người đồng bào mình muốn thoát nghèo thì phải học cái chữ thôi, chỉ có cái chữ mới làm cho cái đầu mình sáng suốt được. Vì vậy, dù còn nhiều khó khăn nhưng dòng họ Xiêng Var mình phải luôn ưu tiên cho việc học của con, cháu là hàng đầu. Dòng họ chúng tôi luôn nhận thức được giáo dục là vấn đề cực kì quan trọng, nên chúng tôi luôn giáo dục, động viên con, cháu phải học nữa, học mãi”, ông Nùng bày tỏ.

Ông Xiêng Var Nùng- trưởng họ cho biết: Muốn thoát nghèo phải học cái chữ.
Ông Xiêng Var Nùng- trưởng họ cho biết: Muốn thoát nghèo phải học cái chữ.

Không chỉ tạo điều kiện tốt nhất về thời gian cho con, em được học hành tốt nhất, mà bí quyết để giúp con, em trong dòng họ Xiêng Var không sớm bỏ cái chữ để theo cha mẹ lên rẫy như những gia đình khác đó chính là sự quan tâm sát sao của những người lớn trong họ. Các bậc ông bà, cha mẹ luôn động viên về tinh thần cho con, cháu, thường xuyên dạy bảo con em mình phải cần cù, chăm chỉ học tập để có được kết quả tốt nhất trong học tập. Ngoài ra, hàng tháng, những người trong dòng họ thường tổ chức các buổi họp mặt giành cho đại diện các hộ gia đình, để tất cả những người trong họ nắm tình hình học tập của con, cháu. Kịp thời vận động, khuyên nhủ những trường hợp có ý định bỏ học giữa chừng.

Để động viên, khích lệ tinh thần hiếu học cho con, em mình, dòng họ đã gây được một nguồn quỹ khuyến học (khoảng hơn 1 triệu đồng/năm) để mỗi cuối năm họ, cả họ lại tổ chức liên hoan, động viên, khen thưởng, khích lệ tinh thần học tập của những cháu đạt thành tích cao, hay thi đậu vào các trường cao đẳng, đại học… Điều này không chỉ khích lệ tinh thần hiếu học của các thế hệ trong dòng họ mà đó còn là tấm gương sáng để các thế hệ trẻ noi theo.

Ông Xiêng Var Nùng- trưởng họ cho biết: Muốn thoát nghèo phải học cái chữ.
Những giấy khen của dòng họ hiếu học Xiêng Var và giấy khen của cậu con trai học ĐH An ninh của ông Nùng.

Và tất nhiên, thành quả đạt được của dòng học Xiêng Var về tấm gương học tập, nó không chỉ là điều hiếm có ở các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, mà nó còn là niềm tự hào của những người trong họ. Tuy là dòng họ khá “neo” người, nhưng trước sự phấn đấu không ngừng trong học tập, dòng họ Xiêng Var đã có nhiều người con trong họ đỗ đạt cao. Sau khi học tập, họ đã trở về phục vụ quê hương, công tác ở các cơ quan đoàn thể của huyện, tỉnh, trong các ngành an ninh, y tế, giáo dục, thương binh xã hội… với nguyện vọng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước vững mạnh hơn.

Nhờ vào nhận thức đúng đắn này, vừa qua tại Đại hội tuyên dương “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cơ quan hiếu học” của huyện Ngọc Hồi năm 2012, dòng họ Xiêng Var đã được vinh danh trong đại hội, và trở thành dòng họ duy nhất đại diện cho các dòng họ hiếu học khác đọc tham luận tại đại hội. Và dòng họ Xiêng Var cũng là tấm gương sáng về sự nghiệp trồng người trên địa bàn huyện Ngọc Hồi.

Thiên Thư

Dòng sự kiện: 30 năm Ngày Nhà giáo VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm