Chuyển từ thi sang xét giáo viên dạy giỏi: Bộ tiêu chí sẽ xây dựng ra sao?

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT sắp công bố dự thảo về việc chuyển từ thi sang xét để có được giáo viên giỏi. Điều này là tích cực nhưng để đảm bảo khách quan, cần có tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập. Sau khi sát hạch, nên cấp cho giáo viên một chứng chỉ.

Dư luận xã hội và cộng đồng giáo viên đã lên tiếng rất nhiều sau những bất cập, tiêu cực của việc thi giáo viên dạy giỏi hiện nay.

Được biết, Bộ GD&ĐT sắp công bố dự thảo về việc chuyển sang xét để có được giáo viên giỏi thông qua các tiêu chí cốt lõi gắn với giáo dục.

Theo tôi, điều này là tích cực, chứng tỏ Bộ GD&ĐT đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của giáo viên, của các chuyê gia để hướng đến cách đánh giá phù hợp hơn.

Để làm tốt việc này, tôi cho rằng, cần rất nhiều sự chuẩn bị về bộ tiêu chí, về cách làm, cần có thời gian. Tuy nhiên, giáo viên chúng tôi mong muốn Bộ GD&ĐT triển khai càng sớm càng tốt.

tung lv.jpeg

Thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) - tác giả bài viết.

Trước mắt, cần giảm áp lực cho giáo viên và hướng đến cách đánh giá tích cực, công bằng.

Tôi nghĩ, thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay thiếu khách quan, không thực chất, là biểu hiện rõ ràng của bệnh thành tích trong giáo dục.

Các cuộc thi này, nếu miễn cưỡng kéo dài sẽ phản tác dụng, gây thiệt thòi cho học sinh, ức chế cho giáo viên và tốn kém cho xã hội.

Đặc biệt, việc đánh giá giáo viên như hiện nay nảy sinh nhiều tiêu cực và kết quả ít được tin cậy.

Để đảm bảo khách quan, cần một tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập, có đủ tư cách pháp lý và trình độ chuyên môn, hoạt động độc lập với Bộ GD&ĐT, tương tự như các tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh như Toeic, Toefl hay tin học.

1.jpeg

Sau khi “sát hạch”, giáo viên nên cấp cho giáo viên một chứng chỉ.

Các giáo viên có nhu cầu được đánh giá, kiểm định sẽ tự nguyện đăng kí “sát hạch”, tiêu chí này không được tính vào khi đánh giá giáo viên nhằm tránh áp lực và bệnh thành tích.

Sau khi “sát hạch”, giáo viên sẽ được cấp một chứng chỉ.

Tổ chức kiểm định sẽ đánh giá cả quá trình gồm nhiều mặt của giáo viên, từ trình độ chuyên môn, tư cách đạo đức, sự tiến bộ của học sinh, đánh giá của cha mẹ học sinh và của xã hội. 

Hy vọng sau khi Bộ GD&ĐT công bố dự thảo, chủ trương đúng đắn này sẽ được ngành giáo dục, được xã hội quan tâm và cùng hành động để chúng ta sớm có cách đánh giá giáo viên chính xác, tích cực, tạo động lực phấn đấu cho các thầy cô, tào tiền đề tốt cho kiểm định đánh giá giáo dục nói chung. 

Trần Mạnh Tùng

(Giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội)