Chuyển từ "học được gì" sang "làm được gì sau khi học"
Việc chuyển từ tiếp cận nội dung (học sinh học được gì) sang tiếp cận năng lực của người học (học sinh làm được gì thông qua việc học), lấy học sinh là trung tâm, đang được ngành giáo dục ráo riết thực hiện. Đây là nội dung quan trọng trong đổi mới giáo dục trung học và giáo viên giữ vị trí quan trọng trong việc triển khai phương pháp mới này.
Nhiều ưu điểm
TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD - ĐT cho biết, có thể hiểu, chương trình giáo dục định hướng năng lực nhằm đảm bảo chất lượng quá trình và đầu ra của việc dạy học nhấn mạnh vai trò của người học với tư cách là chủ thể của quá trình nhận thức. Ưu điểm của phương pháp này là tạo điều kiện quản lý chất lượng theo kết quả đầu ra đã quy định, nhấn mạnh năng lực vận dụng của học sinh. Mục tiêu giáo dục của chương trình định hướng năng lực là kết quả học tập cần đạt được mô tả chi tiết và có thể quan sát được, thể hiện được mức độ tiến bộ của học sinh một cách liên tục.
Học sinh tiểu học học theo phương pháp “Bàn tay nặn bột”. Ảnh: giaoducthoidai.vn |
Nội dung giáo dục là những nội dung nhằm đạt được kết quả đầu ra đã quy định, gắn với các tình huống thực tiễn. Chương trình chỉ quy định những nội dung chính, không quy định chi tiết. Với chương trình này, giáo viên chủ yếu là người tổ chức, hỗ trợ học sinh tự lực và tích cực lĩnh hội tri thức; trong đó, chú trọng sự phát triển khả năng giải quyết các vấn đề, khả năng giao tiếp và chú trọng sử dụng các quan điểm, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực; các phương pháp dạy học thí nghiệm, thực hành.
“Khác với việc chỉ học lý thuyết trên lớp học, chương trình định hướng năng lực sẽ tổ chức các lớp học đa dạng; chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học, trải nghiệm sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy và học. Đánh giá dựa vào năng lực đầu ra, có tính đến sự tiến bộ trong quá trình học tập, chú trọng khả năng vận dụng trong các tình huống thực tiễn. Đây là sự khác biệt cơ bản và gần như trái ngược với chương trình giáo dục định hướng nội dung mà trường phổ thông đang triển khai”, TS Vũ Đình Chuẩn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, triển khai phương pháp mới phải đi đôi với kiểm tra đánh giá. Trong khi cách kiểm tra đánh giá trong trường phổ thông hiện nay vẫn chưa thực sự đổi mới và chưa thể tiếp cận với phương pháp này. PGS. TS Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và kiểm tra, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, các đề thi hoặc kiểm tra trong trường phổ thông còn chủ yếu nhằm đánh giá việc ghi nhớ, hiểu kiến thức, mà ít chú ý đến việc đánh giá khả năng học sinh vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống trong thực tiễn đời sống, ít chú ý đến việc đánh giá năng lực người học theo chuẩn mong đợi.
Giáo viên chọn kiểu câu hỏi, cách thức ra đề thi đánh giá học sinh chủ yếu do bắt chước những đề mẫu... mà ít khi để ý đến việc kiểm tra năng lực gì trong đó, giáo viên vẫn còn “lơ mơ”. Những kiến thức được tập huấn về thiết kế đề thi như thế nào cho khoa học... vẫn còn mới lạ với họ. Nguyên nhân chính là sức ì của chính giáo viên, và phải kiêm nhiệm nhiều việc nên họ không có thời gian. Một phần nữa là giáo viên vẫn nặng nề điểm số, xếp loại sau mỗi học kỳ. Đây là thực trạng của không ít trường phổ thông trong khảo sát của chúng tôi.
Phát huy vai trò giáo viên
PGS TS Nguyễn Công Khanh cho rằng, để đổi mới được việc kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng tiếp cận năng lực thì phải bắt đầu từ chính ý thức của giáo viên và cán bộ quản lý. Đây là vấn đề khó và cần có thời gian. Giáo viên cần phải được tập huấn thường xuyên về phương pháp mới này. Nếu giáo viên thiếu động lực để đổi mới thì các nhà quản lý giáo dục phải nỗ lực bằng chính sách, chế tài... để thúc đẩy giáo viên làm việc này. “Tôi nghĩ nhà trường sẽ phải tự chủ được việc này. Mỗi giáo viên phải tự đổi mới chính mình”, PGS TS Nguyễn Công Khanh nhận định.
Ở góc độ chuyên môn, một số nhà giáo cho rằng, giáo viên không nên quá ôm đồm nhiều biện pháp cung lúc. Cô Phan Thị Thanh Hội, Khoa sinh học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trong quá trình học tập, học sinh có thể cùng lúc thể hiện nhiều năng lực nhưng giáo viên chỉ nên tập trung vào một hoặc một vài năng lực chính, đặc trưng. Ví dụ, trong bài thực hành thì chủ yếu đánh giá năng lực thực nghiệm. Trong bài lên lớp hình thành kiến thức mới thì có thể đánh giá các năng lực hệ thống hóa kiến thức, năng lực vận dụng kiến thức vào các tình huống khác nhau.
Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học cho biết, phương pháp tiếp cận năng lực học sinh đã được ngành giáo dục triển khai trong hai năm trở lại đây. Ngành giáo dục đã giao quyền tự chủ xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục, phát huy vai trò sáng tạo của nhà trường và giáo viên. Cụ thể, nhà trường tổ chức cho giáo viên rà soát lại nội dung chương trình, sách giáo khoa, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản. Nghĩa là, tinh giản kiến thức ở lớp trên nếu lớp dưới đã được học đầy đủ hoặc bổ sung thêm để đầy đủ.
Theo một số chuyên gia giáo dục, để triển khai phương pháp tiếp cận năng lực học sinh trong trường phổ thông, giáo viên phải thay đổi được nhận thức, cũng như áp dụng thành công được những bài giảng trực tuyến, qua tập huấn.
Theo Lê Vân
Báo Tin tức