Chuyện ở trường rớt tốt nghiệp 100%
Thầy Đinh Trường Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 12, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi cho biết: “Đêm nào cũng đi kiểm tra, nhắc nhở các em học bài. Vào mỗi sáng cứ đến khoảng 5h30' đã đánh thức các em dậy để ôn bài.”
Trường THPT Đinh Tiên Hoàng là trường rớt tốt nghiệp 100% ở Quảng Ngãi năm học 2006-2007.
Bước vào năm học mới, các cấp, ngành và chính quyền sở tại đã có hỗ trợ về vật chất; nhà trường cũng đã đưa ra một số giải pháp, vì vậy, với thực lực của học sinh như hiện nay, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi hi vọng vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp tới.
Một lời cảnh tỉnh
Đã 11 năm kể từ khi huyện Sơn Tây được tách ra khỏi huyện Sơn Hà, ngoài Trường Dân tộc nội trú, hệ thống bậc học THCS của huyện Sơn Tây vẫn chưa hoàn thiện. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học sinh ở bậc học kế tiếp.
Riêng đối với Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, qua gần 5 năm thành lập, vì một số nguyên nhân cho nên trường chưa tổ chức cho học sinh thi tuyển vào đầu cấp như các nơi khác, thay vào đó là xét tuyển. Thế nhưng hình thức này cũng không giúp cho trường tuyển đủ số học sinh theo chỉ tiêu mà ngành đã giao. Năm học 2006-2007, toàn huyện có khoảng 200 em đỗ tốt nghiệp THCS, thế nhưng chỉ có 102 em nộp hồ sơ vào lớp 10, trong khi đó chỉ tiêu Sở cho tuyển là 150 học sinh.
Năm học 2007-2008, chỉ tiêu được giao là 200 em, thế nhưng cũng chỉ tuyển được 110 em.
Nguyên nhân chính là do đại đa số học sinh là con em của đồng bào dân tộc thiểu số người Cadong nên điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn; nhận thức của phụ huynh trong việc cho con đến trường còn thấp...
Vì thế sau khi tốt nghiệp THCS, phần lớn các em ở nhà làm rẫy, chăn bò, đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp cha mẹ; một số khác thì lập gia đình nên nghỉ học. "Đầu vào" như thế cho nên kết quả là trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006-2007, trường không có em nào đỗ.
Nhắc lại chuyện cũ, ông Thái Văn Đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh thừa nhận: Nói thật khi nghe Trường Đinh Tiên Hoàng đạt kết quả như vậy chúng tôi cũng hơi bất ngờ, tuy nhiên nó đã phản ánh đúng với thực tế về chất lượng học sinh của trường này.
Và đây là lời cảnh tỉnh cho ngành giáo dục Quảng Ngãi cần có một cái nhìn và sự đánh giá đúng hơn để xây dựng và đưa ra giải pháp phù hợp, nâng cao chất lượng dạy và học ở vùng núi, miền sâu.
Giúp đỡ tạo khí thế mới
Sau sự kiện này, Trường Đinh Tiên Hoàng đã nhận được khá nhiều trợ giúp từ một số cấp, ngành, tổ chức trong và ngoài tỉnh: Hoàn thành khu nhà nội trú cho học sinh ở xa; UBND huyện Sơn Tây hỗ trợ cho mỗi học sinh đang theo học 15kg/gạo/tháng; từ nguồn kinh phí của dự án giáo dục phổ thông - Bộ GD-ĐT, trường đã được hỗ trợ 32 máy tính bàn, 2 máy tính xách tay...
Về phía trường, ngay trong năm học, riêng khối 12, Ban giám hiệu cũng đã đưa ra một số giải pháp: Cho tất cả số học sinh lớp 12 vào khu nội trú với mục đích vừa "giữ chân" các em tránh "cơn lốc" bỏ học; vừa nhắc nhở, bồi dưỡng kiến thức cho các em để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT đang đến gần.
Thầy Đinh Trường Thảo, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 cho biết: Đêm nào cũng đi kiểm tra, nhắc nhở các em học bài. Vào mỗi sáng cứ đến khoảng 5h30' đã đánh thức các em dậy để ôn bài. Thầy Bùi Thế Giới, Hiệu trưởng nhà trường nói thêm: Ban giám hiệu trường cũng đã yêu cầu mỗi giáo viên bộ môn phải phân loại học sinh ở bộ môn mình để từ đó có kế hoạch giảng dạy, bồi dưỡng, phụ đạo cho các em một cách có hiệu quả nhất, với hy vọng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay sẽ có học sinh thi đỗ.
Tuy nhiên, sự nỗ lực đó chưa đủ để làm thay đổi vấn đề vốn được xem là "căn bệnh mãn tính của giáo dục ở miền núi". 50% học sinh của trường đã bỏ học; qua đợt kiểm tra học kỳ I năm học 2007-2008, gần 80% học sinh toàn trường xếp loại học lực yếu. Riêng khối 12, trong tổng số 19 học sinh thì chỉ có 2 em đạt điểm trung bình ở 8 môn học chính, còn lại là yếu, kém.
Thế nhưng, để khuyến khích, trường cũng đã trích Quỹ khuyến học tặng cho 2 học sinh này 300.000 đồng/em; treo giải thưởng 500.000 đồng cho học sinh thi đỗ tốt nghiệp THPT. Không những vậy, thầy giáo Đinh Trường Thảo còn hứa sẽ trích tiền lương thưởng 300.000 đồng/học sinh nào đỗ tốt nghiệp.
Hỗ trợ về vật chất để khuyến khích tinh thần học tập, giảm bớt phần nào những khó khăn trong cuộc sống cho học sinh nghèo là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong thời điểm mà số học sinh bỏ lớp như thời gian qua là điều cần thiết và nên làm.
Tuy nhiên, nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh Trường THPT Đinh Tiên Hoàng nói riêng và các huyện miền núi Quảng Ngãi nói chung là việc làm lâu dài và không phải chỉ mỗi ngành giáo dục là xong, mà nó đòi hỏi phải có sự tham gia chung tay của nhiều cấp ngành của tỉnh, nếu không thì e rằng khó có sự thay đổi gì lớn trong tương lai.