Chuyện học online: Thách thức khi ứng dụng công nghệ để "học đi đôi với hành"

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nhiều ứng dụng, nền tảng công nghệ thông tin đã được trường Đại học FPT sử dụng trong hoạt động giảng dạy cũng như tuyển sinh nhưng vẫn đảm bảo tính thực hành cao cho người học.

Dạy online - Thầy cô phải "phù phép" bài giảng trực quan, sinh động

Thực hiện chỉ thị 16 của Chính phủ về giãn cách xã hội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các trường Đại học đã triển khai học trực tuyến. Tuy nhiên, thách thức của việc "online hóa" là giảng viên vừa phải ứng dụng CNTT tốt, vừa phải đảm bảo tính tương tác 2 chiều trong quá trình dạy học.

Để làm được điều đó, giảng viên cần sử dụng tốt các ứng dụng CNTT để chuẩn bị bài giảng trực quan và sinh động như: Google meet, Zoom, Google Slide (ứng dụng đi kèm như Pear Deck),… Thay vì thầy nói trò nghe 1 chiều nhàm chán thì các ứng dụng công nghệ này cho phép thầy và trò trực tiếp tương tác 2 chiều trên slide bài giảng, thậm chí giới hạn thời gian hỏi đáp nhanh. Sinh viên trực tiếp cùng thầy cô giáo thảo luận vấn đề sôi nổi.

Xa rồi cái thời bài giảng chỉ "toàn chữ là chữ". Với học online, thầy cô đã thực sự "phù phép" cho mỗi giờ học trở nên sinh động hấp dẫn thông qua việc áp dụng nhiều ví dụ bằng hình ảnh đẹp, câu đố vui, video/clip hay, phim ngắn, hội thoại, … để sinh viên thoải mái tinh thần, học mà chơi, chơi mà học.

Giảng dạy cho hàng ngàn sinh viên Đại học FPT, cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ nhiệm bộ môn Tiếng Anh ĐH FPT Hà Nội chia sẻ: "Khi giảng dạy online, giảng viên thực sự phải nghiên cứu rất nhiều ứng dụng CNTT, áp dụng nhiều phương pháp giảng dạy để sinh viên hứng thú học tập. Hiện nay, chúng tôi đang áp dụng phương pháp học Kiến tạo, lấy người học làm trung tâm nên việc soạn các câu hỏi kiến tạo sẽ cần được chú trọng hơn. Giảng viên phải đưa ra các vấn đề và hoạt động sẽ thách thức sinh viên. Khuyến khích sinh viên đánh giá thông tin mới và sửa đổi kiến thức hiện có. Các hoạt động có thể bao gồm thuyết trình, thảo luận nhóm nhỏ hoặc trong lớp và câu đố".

Chuyện học online: Thách thức khi ứng dụng công nghệ để học đi đôi với hành - 1
Cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ nhiệm bộ môn tiếng Anh ĐH FPT Hà Nội.

Học nhóm online - Sinh viên thoải mái sáng tạo và đưa ra ý tưởng

Từ kỳ Summer 2021, sinh viên được học kiến tạo trên nền tảng EduNext - nền tảng học tập trực tuyến dành riêng cho sinh viên Đại học FPT - cho phép tạo ra các "nhóm học tập" có thể trao đổi với nhau qua tin nhắn hoặc video trực tuyến song song. Giảng viên cũng có thể lựa chọn livestream giảng dạy và tương tác cùng lúc với số lượng lớn sinh viên. Các tính năng khác như đánh giá chéo, phát hiện chuyên gia, tích hợp học liệu... hỗ trợ sinh viên ĐH FPT trong bước đầu làm quen với phương pháp.

Khi học trên EduNext, mỗi sinh viên đều phải đóng góp ý kiến để hệ thống ghi nhận. Sau đó các bạn khác trong nhóm sẽ có đánh giá về ý kiến của nhau. Hệ thống sẽ ẩn tên sinh viên trong cùng một nhóm để các bạn mạnh dạn đưa ra đánh giá khách quan nhất. Từ quá trình trao đổi trong nhóm riêng đến lúc trình bày cho cả lớp, mọi thông tin trao đổi của sinh viên trong từng group chat đều được lưu lại. Cuối buổi học, giảng viên có thể kiểm tra lại các số liệu thống kê để đánh giá được sinh viên nào tích cực học tập nhất.

Chuyện học online: Thách thức khi ứng dụng công nghệ để học đi đôi với hành - 2

Bạn Vũ Mai Trang, sinh viên khóa 15 ngành Kinh doanh Quốc tế cho biết: "EduNext giúp chúng em làm việc nhóm nhiều hơn, được bày tỏ ý kiến cá nhân và còn được nhận đánh giá từ các bạn khác trong lớp. Ngoài ra, việc thầy cô giao bài trên EduNext theo từng tiết học cũng rõ ràng hơn. Chúng em có thể bình luận ngay dưới câu hỏi để các giảng viên thấy ngay và đánh giá dễ dàng hơn".

Sinh viên bận rộn học online cùng sinh viên các trường Đại học quốc tế

Không phân biệt quốc gia nào, internet đã đưa sinh viên FPT đến với cộng đồng sinh viên quốc tế, giao lưu và khám phá văn hóa của nhiều trường Đại học trên thế giới thông qua các hội thảo, cuộc thi học thuật,…. Các chương trình giao lưu văn hóa đa dạng cho sinh viên FPT như: Chương trình hè giao lưu kết hợp với Đại học LPU - Batangas, Philippines; Chương trình phát triển lãnh đạo thanh niên "I Commit"; Chuỗi workshop kết hợp với Đại sứ quán Thái Lan "SAWASDEE THAILAND"... Các cuộc thi học thuật như thi nói Tiếng Anh, Tiếng Nhật, thi đấu Code... cũng diễn ra đều đặn với sự góp mặt của hàng trăm sinh viên.

Chuyện học online: Thách thức khi ứng dụng công nghệ để học đi đôi với hành - 3
Sinh viên Đại học FPT giao lưu cùng Đại học LPU - Batangas, Philippines trong chương trình hè Beyond Borders.

Tận dụng tính tương tác mạnh của internet, Đại học FPT đã tổ chức sự kiện kết nối với các thế hệ cựu sinh viên thông qua nền tảng Zoom. Hàng nghìn cựu sinh viên đang ở nhiều Quốc gia khác nhau trên thế giới như Mỹ, Pháp, Australia, Nhật Bản, Singapore… đã cùng nhau gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ và hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống, học tập. Cộng đồng cựu sinh viên trở thành gia đình lớn mà đi đến bất cứ nơi đâu, sinh viên FPT luôn được chào đón và hỗ trợ nhiệt tình.

Chuyện học online: Thách thức khi ứng dụng công nghệ để học đi đôi với hành - 4
Sự kiện "Ngày đăng kiểm" quy tụ hàng nghìn cựu sinh viên Đại học FPT từ khắp nơi trên toàn thế giới.

Tăng cường hoạt động tuyển sinh Online nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào

Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, trường Đại học FPT đã tăng cường hoạt động tuyển sinh online nhưng vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.

Năm 2021, ĐH FPT sớm công bố các phương thức xét tuyển: xét tuyển theo điểm học bạ và theo điểm thi THPT. Đại học FPT tiếp tục áp dụng công cụ xếp hạng học sinh THPT - SchoolRank trong tuyển sinh. Tức là, chỉ các thí sinh tra cứu thứ hạng SchoolRank tại địa chỉ https://schoolrank.fpt.edu.vn/, và nằm trong Top 50 học sinh có năng lực học tập THPT tốt nhất mới được tham dự xét tuyển vào ĐH FPT.

Chuyện học online: Thách thức khi ứng dụng công nghệ để học đi đôi với hành - 5
Giao diện trang xếp hạng học sinh THPT Schoolrank.

Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ thí sinh nhập học đều được thực hiện trực tuyến như nộp hồ sơ online, xác nhận nhập học online. Các đường dây nóng và kênh online như Facebook, Website… đều hoạt động 24/7 để hỗ trợ kịp thời cho thí sinh. Trường Đại học FPT sẽ cho thí sinh nhập học đến ngày 20/9/2021, thí sinh và phụ huynh có thể gọi số hotline 024 7300 5588 để được hỗ trợ.