Chuyên gia nước ngoài góp ý đổi mới căn bản toàn diện giáo dục

(Dân trí) - Chiều 27/6, tại Bộ GD&ĐT - cơ quan Thường trực của Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã diễn ra Hội thảo “Một số giải pháp đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29/NQ-TW”. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực chủ trì hội thảo.


Các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo

Các chuyên gia quốc tế tham dự hội thảo

Tham dự hội thảo có Lãnh đạo một số tỉnh, Lãnh đạo một số Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh/ thành phố; đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ, một số nhà khoa học, các chuyên gia đến các từ quốc gia có nền giáo dục phát triển: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và đại diện Microsoft tại Việt Nam.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ lớn trước mắt và lâu dài với rất nhiều việc phải làm. Bộ GD&ĐT đã rà soát và lựa chọn 8 nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất cốt lõi để triển khai trong thời gian tới, đó là: Rà soát lại mạng lưới cơ sở giáo dục trong cả nước; đào tạo và phát triển đội ngũ giáo viên và quản lý đào tạo đạt chuẩn; phân luồng học sinh THCS; tập trung chỉ đạo tự chủ đại học gắn với tự giải trình; nâng cao chất lượng đào tạo tiếng Anh, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập; đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục và đào tạo; lựa chọn một số ngành, chuyên ngành địa phương đang cần, đất nước đang cần để đào tạo trước.

Các chuyên gia đến từ các nước Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore với sự hỗ trợ của Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC đã chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển giáo dục, đào tạo tại mỗi quốc gia và đề xuất các giải pháp nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.

Chuyên gia đến từ Đài Loan tập trung vào một số giải pháp như tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế; đổi mới chương trình, giáo trình và xây dựng sách giáo khoa điện tử E-BOOK; xây dựng xã hội học tập; huy động mọi nguồn lực cho phát triển giáo dục; hợp tác giao lưu quốc tế trong giáo dục; phân quyền quản lý giáo dục để nâng cao trách nhiệm và quyền tự quyết; đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá.

Chuyên gia đến từ Hàn Quốc lại tiếp cận góc độ tập trung vào các khuyến nghị trong việc đào tạo ngoại ngữ, cụ thể là bộ môn tiếng Anh và đào tạo từ xa thông qua kết nối đa phương tiện.

Đại diện đến từ Đài Truyền hình NHK Nhật Bản chia sẻ tại hội thảo những kinh nghiệm trong ứng dụng truyền hình giáo dục vào các trường học thông minh tiên tiến tại Việt Nam. Từ thực tiễn trong xây dựng hệ thống trường thông minh và trường chuyên tại Singapore, chuyên gia Casper Lua đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cho hệ thống trường học thông minh và trường chuyên tại Việt Nam.

Đại diện Microsoft Việt Nam đã đưa ra hiện trạng phổ biến trong ứng dụng công nghệ thông tin ở Việt Nam hiện nay như sự không đồng bộ của các thiết bị, hệ thống quản lý còn rời rạc, thiếu tương tác; giáo viên và nhân viên IT tốn quá nhiều thời gian trong quản lý và bảo trì phòng máy; trình độ công nghệ thông tin của nhân viên, giáo viên và học sinh, sinh viên chưa được chuẩn hóa; internet và công cụ công nghệ phục vụ nhiều cho mục đích giải trí hơn mục đích học tập. Từ đó, đại diện Microsoft đã đưa ra một số đề xuất nhằm đổi mới quản lý giáo dục, đào tạo, kiểm tra, đánh giá thông qua công nghệ thông tin.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại hội thảo

Ngay tại hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đặt hàng Microsoft Việt Nam thiết kế giúp cho Việt Nam một bộ giáo án điện tử và hệ thống kiểm tra, đánh giá bằng công nghệ thông tin nhằm giảm bớt gánh nặng sổ sách cho giáo viên, hỗ trợ cho việc triển khai Thông tư 30 trong cả nước.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đánh giá cao sự tâm huyết của các chuyên gia quốc tế đối với giáo dục Việt Nam và sự quan tâm của Lãnh đạo các địa phương để cùng chung tay đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bộ trưởng mong muốn, sau hội thảo, các nhóm chuyên gia sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện đổi mới, các địa phương cũng sẽ có những đề xuất triển khai để quá trình đổi mới sẽ cập ngay từ đầu năm học mới tới đây.

Khang Thu