Chuyện du học từ Đài Loan tới New Zealand của nghiên cứu sinh Tiến sĩ Việt
(Dân trí) - Cuộc sống du học ở Đài Loan bắt buộc Hồng Phấn thoát khỏi vòng an toàn. Đó là bước đệm để cô vươn tới một dấu mốc mới, trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ tại ĐH Victoria Wellington, New Zealand.
Hồng Phấn - Nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành Vật lý - Trường Đại học Victoria University of Wellington chia sẻ hành trình du học với nhiều trải nghiệm khóc cười, trưởng thành, bứt phá khó quên của bản thân cô...
Đã gần 5 năm kể từ ngày mình xách ba lô đi Đài Loan du học - đó là hành trình làm thay đổi cả cuộc đời của mình cho tới bây giờ, hành trình đó thực sự thú vị và nhiều trải nghiệm. Mình muốn chia sẻ vì sao hành trình du học Đài Loan của mình lại thay đổi mình đến thế. Mình sẽ chia sẻ lần lượt từ học tập, cuộc sống, làm thêm và du lịch ở Đài Loan của mình.
Phải nói đi học Đài Loan mà mình một chữ tiếng Trung không biết, cuộc sống vất vả từ đây. Đi du học thì phải nói về chuyện học đầu tiên rồi, mà trời ơi, mình không thể tưởng tượng được là đời mình nó khốn đốn đến thế là cùng. Này nhé, ngày đầu tiên vô trường - Đại Học Quốc Gia Chung Hsing, so với mấy trường ở Việt Nam thì trường mình nó "to chà bá" luôn.
Mình muốn vào văn phòng giáo sư để chào hỏi, mà đi hỏi cùng đường khắp lối mà không ai biết… thực tế là họ không biết tiếng Anh nên chỉ tùm lum, cuối cùng mình đi lạc nguyên ngày. Rồi kết quả mình phải lên văn phòng hỗ trợ sinh viên quốc tế để họ dẫn đi tìm.
Rồi vào nhập học, tin được không? Có một mình mình là sinh viên quốc tế, còn lại là sinh viên bản địa hết. Tất cả đồng ý dạy bằng tiếng Trung, còn mình thì sao? Có biết chữ tiếng Trung nào đâu. Duy nhất chỉ có một thầy là dạy 50/50 tiếng Trung và tiếng Anh, còn lại tiếng Trung hết, chỉ có slide bài giảng là bằng tiếng Anh thôi, mà mình học trái ngành (từ điện tử chuyển sang y sinh) nên có đọc tiếng Anh cũng chẳng hiểu cái gì. Mình bắt đầu hoảng loạn vì nghĩ về kì thi sắp tới.
Còn nữa, chương trình của mình học là 2 năm nhưng giáo sư bắt mình học hết tất cả môn học trong 1 năm, còn năm cuối chỉ để làm thí nghiệm thôi. Mà học nhiều thì mình sợ kết quả sẽ thấp, vì kết quả thi kì này sẽ quyết định học bổng cho năm sau của mình. Có môn đến ngày nộp báo cáo cuối kì mà mình không biết luôn… do thầy quên dịch vì thầy toàn nói tiếng Trung nên đâu có nhớ là có một đứa không biết chữ tiếng Trung nào đang ngồi ở dưới.
Ah, kể vui, lúc mình học ở Đài Loan, mình có thêm tên tiếng Trung nữa, nhưng thầy gọi tên lên phát biểu thì mình ngồi đơ như trời trồng ở dưới vì không biết đó là tên mình. Lần sau thầy biết ý rồi thì lấy cây bút chỉ "tên mày đây nè" mỗi khi thầy đưa danh sách thuyết trình.
Và 1 tháng trước khi bắt đầu thi cuối kì, mình "đóng quân" ở thư viện, sáng cắp sách lên thư viện, mang theo hộp cơm, trưa vào toilet ngồi ăn (vì thư viện không cho mang đồ ăn vào), chuẩn bị trà, cà phê các loại, học đến khuya mới về. Mình cố gắng dịch hiểu tất cả các slide bài giảng. Thi bằng tiếng Anh đã khó mà còn ra đề đóng nữa thì đúng là vượt quá khả năng của mình. Nhưng không còn đường lui nữa, phải học để có học bổng của trường.
Hồi mình còn học đại học, điểm tổng kết của mình quá thấp nên mình rất khó khăn trong việc xin học bổng, cho nên mình tự hứa với lòng rằng, mình sẽ sửa chữa sai lầm. Cũng như đã hứa với giáo sư của mình lúc mình xin học bổng "hãy cho em một cơ hội, em sẽ cố gắng hết mình". Và cuối cùng mình đã đạt được kết quả như mong đợi, kết quả mình xếp thứ 2 trong bộ môn, và là 1 trong 10 sinh viên cao học được nhận học bổng trường năm đó. Bao nhiêu ngày tháng "cày bừa" trên thư viện đã có kết quả.
Rồi sau học kì đầu tiên, mình không phải lo lắng nhiều nữa vì trường đã xác nhận cấp học bổng cho năm sau và giáo sư mình cũng đồng ý giữ khoản tiền hỗ trợ từ dự án cho mình nên mình nhận tiền từ 2 nguồn luôn và có thêm tiền để ăn chơi.
Mình bắt đầu vô phòng thí nghiệm (lab) để tập làm thí nghiệm với các bạn.
Mình thuộc kiểu người xuề xòa, cẩu thả, mà thí nghiệm y sinh thì đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận, nên mình toàn bị sai hoài và ăn mắng rất nhiều. Mình nuôi cấy tế bào, mình làm sai, không những tế bào của mình chết mà còn làm cho mẫu tế bào của mấy bạn trong phòng thí nghiệm chết theo hết!
Bị tụi bạn trong thí nghiệm cảnh cáo hoài rồi riết mình bị ám ảnh. Có những ngày mình rửa tay chắc hơn 20 lần có, lúc nào cũng cảm thấy tay mình bị dơ vì bị ám ảnh với mấy con tế bào đó (dù mang bao tay), hoặc sợ tay mình bị bẩn nên làm cho nó chết. Nói tóm lại là trên bàn mình luôn có chai cồn để rửa tay và mình rửa liên tục.
Làm thí nghiệm cực kì gian nan, mình nhiều hôm phải làm đến 2h sáng chạy mẫu để có kết quả báo cáo với giáo sư. Có khi mang theo túi ngủ, ngủ lại trong phóng thí nghiệm để làm, lúc đang ngủ để đợi mẫu thì chuông báo thức reo phải thức dậy làm bước tiếp theo của thí nghiệm, rồi trong thời gian đợi thì đi ngủ tiếp. Cho đến cuối cùng thì mình bị ám ảnh với tiếng đồng hồ báo thức (đồng hồ mình dùng để hẹn giờ chạy mẫu trong phòng thí nghiệm).
Mình với con bé ở chung phòng kí túc xá mà có khi cả tháng không gặp mặt nhau, sáng nó còn ngủ thì mình phải thức dậy sớm để đi làm thêm, lúc tối nó ngủ thì mình còn chưa về. Cuộc sống sáng đi tới sáng hôm sau mới về, cứ thế trôi qua suốt gần 2 năm. Giờ nghĩ lại sao mà thời gian đó mình trâu bò đến vậy - chứ giờ mà thức đêm kiểu đó chừng vài ngày là kiệt sức luôn.
Cuộc sống du học ở Đài Loan bắt buộc mình phải thoát khỏi vòng an toàn của mình và đẩy bản thân mình đến cái giới hạn mà mình chưa nào ngờ tới. Sau 2 năm học tập và làm thí nghiệm ở Đài Loan thì mình cũng tích lũy kha khá kinh nghiệm và có một số thành tích nhất định. Những điều khó khăn mà mình trải qua cũng là bước đệm để mình vươn tới một đích đến mới cao hơn - New Zealand.
Có bạn từng hỏi mình là chọn trường nào thì tốt? Với mình thì trường nào không quan trọng bằng bạn học như thế nào khi ở trong ngôi trường đó. Trường mình phát triển mạnh về nông nghiệp - đứng thứ 1 ở Đài Loan, còn ngành mình học thì không mấy nổi tiếng so với những trường khác nhưng mình vẫn có cơ hội xin học bổng tiếp ở New Zealand. Cho nên hãy cố gắng hết sức với lựa chọn của mình, nếu bạn chỉ học làng nhàng cho qua rồi thì tương lai tiếp theo của bạn cũng không có gì nổi trội để thuyết phục người khác cho bạn học bổng đi học tiếp.
Hãy cố gắng theo đuổi giấc mơ du học nhé. Bạn không chỉ khám phá một vùng đất mới, nền giáo dục và văn hóa mới, nhưng quan trọng hơn - bạn khám phá chính bản thân mình.