Chuyển đổi trường ĐH dân lập sang tư thục
(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục.
Theo dự thảo, khi thực hiện chuyển đổi, các trường sẽ kiểm toán tài chính, định giá tài sản, thời điểm kiểm toán là thời điểm lập báo cáo tài chính quý, hoặc năm gần nhất, do Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quyết định, nhưng không quá 1 năm trước khi trình Bộ GD-ĐT xem xét hồ sơ chuyển đổi. Báo cáo kiểm toán phải được niêm yết công khai, đảm bảo thuận tiện cho người góp vốn, giảng viên cơ hữu và người lao động của nhà trường theo dõi và giám sát...
Ngoài việc kiểm toán, dự thảo yêu cầu các trường xử lý tiền vốn, tài sản, đất đai của trường dân lập khi chuyển sang trường tư thục. Tiền và tài sản do biếu, tặng hoặc cấp phát và tài sản được hình thành từ kết quả hoạt động của trường dân lập là tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia. Giá trị tài sản sở hữu chung hợp nhất không phân chia này được chuyển thành vốn sở hữu chung hợp nhất không phân chia của trường tư thục. Vốn sở hữu chung hợp nhất không phân chia không được rút ra khỏi nguồn vốn hoạt động của trường tư thục.
Quyền lợi của tổ chức xin thành lập trường, cá nhân có công trong việc thành lập, xây dựng trường dân lập và thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm. Các cá nhân có công trong việc thành lập và xây dựng trường, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường dân lập chưa góp vốn được ưu tiên góp vốn để trở thành cổ đông của trường tư thục. Tổ chức xin thành lập trường, các cá nhân có công trong việc thành lập và xây dựng trường, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường dân lập trước đây đã góp vốn nhưng đã chuyển nhượng hết phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác thì không được hưởng quyền ưu tiên góp vốn.
Về xác định vốn điều lệ và huy động vốn điều lệ tăng thêm cho trường đại học tư thục, Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quyết định công nhận đối với số vốn điều lệ, giá trị mỗi cổ phần, số lượng cổ phần của trường tư thục khi chuyển đổi từ trường dân lập.
Đối với việc xác định Hội đồng quản trị nhiệm kỳ đầu tiên của trường tư thục, Hiệu trưởng trường đại học dân lập tổ chức để giảng viên cơ hữu của trường dân lập bầu thành viên đại diện cho giảng viên cơ hữu trong Hội đồng quản trị trường tư thục. Cơ chế bầu thành viên tại điểm này theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết theo đa số.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển đổi loại hình trường, Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, kế toán trưởng của trường dân lập có trách nhiệm bàn giao cho Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, kế toán trưởng của trường tư thục...
Theo dự thảo, quá trình chuyển đổi phải đảm bảo hoạt động bình thường của nhà trường; không gây khó khăn cho người học của nhà trường; đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động của nhà trường, của các cá nhân và tổ chức có liên quan.
Hồng Hạnh