Chuyển đổi mô hình giáo dục: Xu hướng của thế kỉ 21

Ngày 15/4, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo quốc tế về “Chuyển đổi mô hình giáo dục trong thế kỉ 21” do Hệ thống giáo dục Vinschool tổ chức. Với sự tham gia của các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giáo dục Việt Nam và quốc tế, hội thảo mang đến góc nhìn đa dạng về các xu hướng trong đổi mới giáo dục.

Đề cập những chủ điểm “nóng” trong giáo dục hiện nay như: “Đổi mới phương pháp giáo dục và giáo viên trong vai trò nhân tố tạo sự thay đổi”; “Sự phát triển toàn diện trong môi trường giáo dục”; “Phát triển và bồi dưỡng kĩ năng - Những bước quan trọng để chuẩn bị nguồn nhân lực toàn cầu hóa”…bên cạnh các giáo sư, chuyên gia uy tín đến từ Việt Nam và các nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Thuỵ Điển, hội thảo đã thu hút sự quan tâm của đại diện các cơ quan Chính phủ, Bộ, Ban ngành, các nhà quản lý giáo dục, các nhà giáo uy tín và các bậc phụ huynh.  

Hội thảo đã đưa ra các đề xuất cụ thể cho giáo dục Việt Nam, tập trung giải quyết bốn bài toán lớn: Chất lượng giáo viên; Chất lượng chương trình; Định hướng đào tạo; Chất lượng đầu ra. Trong đó, các giáo sư, chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo viên - những người đóng vai trò quyết định vào thành công của việc triển khai các chính sách, chương trình đổi mới giáo dục.

Hội thảo quốc tế về chuyển đổi mô hình giáo dục trong thế kỉ 21.
Hội thảo quốc tế về chuyển đổi mô hình giáo dục trong thế kỉ 21.

Hội thảo cũng thống nhất quan điểm, đổi mới giáo dục cần hướng tới nâng cao chất lượng đầu ra, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Đây chính là quá trình chuyển đổi mô hình giáo dục từ tập trung trang bị kiến thức sang tăng cường năng lực tư duy, khả năng tự học, tự nghiên cứu, kỹ năng tìm kiếm thông tin và giải quyết vấn đề cho người học.

Đổi mới giáo dục không chỉ là mối quan tâm lớn của Việt Nam - một đất nước đang phát triển, có nhu cầu cấp thiết về nâng cao năng suất lao động, mà còn là vấn đề có quy mô toàn cầu. Do đó, các tham luận từ những khách mời quốc tế đặc biệt thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Các diễn giả đã chia sẻ quá trình thay đổi phương pháp giáo dục nhìn từ kinh nghiệm Mỹ, Singapore, Canada, Anh; những gợi ý trong đào tạo nguồn nhân lực toàn cầu hoá từ kinh nghiệm Nhật Bản hay những bài học kinh nghiệm, những phương pháp đang được áp dụng thành công và hiệu quả trên thế giới…

Vấn đề phát triển toàn diện trong môi trường giáo dục cũng là một điểm nhấn tại buổi hội thảo. Đó là quan điểm về ứng dụng nghệ thuật trong nâng cao năng lực học tập cho học sinh như cải thiện khả năng Ngôn ngữ và Toán học, khả năng giải quyết vấn đề, cân bằng cuộc sống và hạnh phúc hơn, đặc biệt là tăng cường tư duy sáng tạo.

Có thể thấy, hội nhập quốc tế là vấn đề mà tất cả các quốc gia phải chú trọng đầu tư vào giáo dục - con đường bền vững nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá. Do vậy, những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ Hội thảo không chỉ liên quan tới việc xây dựng chính sách giáo dục vĩ mô mà còn đi sâu vào từng phương pháp dạy học hiệu quả, gắn liền với lợi ích từng học sinh như: Học tiếng Anh để hội nhập quốc tế; Dinh dưỡng học đường và Giáo dục thể chất; Ứng dụng công nghệ trong đổi mới phương pháp giáo dục…
 
 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm