Chuyện bơi lội vào đề thi môn Ngoại ngữ
(Dân trí) - Chiều 1/7, thí sinh làm bài thi môn Ngoại ngữ. Theo đánh giá của nhiều thí sinh, đề thi Ngoại ngữ năm nay có cấu trúc không khác so với năm ngoái. Tuy nhiên, có nhiều câu “mẹo” nên thí sinh dễ nhầm lẫn giữa các đáp án.
Dễ nhầm lẫn đáp án
Ghi nhận của PV Dân trí tại một số điểm thi của Hà Nội, thí sinh không ra sớm như môn Toán sáng nay. Đánh giá về đề thi, nhiều học sinh cho biết, đề thi có tính phân loại cao nên có một số câu khó, thí sinh chỉ đánh “bừa” nhưng không biết đúng hay sai.
Theo một thí sinh là học sinh Trường THPT Newton (Hà Nội), đề thi Ngoại ngữ năm nay phù hợp với học sinh THPT bởi có cả kiến thức dành cho học sinh bình thường và cho cả học sinh khá, giỏi.
Với thời gian 90 phút, em “nhắm mắt” đánh bừa một số câu khó ở phần cuối và không biết kết quả ra sao. “Các bạn trong phòng em thấy cặm cụi làm bài, không ai trao đổi được gì vì giám thị coi thi rất chặt”, thí sinh này cho biết.
Với tâm trạng khá thoải mái, thí sinh Nguyễn Hồng Hạnh (học sinh Trường THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội) nhận xét, đề thi khá phù hợp với học sinh, trong đó, khoảng 60% câu hỏi dễ. Còn lại, 40% đề khá khó. Bản thân em cũng làm được khoảng 70%.
“Mặt bằng các câu hỏi không quá khó. Tuy nhiên, có một số câu hỏi cuối, chẳng hạn như hỏi yêu cầu viết lại câu hoặc câu đọc hiểu, khá khó để phân loại học sinh”, Hồng Hạnh cho hay.
Thí sinh Nguyễn Phúc Thùy Giang (học sinh Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết, em làm hết toàn bộ đề thi và thừa một chút thời gian để soát lại bài. Cấu trúc đề thi năm nay rất giống với đề thi Ngoại ngữ năm 2015 mà em tham khảo trước đó trên mạng. Do em là học sinh ban D của Trường THPT Chu Văn An nên đề thi này không quá vất vả đối vơi em.
“Đề phân hóa khá rõ. Trong đó, khoảng 50- 60% kiến thức dành cho học sinh bình thường. Số còn lại, em thấy khá khó. Nếu học chắc thì không sao, nếu không, có một số câu hỏi đố “mẹo” khiến học sinh có thể bị nhầm lẫn giữa các đáp án”, Thùy Giang cho biết.
Sau kì thi này, Thùy Giang cho biết, em muốn xét tuyển vào Khoa Quản trị kinh doanh- ĐH Kinh tế Quốc dân hoặc ĐH Hà Nội.
Học sinh ban A và D vất vả mới hoàn thành đề thi
Chia sẻ với PV Dân trí ngay sau buổi thi môn Ngoại ngữ, thầy Nguyễn Sơn - giáo viên Ngoại ngữ (Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết, cấu trúc đề thi không khác so với năm 2015.
Đề thi có 2 phần: trắc nghiệm (8 đ) và tự luận ( 2 đ). Đề khó hơn và có tính phân loại cao hơn năm 2015. Riêng phần viết lại câu, theo thầy Sơn, khá khó đối với thí sinh ban A và C.
Phần đọc hiểu xoay quanh các chủ đề thiên tai, dinh dưỡng và xã hội học với lượng từ vựng lớn, có tính phân loại cao.
Phần viết lại câu cũng có 1 số câu làm khó thí sinh, phần viết đoạn văn hỏi về vấn đề thời sự: lợi ích của việc biết bơi (có đưa ra 3 gợi ý) nhưng thí sinh phải nắm chắc kiến thức thì mới làm tốt bài viết.
Đặc biệt, ở câu 20, đề 168, thí sinh khá thú vị vì khi đề thi đưa nội dung thời sự như chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama sang Việt Nam và một số vấn đề khác.
Nhận xét chung về đề thi Ngoại ngữ năm nay, thầy Sơn cho biết, đề thi đáp ứng được 2 tiêu chí: xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ. Phổ điểm chủ yếu từ 5-7 sẽ chiếm ưu thế. Học sinh trung bình chỉ đạt khoảng 4 điểm. Phổ điểm 8 sẽ khá nhiều và ít thí sinh đạt điểm 9 -10.
Với đề thi này, các thí sinh không thuộc ban A1 và D rất vất vả hoàn thành bài thi.
Mỹ Hà