Chuyện ăn bán trú của trẻ ngày giá rét

(Dân trí) - Làm thế nào để bữa ăn của trẻ nóng sốt, đảm bảo đủ chất…nhưng vẫn hợp vệ sinh trong những ngày rét là điều mà nhiều trường tiểu học ở Hà Nội trăn trở. Không ít giải pháp được đưa ra trong đó có cả việc huy động toàn bộ GV vào…bếp.

Hiện nay trên địa bàn thủ đô, phần lớn các trường tiểu học đều tổ chức học 2 buổi/ngày nên dịch vụ bán trú được mở ra khá phổ biến. Số lượng học sinh (HS) ăn bán trú chiếm khoảng 80-90%, chỉ một số ít các em gần nhà nên về nhà ăn. Với số lượng HS tham gia ăn bán trú lớn như vậy nên việc bố trí suất ăn nóng sốt trong những ngày giá rét như thế này không phải là chuyện đơn giản.

Với số lượng đội ngũ nhà bếp và nhân viên phục vụ từ 15-20 người nên để điều hành quản lý hàng trăm trẻ vào ăn cũng một lúc với điều kiện là phải nóng sốt nên không khác gì là trò “đánh đố”. Chính vì thế để khắc phục trong giai đoạn này, Ban giám hiệu của không ít trường yêu cầu tổng lực giáo viên (GV) xung phong vào bếp để làm nhiệm vụ chia cơm, chia thức ăn cho trẻ với phương châm: “Rút ngắn thời gian thực hiện thao tác này ở mức tối đa”.

Lo nấu bếp và canh… đồng hồ

Cô Phạm Thị Yến - hiệu trưởng Trường tiểu học Thành Công B tâm sự: “Việc chăm sóc trẻ phụ thuộc vào rất nhiều khâu. Ngay khi bước vào mùa đông nhà trường đã phải kiểm tra lại hệ thống chăn chiếu, cửa sổ, điều hòa… Với những ngày rét như thế này thì hàng ngày phải kiểm tra, nếu phát hiện ra có sự cố thì phải phải sửa chữa, thay thế ngay chứ không chờ đợi ngân sách. Đối với việc ăn bán trú thì với việc trời chuyển sang mùa rét phải lên thực đơn phù hợp, đảm bảo chất dinh dưỡng…”.

Cô Yến cũng cho biết, trước đây khi dùng đồ nhựa để đựng thức ăn cho trẻ thì thời gian giữ nhiệt được lâu hơn nhưng không đảm bảo an toàn nên nhà trường đã chuyển sang dùng đồ inox. Do khả năng mất nhiệt nhanh nên mọi khâu từ nấu đến việc chia suất ăn cho trẻ phải tuân thủ thời gian nghiêm ngặt.
 
Chuyện ăn bán trú của trẻ ngày giá rét  - 1

Tất bật chia khẩu phần ăn cho trẻ để đảm bảo làm sao vừa chia xong là trẻ ngồi vào bàn ăn.

Thông thường các trường tiểu học ở Hà Nội tan ca học sáng vào 11 giờ nên các đầu bếp phải “căn” đồng hồ để làm sao hoàn thành được vào lúc khoảng 10h30 phút. Sau đó chuẩn bị mọi khâu như kê bàn ghế, chuẩn bị bát đĩa… và đến 10h50' thì phải hoàn tất mọi mặt. Trong thời gian này thức ăn vẫn phải được giữ ấm trong các dụng cụ đậy kín hoặc bỏ vào tủ giữ nhiệt.

Đối với các trường bố trí cho trẻ ăn tại lớp thì GV lại tất bật xuống cùng với cấp dưỡng để đưa lên còn nhưng nơi có điều kiện thì cho trẻ xuống phòng ăn.

Một đầu bếp chia sẻ: “Những ngày rét như thế này chúng tôi vất vả hơn rất nhiều bởi ngoài nhiệm vụ nấu đảm bảo hợp vệ sinh còn phải để ý căn chỉnh làm sao cho thức ăn phải nóng khi trẻ dùng bữa. Nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng và tập trung cao độ thì rất khó để thực hiện được”.
  
Cũng vì coi nhiệm vụ chăm sóc bữa ăn cho trẻ lên hàng đầu mà Trường tiểu học Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội) thuê trọn gói một công ty chuyên nấu ăn đến phục vụ. Hàng ngày công ty đánh xe ô tô trở thức ăn và vào bếp chế biến tuân thủ theo thời gian mà nhà trường “đặt hàng”.

“Những ngày như thế này trường phải huy động toàn bộ GV tham gia vào công tác bố trí bữa ăn cho trẻ ít nhất là 30 phút. Sau đó những GV nào mà không tham gia vào công tác làm bán trú mới được về. Với số lượng lớp là 36 mà còn đến 80 người tham gia phục vụ các em” - cô Nguyễn Thị Vân Anh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết.

GV vất vả nhưng thù lao thấp

Do điều kiện cơ sở vật chất mỗi trường khác nhau nên cách thức thực hiện cho trẻ ăn cũng muôn màu muôn vẻ. Chẳng hạn như ở Trường tiểu học Hoàng Diệu thì cho HS ăn tại lớp còn ở Trường Thành Công B thì lại bố trí cho HS lớp nhỏ ăn ở nhà ăn còn HS lớp lớn ăn ở tại lớp.
 
Việc cho trẻ ăn ở lớp có những lợi thế nhất định bởi một GV chỉ quản 35-40 em. Chỉ cần có người vận chuyển thức ăn, cơm, canh… lên đến nơi thì mỗi lớp chỉ cần 1-2 GV chia khẩu phần cho trẻ là tương đối đáp ứng được. Tuy nhiên có chứng kiến cảnh phục vụ ăn cho trẻ ở nhà ăn mới thấy sự choáng ngợp.
Chuyện ăn bán trú của trẻ ngày giá rét  - 2

Việc bố trí cho trẻ ăn tại lớp thì chỉ cần 1-2 GV là có thể đáp ứng được.

Ở Trường Thành Công B đúng 11h giờ trẻ ùa vào nhà ăn như “ong vỡ tổ”. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng từ trường nhưng đôi lúc đội ngũ phục vụ cũng lâm vào thế bị động. Có trẻ vừa sà vào bàn ăn đã ăn cơm ngay trong khi thức ăn còn chưa đến, hay có trẻ có thói quen cho canh vào cơm để ăn nên nếu không để ý sẽ làm cơm bị trương lên. Chính vì thế GV lại tất bật bắt tay cùng với đội ngũ nhà bếp cầm lấy từng khay thức ăn chia cho trẻ.
 
Chuyện ăn bán trú của trẻ ngày giá rét  - 3

Ở nhà ăn với số lượng trẻ đông như thế này thì phục vụ không phải là dễ dàng.

Có chứng kiến cảnh GV chạy lên rồi lại chạy xuống sau đó lại giám sát động viên trẻ ăn hết phần của mình mới thấy họ tâm huyết với nghề như thế nào. Trời mặc dù lạnh, giá rét nhưng GV lại toát mồ hôi thậm chí có người thở dốc vì vận động “quá đà” nhưng họ vẫn rất vui.

Khi được tôi hỏi là chúng ta có thể bố trí khẩu phần ăn ở mỗi bàn để HS tự “đạo diễn” được hay không thì cô hiệu trưởng Yến tươi cười tâm sự: “Khó lắm nhà báo ạ. Trước đây nhà trường cũng đã từng thực hiện nhưng sau đó lại bỏ. Bởi nếu làm như vậy những trẻ lười ăn sẽ bỏ bê bữa, việc chia suất ăn cho trẻ ngoài việc đảm bảo về định lượng chất dinh dưỡng thì cũng là nhiệm vụ để HS phải hoàn thành”.
 
Chuyện ăn bán trú của trẻ ngày giá rét  - 4

Giáo viên tất tả làm công việc chia thức ăn sau đó lại đi động viên để HS ăn hết suất.

Công tác phụ vụ bán trú vất vả như vậy nhưng mức thù lao cho GV rất thấp (chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng/tháng - PV). Tuy nhiên để được mức thu nhập như vậy thì nhà trường cũng phải bố trí rất hợp lý. “Mức tiền chi cho dịch vụ bán trú là cố định, chính vì thế muốn cho GV có thu nhập ở mức chấp nhận được thì phải bố trí số lượng tham gia vừa phải. Chẳng hạn như ở trường Hoàng Diệu thì bình quân 1,5 GV cho một lớp” - cô Nguyễn Thị Vân Anh tiết lộ.

Nguyễn Hùng