Chương trình tiếng Anh phổ thông mới: “Mở” đến đâu là vừa phải?

(Dân trí) - Tại hội thảo “Dạy và học tiếng Anh tiểu học trong chương trình giáo dục phổ thông mới” được tổ chức sáng 16/3 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kì vọng, những cải tiến trong chương trình mới sẽ giúp môn tiếng Anh không còn là nỗi sợ hãi của học sinh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là sự không ăn khớp giữa chính sách và thực tiễn trong quá trình thực hiện.

4 cải tiến so với chương trình cũ

Theo GS TS Hoàng Văn Vân - chủ biên chương trình tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới, tiếng Anh là môn học bắt buộc được dạy từ lớp 3 đến lớp 12, được phân bổ thời lượng 4 tiết/ 1 tuần. Chương trình lấy năng lực giao tiếp làm mục tiêu, kiến thức ngôn ngữ làm phương tiện để hình thành các kĩ năng giao tiếp.

Cụ thể, một số chuyên gia cho rằng, ở chương trình tiếng Anh mới có nhiều cải tiến hơn so với chương trình cũ.

Cụ thể, chương trình mới chú trọng giao tiếp và phát triển bốn kĩ năng: Theo đó, mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp tiếng Anh của học sinh; Xác định và nhấn mạnh hai kĩ năng nghe nói, cũng là xác định dạy ngôn ngữ thuận tự nhiên, giúp các em học sinh tiếp cận ngôn ngữ mới từ dễ đến khó, giúp việc tiếp thu và bối dưỡng dễ dàng đạt kết quả hơn.

Chương trình đồng tâm xoắn ốc: Chương trình đồng tâm xoắn ốc không phải là một điểm hoàn toàn mới nhưng điểm khác biệt của bộ môn đưa ra, đó là 4 chủ đề xuyên suốt mỗi cấp học. Các chủ đề liên quan chặt chẽ với nhau và được thiết kế lặp lại có mở rộng qua các năm học.

Chương trình tiếng Anh phổ thông mới: “Mở” đến đâu là vừa phải? - 1

GS TS Hoàng Văn Vân - chủ biên chương trình tiếng Anh trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bốn chủ đề ở mỗi cấp học được chia đều cho hai học kỳ. Tên gọi của các chủ đề được thay đổi theo cấp học nhằm đáp ứng nhu cầu, mối quan tâm, hứng thú của học sinh theo đặc điểm lứa tuổi cũng như yêu cầu hình thành và phát triển các phẩm chất, năng lực cần thiết cho học sinh.

Nội dung mở, linh hoạt: Một trong những quan điểm xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh là “đảm bảo tính linh hoạt, mềm dẻo và tính mở nhằm đáp ứng nhu cầu và phù hợp với điều kiện dạy học tiếng Anh đa dạng ở các địa phương”.

Điều này được thể hiện qua việc Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra 4 chủ đề bắt buộc, còn hệ thống các chủ điểm cụ thể trong bản Dự thảo dành cho các cấp học chỉ là “gợi ý”.

Người biên soạn tài liệu dạy học và giáo viên có thể thay đổi, điều chỉnh, bổ sung các chủ điểm sao cho phù hợp với chủ đề, đáp ứng nhu cầu, sở thích và khả năng học tập của học sinh để đạt được các mục tiêu đề ra trong chương trình.

Để nâng cao hiệu quả dạy học, bên cạnh việc phối hợp các phương pháp dạy học, giáo viên cũng nên sử dụng hiệu quả các đồ dùng, thiết bị dạy học hiện đại trong quá trình dạy học, hướng dẫn học sinh sử dụng đồng bộ các tài liệu và phương tiện học tập như sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, học liệu điện tử, thiết bị nghe nhìn, công nghệ thông tin và truyền thông…

Thứ tư, tạo “thái độ tích cực” với “công cụ giao tiếp quốc tế”: Điều này hạn chế và khắc phục tình trạng người học có chuyên môn nhưng hạn chế về giao tiếp tiếng Anh. Nguyên nhân do chương trình dạy học cũ tiếp cận “ngược”, chú trọng ngữ pháp và kĩ năng đọc viết, dẫn tới những cử nhân “câm điếc”.

Chương trình tiếng Anh phổ thông mới: “Mở” đến đâu là vừa phải? - 2

Để nâng cao hiệu quả dạy học, bên cạnh việc phối hợp các phương pháp dạy học, giáo viên cũng nên sử dụng hiệu quả các đồ dùng, thiết bị dạy học hiện đại  (Ảnh: Minh họa). 

Không phải “mở” giáo trình mà “mở” cách dạy

Chia sẻ tại hội thảo, ông Phạm Thành Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Ninh Bình cho biết, hàng năm địa phương này xếp thứ 3, thứ 4 toàn quốc về thành tích học tập.

Tuy nhiên, với môn tiếng Anh thì xếp thứ 33 toàn quốc. “Chúng tôi đã tổ chức rất nhiều hội nghị, gần như sôi sùng sục với môn học này. Thế nhưng kết quả cũng không cải thiện được. Giờ tôi mới hiểu, có thể một phần là do việc dạy và học còn nhiều điểm chưa ổn, nhất là kiểu thi một đằng nhưng thầy ra đề một nẻo”, ông Toàn chia sẻ.

Trên cơ sở đó, vị phó giám đốc sở đề xuất cần có cách ra đề như thế nào, mở đến đâu. Chúng ta phải mở nhưng có giới hạn để giáo viên không dạy ngẫu hứng.

Thứ hai theo đại biểu này, do tiếng Anh là môn tự chọn nên các địa phương đang bố trí giáo viên dạy chưa đồng đều. Thậm chí như địa phương ông, do giáo viên ngoại ngữ thường là tại chức nhưng biên chế bị “khóa”, muốn nhận giáo viên mới, có trình độ rất khó. Giải pháp của tỉnh đưa ra là phải kí hợp đồng với các giáo viên mới này để tránh “chảy máu chất xám”.

Đặc biệt ông Toàn đề nghị, nên có nhiều tài liệu để địa phương lựa chọn phù hợp. Tuy nhiên, điều này cũng có cái khó bởi như ông tự nhận xét, bản thân mình phải đứng ra thẩm định tài liệu ở địa phương như ông lại… không biết tiếng Anh.

Chương trình tiếng Anh phổ thông mới: “Mở” đến đâu là vừa phải? - 3

Chất lượng của đào tạo ngoại ngữ không phải ở chương trình mà ở tầng thứ 3, tức thầy cô giáo (Ảnh: Minh họa). 

Tại hội thảo, một số chuyên gia nhận định, với khung chương trình mở, linh hoạt và mềm dẻo, chương trình GDPT mới môn Tiếng Anh ngoài việc đáp ứng nhu cầu và phù hợp điều kiện dạy học ở các địa phương khác nhau, còn mở ra cơ hội, cũng như thách thức cho những người thiết kế chương trình, giáo viên bộ môn khi thiết kế giờ học.

Giáo viên cần hiểu rõ đặc điểm tâm - sinh lý của học sinh ở các cấp học khác nhau, coi học sinh là những chủ thể tích cực tham gia vào quá trình học tập, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh sử dụng ngôn ngữ trong các ngữ cảnh, tình huống có nghĩa, sát với cuộc sống hằng ngày và tham gia vào các hoạt động giao tiếp thông qua nghe, nói, đọc và viết.

Tuy nhiên nhiều người lo ngại, chương trình là vậy, nhưng thực hiện đến đâu mới quan trọng bởi chúng ta hiện đang có khoảng cách rất xa giữa chính sách và thực tiễn.

GS Nguyễn Quốc Hùng (trường ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội), một trong những chuyên gia hàng đầu về giảng dạy môn tiếng Anh cho hay, nhìn tổng quan có thể thấy 3 điểm quan trọng nhất của chương trình phổ thông mới môn tiếng Anh là chiến lược, quản lý và thực hiện.

Chiến lược ở đây là chương trình, quản lý là đưa vào các địa phương ra sao và thực hiện là thầy cô đứng lớp.

Giáo sư Hùng chỉ ra, chất lượng của đào tạo của môn ngoại ngữ không phải ở chương trình mà ở tầng thứ 3, tức thầy cô giáo. “Chất lượng giáo viên của chúng ta hiện chưa tốt, nếu đưa lên Cao Bằng chẳng hạn, liệu có bao nhiêu máy tính, bao nhiêu công nghệ để đáp ứng được? Ở một lớp học, nếu giáo viên giành nói đến 99% thì học sinh làm sao làm trọng tâm? Vấn đề thầy cô có cho học sinh làm trọng tâm hay không”, GS Hùng khẳng định.

Thứ hai, theo GS Hùng, hiện giáo trình của bộ môn này đang quá nặng. Thầy cô giáo chỉ “lướt ván” thì được không? Do đó ông đặt vấn đề, chương trình không thể “mở” mà nên “mở” ở phương pháp dạy trên lớp.

Mỹ Hà

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm