Tiếng Anh phổ thông: “Liệu cơm gắp mắm”
(Dân trí) - Theo một số giáo viên, quy định của Bộ GD&ĐT, sĩ số mỗi lớp từ 35- 40 học sinh, việc dạy học Ngoại ngữ sẽ dễ chịu, có điều kiện cọ xát. Tuy nhiên, với thực trạng hiện nay, khắc phục điều này là “ảo vọng” bởi dân di cư ngày càng đông, các khu chung cư mọc lên ồ ạt.
Học sinh cần tương tác
Chia sẻ với PV Dân trí, cô Lê Thị Chính - nguyên Hiệu trưởng Trường chuyên ngữ, hiện là Hiệu trưởng Trường Quốc tế Newton cho rằng, điều quan trọng hiện nay, giáo viên cần phải đạt chuẩn, sĩ số lớp phải giảm xuống để giờ nào các cháu cũng được thực hành và tranh biện với nhau trong giờ học…
Phải kết hợp đồng bộ rất nhiều cách để tạo nên thành quả cho việc dạy/học Ngoại ngữ ở trường phổ thông.
“Về cơ sở vật chất, tôi cho không đáng ngại bởi phương pháp trường học kết nối hiện đơn giản hơn vì có mạng internet và máy móc. Tuy nhiên, điều khiển nó vẫn là con người nên quan trọng, phải có chương trình và số tiết hợp lý, cách giảng dạy tương thích, giáo viên đảm bảo năng lực mới hiệu quả”, cô Chính nói.
Về phía học sinh, theo hiệu trưởng này, điều các em cần, có chương trình học và giáo trình hấp dẫn để trang bị được các vốn từ phong phú. Các em không chỉ tiếp nhận tiếng Anh như ngôn ngữ mà gồm tất cả những thứ xung quanh mình một cách tự nhiên để khi cần, các em có thể sử dụng.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn Hà Nội cho hay, do thời lượng môn Ngoại ngữ ở trường phổ thông quá ít, chỉ khoảng 3-4 tiết/tuần nên việc dạy/học sẽ rất khó khăn. Chưa kể sĩ số đông, học sinh sẽ không có điều kiện cọ xát, tương tác.
Chia sẻ thêm về điều này, cô T., giáo viên Ngoại ngữ phổ thông ở Hà Nội cho hay, điều đáng mừng là trong Chương trình phổ thông mới môn Ngoại ngữ đã tính đến việc tương tác nhiều hơn.
Cũng như nhiều giáo viên khác, cô kì vọng, các bài học Ngoại ngữ sau này sẽ giảm lượng ngữ pháp để tăng các hoạt động tương tác. Cùng với đó, áp lực sĩ số ở các lớp giảm đi bởi ngoài tương tác với giáo viên, học sinh cần tương tác với nhau để tạo nên phản xạ sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc ghi chép hoặc bài học dày đặc ngữ pháp.
“Liệu cơm gắp mắm”
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Bình, điều đáng mừng trong Chương trình phổ thông mới, các em có hoạt động trải nghiệm để rèn luyện kĩ năng tiếng Anh. Tuy nhiên, cần sớm có lộ trình thực hiện và sau mỗi giai đoạn phải đánh giá cụ thể.
Ông đề xuất, khi những hạn chế bó buộc việc dạy Ngoại ngữ ở trường phổ thông chưa thể khắc phục trong ngày một ngày hai, các trường cần “liệu cơm gắp mắm” để tạo môi trường, giúp học sinh tăng cường cọ xát Ngoại ngữ.
“Tuy nhiên, dường như ở trường công lập, vấn đề này vẫn còn thiếu và chưa được chú trọng”, ông nhận xét.
“Chẳng hạn ở trường chúng tôi, khi tổ chức sự kiện gì đó, đều có một học sinh nói tiếng Việt và một học sinh nói tiếng Anh.
Thứ hai, các bài tập cô giao về nhà, các em có thể sử dụng công nghệ để làm các bài tập và gửi các cô. Hoặc mỗi năm chúng tôi tổ chức 2 chuyến đi dã ngoại để các em “bắt Tây” rất hiệu quả, nhằm rèn luyện kĩ năng nghe nói”, hiệu trưởng này cho biết.
Các trường cần “liệu cơm gắp mắm” để tạo môi trường, giúp học sinh tăng cường cọ xát Ngoại ngữ.
Ông chia sẻ thêm, thời lượng môn tiếng Anh ở trường mình đang ở mức 10 tiết/tuần. Chưa kể, nhà trường tổ chức ngày hội nói tiếng Anh, hoặc trong hoạt động thể thao sẽ mời chuyên gia nói tiếng Anh, giao lưu với các trường Quốc tế… những hoạt động này nhằm rèn luyện các em nói tốt ngôn ngữ thứ 2 ngoài tiếng mẹ đẻ.
Về phía trình độ giáo viên, ông Bình cho hay, theo đánh giá trước đây của Đề án Ngoại ngữ 2020, nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn.
Tuy nhiên ông thừa nhận, nếu làm căng quá, đội ngũ giáo viên sẽ nản. Do đó theo hiệu trưởng này, nên thay đổi từng bước và theo lộ trình dài hơi, sao cho đạt được yêu cầu mục tiêu của giáo dục. Cùng với đó, sớm có các chính sách đi cùng như lương bổng cho giáo viên, phải kiên quyết thực hiện.
Trao đổi về điều này, cô Chính cho rằng, dạo gần đây nhiều người nói đến việc nên tạo điều kiện để học sinh học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ 2. Nếu làm được rất tốt nhưng trong điều kiện hiện nay, ý định này thành hiện thực được hay không là chuyện khác.
“Hiện ở khối trường ngoài công lập đã làm tốt được điều này, chẳng hạn có cả giáo viên trong và ngoài nước, học các môn khoa học tiếng Anh, học Văn hóa bằng tiếng Anh và tạo được môi trường tiếng Anh qua các cuộc thi hùng biện, thuyết trình báo cáo bài tập trải nghiệm, báo cáo khoa học…
Nhưng ở khối trường công lập, nếu số tiết vẫn như vậy, sĩ số vẫn cao như hiện nay và trình độ giáo viên vẫn chưa thay đổi thì không giải quyết được vấn đề và mục tiêu của người học”, cô Chính khẳng định.
Mỹ Hà