Bạn đọc viết:

Chương trình Ngữ Văn mới: Đừng ôm đồm kiến thức!

(Dân trí) - Bên cạnh những hy vọng về sự đổi thay tích cực khi chương trình mới chú trọng phát huy toàn diện năng lực và phẩm chất người học thì một băn khoăn lớn vẫn tồn tại: Chương trình mới có thật sự giảm tải kiến thức?

Dự thảo chương trình môn học phổ thông mới được Bộ GD-ĐT ban hành chiều 19/1 đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh những hy vọng về sự đổi thay tích cực khi chương trình mới chú trọng phát huy toàn diện năng lực và phẩm chất người học thì một băn khoăn lớn vẫn tồn tại: Chương trình mới có thật sự giảm tải kiến thức?

Chỉ tính riêng trong môn Ngữ Văn trung học cơ sở, nhìn vào danh mục thống kê các tác phẩm dự kiến đưa vào chương trình, giáo viên không khỏi nghi ngại khi nhiều tác phẩm từ lớp trên chuyển xuống lớp dưới.

Ví dụ: Văn bản “Chiếc lược ngà”, “Mây và sóng”, “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”, “Viếng lăng Bác”… vốn được học ở lớp 9 nay chuyển xuống lớp 6-7. Học sinh đầu cấp buộc phải cảm nhận những tư tưởng lớn về lòng yêu nước hòa quyện và thống nhất với tình cảm gia đình ư? Điều này e sẽ tạo ra trở ngại lớn cho giáo viên trong việc chuyển tải những thông điệp ý nghĩa đó đến học sinh khi lứa tuổi đó chưa có nhận thức và năng lực cảm thụ đầy đủ.

Mặt khác, rất nhiều tác phẩm mới được đưa vào chương trình đòi hỏi giáo viên phải có năng lực cảm thụ, phân tích, bình giảng sâu từng tầng lớp ngôn ngữ. Muốn vậy, giáo viên Ngữ Văn cần có thời gian nghiên cứu, tìm đọc toàn bộ tác phẩm, đặt mỗi ngữ liệu được trích dẫn vào trong chỉnh thể tác phẩm… Tất cả cần một khoảng thời gian nhất định để giáo viên cảm cái hay về tư tưởng, cái đẹp của ngôn từ mới truyền tải đến học sinh và khơi gợi được năng lực cảm thụ của học sinh. Điều này lại rất khó thực hiện khi mà giáo viên phải đối diện với hàng loạt tác phẩm mới cùng lúc.

Bản thân tôi vẫn canh cánh nỗi lo chương trình mới này sẽ “đi vào vết xe đổ” của chương trình hiện hành khi ôm đồm quá nhiều kiến thức.

Chương trình Ngữ Văn hiện hành sau bao nhiêu năm thực hiện đã lộ rõ nhiều bất cập. Một trong số đó là sự quá tải về dung lượng kiến thức, kỹ năng cần đạt.

Lấy ví dụ về chương trình Ngữ Văn lớp 7, trong học kỳ 1, học sinh phải học tổng cộng 25 tác phẩm mới bao gồm văn bản nhật dụng, ca dao, thơ trung đại Việt Nam và thế giới cùng một số văn bản thuộc thể loại tùy bút, bút ký. Bên cạnh đó là 13 đơn vị kiến thức trong phân môn Tiếng Việt và hai kiểu bài biểu cảm trọng tâm trong phân môn Tập làm văn.

Bao nhiêu năm qua thầy cô đứng lớp đã than thở rất nhiều về độ khó của chương trình Ngữ Văn lớp 7. Thầy và trò thường xuyên phải “bơi” trong khối lượng kiến thức “khổng lồ” ấy. Thời gian dành cho việc thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết bị thu hẹp bởi phần lớn thời lượng lên lớp của giáo viên phải tập trung vào việc dạy kiến thức mới.

Sau một thời gian thực hiện, trước tình trạng “quá tải” kiến thức, Bộ ra Công văn số 5842/BGĐT-VP ban hành ngày 1/9/2011. Hàng loạt đơn vị kiến thức được “giảm tải”.

Chẳng hạn, trong chương trình Ngữ Văn 7 ở học kỳ một, 4 chủ đề ca dao đều giảm một nửa số bài, hàng loạt văn bản được đưa vào đọc thêm (Côn Sơn ca, Sau phút chia ly, Bài ca nhà tranh bị gió thu phá,…). Trong phân môn Làm văn cũng có nhiều điều chỉnh nhằm giảm nhẹ khối lượng kiến thức.

Thú thật, giáo viên đều thở phào nhẹ nhõm như trút một gánh nặng trước quyết định giảm tải của Bộ. Bởi vậy, chúng tôi càng thấy thông cảm, chia sẻ với áp lực của giáo viên và học sinh “đuối sức” suốt mười năm thực hiện chương trình hiện hành trước khi có quyết định giảm tải.

Hy vọng cuộc cải cách giáo dục toàn diện lần này sẽ không “đi vào vết xe đổ” của lần “thay sách” trước đó. Theo tôi, đừng quá tham vọng khi ôm đồm kiến thức quá nhiều! Đừng đặt mục tiêu quá cao phải đào tạo được những thế hệ học sinh “thần đồng”, “bác học”!

Muốn vậy, đội ngũ xây dựng chương trình môn học cụ thể và các tác giả biên soạn sách giáo khoa cần tránh lối tư duy “Văn bản này hay chẳng thể bỏ”, “Kiến thức tiếng Việt này bắt buộc phải có”, “Phương pháp làm văn này không thể không dạy”.

Chúng ta hãy tập trung vào chất lượng thay vì cứ chạy theo số lượng kiến thức, kỹ năng.

Học một vài văn bản chuyên sâu, cảm cái hay, cái đẹp của tác phẩm, khơi gợi cách cảm nhận sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân của người học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với “cưỡi ngựa xem hoa” hàng loạt tác phẩm.

Hãy học số lượng kiến thức, kỹ năng tiếng Việt và Làm văn có hạn một cách bài bản, vận dụng cách dùng từ, đặt câu, viết đoạn, làm bài để rèn luyện, phát huy năng lực học sinh: cảm thụ thẩm mĩ, hợp tác, giao tiếp, sử dụng ngôn ngữ, sáng tạo, tự học…

Một chương trình môn học gọn nhẹ, khoa học, hợp lý là điều dư luận xã hội đang mong chờ!

Thùy Mai

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm