Chương trình Ngữ văn mới: Băn khoăn về tính cân đối trong hai nhóm tác phẩm bắt buộc

(Dân trí) - Việc bổ sung thêm nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc là sự điều chỉnh mang tính tích cực, góp phần giảm bớt sự mất cân đối khiến dư luận trong và ngoài ngành băn khoăn trước đó. Tuy nhiên, vẫn cần trao đổi thêm một vài ý kiến của những người trực tiếp giảng dạy về dự thảo chương trình Ngữ văn phổ thông.

Xin giới thiệu ý kiến của TS. Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội):

Ngày 16/4/2018, Ban soạn thảo đã công bố chương trình Ngữ văn mới được điều chỉnh theo hướng tăng số lượng các tác phẩm bắt buộc. Cụ thể, dựa vào 9 tác gia và các tác phẩm được học trong chương trình và SGK hiện hành, lựa chọn và bổ sung một số tác phẩm có vị trí quan trọng, tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc qua các giai đoạn, với 3 cấp độ: tác phẩm bắt buộc (tác giả SGK và giáo viên bắt buộc thực hiện theo quy định của chương trình); tác phẩm tự chọn bắt buộc (tác giả SGK bắt buộc lựa chọn trong số tác phẩm cùng cấp độ theo quy định của chương trình); tác phẩm tự chọn (tác giả SGK tự lựa chọn theo gợi ý của chương trình). Như vậy, điểm khác biệt rõ rệt ở lần điều chỉnh này so với các lần công bố trước đây là ban xây dựng chương trình đã bổ sung thêm nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc.

Quan sát dự thảo được điều chỉnh, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề sau đây:

Việc bổ sung thêm nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc là sự điều chỉnh mang tính tích cực, góp phần giảm bớt sự mất cân đối khiến dư luận trong và ngoài ngành băn khoăn trước đó.

Tuy nhiên, vẫn cần trao đổi thêm một vài ý kiến của những người trực tiếp giảng dạy phổ thông về dự thảo chương trình Ngữ văn phổ thông.

Nhóm 1 là nhóm các tác phẩm bắt buộc vẫn giữ nguyên 6 tác phẩm như trước, cụ thể gồm: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt); Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn; Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi (có bài khái quát về đọc tác gia Nguyễn Trãi); Truyện Kiều của Nguyễn Du (có bài khái quát về đọc tác gia Nguyễn Du); Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu; Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh (có bài khái quát về đọc tác gia Hồ Chí Minh).

TS. Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội).
TS. Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội).

Về nhóm này, chúng tôi có mấy ý trao đổi:

Trong các bài viết trước đây của tôi đã đưa ra quan điểm, 6 tác phẩm bắt buộc không thể hiện tính chất định hình (như một lát cắt tiêu biểu đại diện cho các giá trị khoa học, giá trị tư tưởng của chương trình tổng thể) và định hướng (các nhóm biên soạn SGK sau này có thể căn cứ vào các tiêu chí của lát cắt đại diện đó mà xây dưng chương trình cụ thể) cho chương trình Ngữ văn tổng thể bởi sự mất cân đối quá rõ về giai đoạn văn học, thể loại văn học, cảm hứng sáng tác, dạng văn tự...

Một vài ý nhỏ hơn:

Tác phẩm Nam quốc sơn hà xuất xứ chưa rõ ràng, vậy có nên chỉ nêu triều đại, không cần nhắc thêm chi tiết "tương truyền của Lý Thường Kiệt" khiến học sinh càng thêm mơ hồ.

Trong số các tác phẩm bắt buộc có ba "bài khái quát về đọc tác gia", thứ nhất cần xem lại khái niệm" đọc tác gia"; thứ hai, bên cạnh các tác gia Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh, có nên bổ sung thêm tác gia Nguyễn Đình Chiểu?

Nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc đưa ra một hệ thống các tác phẩm thuộc hai bộ phận văn học dân gian và văn học viết. Phần văn học dân gian đã bao quát khá đầy đủ các thể loại từ thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười, ca dao, sử thi, truyện thơ... với các tác phẩm quen thuộc, giá trị.

Riêng phần văn học viết, có lẽ cần suy nghĩ cân nhắc thêm về một số tác giả và tác phẩm cụ thể.

Trong nhóm các tác phẩm tự chọn bắt buộc, bộ phận văn học viết có 5 tác giả trung đại và 7 tác giả hiện đại. Đáng chú ý là sự xuất hiện lần thứ hai của 4 tác giả đã có trong nhóm tác phẩm bắt buộc gồm Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh; trong đó, tác phẩm của Nguyễn Trãi, ngoài việc bổ sung thêm thể loại mới với ít nhất một trong các bài thơ như Thuật hứng (số 24), Ngôn chí (số 20), Bảo kính cảnh giới (số 43) bên cạnh tác phẩm chính luận bắt buộc Bình Ngô Đại cáo thì việc đưa vào danh sách lựa chọn bắt buộc với Thư lại dụ Vương Thông của Nguyễn Trãi có nên xem lại?

Chương trình Ngữ văn mới: Băn khoăn về tính cân đối trong hai nhóm tác phẩm bắt buộc - 2

Đó cũng là trường hợp các tác phẩm của Hồ Chí Minh - nếu cần, có thể bổ sung thêm thể loại thơ như Mộ, Vọng nguyệt, Cảnh khuya, Nguyên tiêu..., hoặc truyện ký như Vi hành..., có cần tăng thêm một trong hai tác phẩm chính luận nữa là Thuế máu, Tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong khi Tuyên ngôn độc lập ở phần bắt buộc đã là một áng văn chính luận mẫu mực, cũng bao hàm sâu đậm giá trị tố cáo tội ác kẻ thù và ca ngợi tinh thần yêu nước của nhân dân ta?

Và có cần bắt buộc chọn một trong các bài thơ mang cùng cảm hứng nhân đạo như Độc Tiểu Thanh kí, Long thành cầm giả ca, Phản chiêu hồn khi Nguyễn Du đã có kiệt tác Truyện Kiều trong nhóm tác phẩm bắt buộc?

Không phủ nhận những tác phẩm đề xuất đều là tác phẩm có giá trị, nhưng nếu cần tiết chế để bổ sung thêm sự cân đối, đầy đặn cho nhóm tác phẩm lựa chọn bắt buộc thì sự lặp lại về tác giả hay kiểu loại tác phẩm cũng là vấn đề nên cân nhắc!

Một sự lạ nữa là cả 7 tác giả của văn học hiện đại gồm Hồ Chí Minh, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Tuân đều là các tác giả sáng tác từ trước năm 1945; hoàn toàn vắng bóng các tác giả tiêu biểu xuất hiện thời kỳ sau 1945, sau 1975 như Quang Dũng, Hoàng Cầm, Nguyên Ngọc, Nguyễn Minh Châu, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy...

Không thể lý giải là các tác giả, tác phẩm này có thể được tự chọn trong phần phụ lục một khi Ban soạn thảo chương trình đã khẳng định: “Danh mục văn bản gợi ý ở Phụ lục không phải là tất cả ngữ liệu của các lớp, cũng không bắt buộc, mà chỉ là những ví dụ minh hoạ về thể loại, kiểu văn bản, đề tài và sự phù hợp với nhận thức, tâm lí lứa tuổi; nhằm đáp ứng các yêu cầu cần đạt về đọc, viết, nói, nghe ở mỗi lớp.

Giáo viên cần có quyền quyết định nội dung dạy học

Việc phân chia thành 3 nhóm tác phẩm bắt buộc (tác giả SGK và giáo viên bắt buộc thực hiện theo quy định của chương trình); tác phẩm tự chọn bắt buộc (tác giả SGK bắt buộc lựa chọn trong số tác phẩm cùng cấp độ theo quy định của chương trình); tác phẩm tự chọn (tác giả SGK tự lựa chọn theo gợi ý của chương trình)” là hợp lý vì mở rộng phạm vi tác phẩm được lựa chọn, đa dạng phong phú về thể loại, giai đoạn văn học. Đồng thời tạo tính mở về nội dung nhưng có định hướng cụ thể.

Tuy nhiên, việc lựa chọn tác phẩm bắt buộc hoặc không bắt buộc mới chỉ quy định dành cho tác giả SGK mà chưa quy định cụ thể cho giáo viên. Nghĩa là giáo viên không có quyền tự chọn mà vẫn phải tuân thủ theo các tác phẩm được đề xuất. Giáo viên cần có quyền quyết định nội dung dạy học và linh hoạt cho từng đối tượng miễn sao đảm bảo những mục tiêu cụ thể về năng lực của chương trình.

Trịnh Quỳnh

(Giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Lương Thế Vinh, Nam Định)

Các tác giả SGK có thể dựa vào đây để lựa chọn và tự tìm thêm các văn bản tương tự về thể loại và độ khó để biên soạn miễn là đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu mà chương trình đã nêu”; và không thể giao hoàn toàn trách nhiệm điều chỉnh lại sự mất cân đối đã hiện hữu ở cả hai nhóm "tác phẩm bắt buộc" và "tác phẩm lựa chọn bắt buộc" cho các tác giả SGK sau này khi họ đã được phép coi phụ lục "chỉ là những ví dụ minh hoạ" cho quá trình "lựa chọn và tự tìm thêm các văn bản tương tự về thể loại và độ khó để biên soạn miễn là đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu mà chương trình đã nêu"!

Nói một cách giản đơn: sẽ là phi lý nếu phần tác phẩm bắt buộc được tuyển chọn từ một nguồn thống nhất duy nhất là Ban soạn thảo chương trình Ngữ văn mới thì mất cân đối, phần tuỳ ý lựa chọn với rất nhiêu nhóm tác giả khác nhau trong cả nước lại hi vọng sẽ cân đối lại! Ai dám chắc học trò sau này sẽ được học những tác phẩm xuất sắc như Tây Tiến, Bên kia sông Đuống, Tiếng Việt, hay Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Bến quê, hay Phiên chợ Giát...!

Trước bất kỳ vấn đề nào cũng có thể xuất hiện những ý kiến trái chiều mà sự thống nhất chỉ là tương đối. Tuy nhiên, đây là chương trình Ngữ văn sẽ áp dụng cho thế hệ tưong lai, con cháu chúng ta lớn lên với một hành trang tinh thần như thế nào, điều đó phụ thuộc rất nhiều vào sự chuẩn bị của chúng ta hôm nay, sự chuẩn bị không thể phiến diện, cực đoan, duy ý chí. Lịch sử đã cho thấy khi nào lòng dân yên thuận, khi ấy vạn sự thành, khi nào có quá nhiều băn khoăn, khi ấy rất cần suy nghĩ lại! Và cũng không nên vội vã, bởi dục tốc bất đạt!

TS. Trịnh Thu Tuyết

(Nguyên giáo viên Ngữ Văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm