Chương trình mới, học sinh càng miệt mài đi học thêm vì khả năng tự học kém

Hồng Nhung

(Dân trí) - "Với hình thức thi cử vẫn nặng về thành tích như bây giờ thì không thầy cô nào có thể chờ học sinh tự học được. Thầy cô vẫn phải theo sát và khó mà bỏ được học thêm", thầy giáo ở Nam Định cho biết.

Chương trình mới, học sinh càng miệt mài đi học thêm vì khả năng tự học kém - 1

Cả thầy và trò đều đang nỗ lực thích ứng với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới (Ảnh minh họa: The Scotsman)

Thời lượng trên lớp không đủ cho nội dung bài học

Mục tiêu của Bộ Giáo dục & Đào tạo hướng tới trong chương trình mới, phương châm cốt lõi như "Học đi đôi với hành", "Lý luận gắn liền với thực tiễn" được đề cao. Học sinh sẽ được hoạt động để tự mình tìm tòi kiến thức, phát triển kỹ năng và vận dụng vào đời sống.

Chương trình sách mới cũng được công bố sẽ giảm tải các kiến thức nặng tính hàn lâm. Tuy nhiên, thực tế cả thầy cô và học sinh vẫn đang gặp những khó khăn, cần phải thích ứng trong việc triển khai nội dung mới.

"Thực tế từ việc dạy và học riêng môn Ngữ văn của chúng tôi thì chương trình không giảm chút nào. Chương trình trước cải cách, các lớp 6, 7, 8 cũng 4 tiết/tuần như chương trình hiện tại. Thời lượng ấy, nếu rút gọn lại, xoáy sâu vào kiến thức trọng tâm, tập trung vào một bộ sách giáo khoa thì hợp lý.

Còn nếu học một đằng, thi một nẻo, coi kiến thức sách giáo khoa là kiến thức tham khảo, giáo viên vừa phải dạy trên lớp bộ sách này, vừa phải mua bộ sách khác để tham khảo dạy thêm cho học sinh thì một tiết học có kéo dài 60 phút cũng chẳng bao giờ đủ cho chúng tôi có thể dạy hết kiến thức", cô Nguyễn Hải Yến thẳng thắn bày tỏ.

Đồng quan điểm với cô Yến, thầy T. (giáo viên môn Toán tại một trường THPT ở Nam Định) cũng chia sẻ rằng chương trình GDPT mới không hề giảm tải như công bố, thậm chí có một số nội dung của Toán lớp 11 được đưa vào lớp 10.

"Chương trình phân phối mới cho lớp 10 rất khó so với chương trình cũ. Sự thật là độ khó của sách giáo khoa vẫn vậy, không thấy giảm tải đi chút nào. Thêm nữa với quy định thời lượng học trên lớp như hiện tại thì chưa đáp ứng được nhu cầu truyền tải kiến thức trong chương trình sách mới.", thầy T. nhận xét.

Khả năng tự học của học sinh còn kém

Chia sẻ với Dân trí, thầy T. nhận thấy khả năng tự học của học sinh còn kém, vì đã quen với nếp học cũ. Đối với những bài toán ứng dụng thực tế, các em vẫn cần có người dẫn dắt chứ chưa thể tự mình mày mò mà ra được.

Theo thầy T., nếu muốn học sinh rèn luyện tư duy và tăng sự chủ động trong học tập thì sự rèn luyện này phải bắt đầu từ những cấp học dưới. Chín năm học trước đó với kiểu giáo dục cũ thì học sinh chưa thể chủ động hay thích ứng với nội dung của chương trình hiện tại được.

"Vậy nên để có thể đi đúng theo mục tiêu của giáo dục cải cách mới là khó khăn", thầy T. cho biết.

Theo cô Yến, qua hai năm triển khai, cô thấy học sinh trung học cơ sở (THCS) lớp 6, 7 phải tải lượng kiến thức tự học rất lớn. Cụ thể như phần Tiếng Việt lớp 6, bộ sách Kết nối tri thức, nội dung ẩn dụ chỉ gói gọn trong khái niệm và 2 ví dụ "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi. Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng" và "Cha lại dắt con đi trên cát mịn. Ánh nắng chảy đầy vai", nhưng sau đó bài tập lại yêu cầu nhận biết đủ thể loại ẩn dụ, kể cả ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, mà trong nội dung giảng dạy thì lại không nêu.

Các em học sinh còn nhỏ tuổi, khả năng tự học, tự luyện gần như không có. Vậy nếu như thầy cô không hướng dẫn kiến thức liên quan và chỉ dặn dò tự tìm hiểu thêm thì kiến thức thực tế của học sinh chẳng được bao nhiêu.

Em T.T.Q (học sinh lớp 10 trường THPT Quang Trung, Hà Nội) cũng chia sẻ từng thử mở sách giáo khoa mới ra để tự học trước khi vào năm học mới. Nhưng việc này dường như bất khả thi bởi đối với em sách được soạn một cách rất trừu tượng và học sinh như em không thể nào tự học được.

Học thêm để thi

"Học sinh cũng phải đi học thêm thì mới theo được không thì cũng khó bởi thời lượng dạy ở trên lớp không đủ. Chương trình mới có thêm tiết hoạt động trải nghiệm nhưng trên thực tế, theo tôi được biết nhiều giáo viên không dạy. Bởi để đảm bảo được tiến độ chương trình và chất lượng thi cử thì không thể nào thay đổi được theo mục tiêu mà chương trình mới hướng đến", thầy T. nhận định.

Không chỉ giáo viên mà ngay cả học sinh cũng cho biết để học và dạy theo định hướng mới rất khó. Các em học sinh để có thể tiếp thu kiến thức thì vẫn phải đi học thêm.

"Học thì vẫn phải học mà thi thì vẫn phải thi. Với hình thức thi cử vẫn nặng về thành tích như bây giờ thì không thầy cô nào có thể chờ học sinh tự học được. Thầy cô vẫn phải theo sát và khó mà bỏ được học thêm", thầy T. bộc bạch.

Ngoài 4 tiết học chính khóa buổi sáng cộng thêm 4 tiết toán/tuần phụ đạo trên trường với hình thức "tự nguyện", em T. vẫn tiếp tục học thêm bên ngoài cho riêng môn Toán để theo kịp chương trình và phục vụ cho nhu cầu đi thi.

Chương trình mới, học sinh càng miệt mài đi học thêm vì khả năng tự học kém - 2

Giáo dục nặng về thành tích vẫn là yếu tố chính ảnh hưởng đến việc dạy và học của thầy, trò. (Ảnh: Mạnh Quân)

Cô Yến cho rằng, giáo dục hiện còn quá coi trọng thành tích học tập, thi cử. Kết quả học tập, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) của học sinh hằng năm đều cao. Trong 3 năm trở lại đây tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) trên cả nước đều trên 97%.

Từ thực tế ấy, cô Hải Yến bày tỏ: "Để học sinh hiểu bài chứ không học kiểu cưỡi ngựa qua chợ, để làm được bài tập chứ không phải bỏ không làm vì không hiểu gì hoặc đi chép sách giải thì giáo viên phải tự dạy thêm. Hệ lụy dạy thêm học thêm cũng từ đó khó mà triệt tiêu được.

Do đó, cũng phải đặt câu hỏi có phải chương trình mới giảm tải trong lý thuyết "suông" hay không?".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm