Du học sinh nói về sự khác biệt giữa học thêm trong nước và trên thế giới

CTV

(Dân trí) - Vấn đề học thêm luôn tồn tại song hành với giáo dục chính khóa. Thực tế, ở các nước tiên tiến có việc học thêm, dạy thêm nhưng khác hẳn về tính chất, quy mô so với ở Việt Nam.

Học sinh nước ngoài cũng đi học thêm

"Thật ra ở Pháp, họ không có từ ngữ riêng để chỉ học thêm, họ không hiểu học thêm là gì và em đã phải cố gắng giải thích khá nhiều để truyền đạt ý nghĩa của từ này.

Việc học thêm tại đây cũng có nhưng sẽ diễn ra với hình thức khác so với ở Việt Nam. Một là diễn ra tại trường vào cuối tuần, giáo viên sẽ trích ra khoảng 2 tiếng để hỗ trợ cho nhóm học sinh chưa theo kịp các bạn trên lớp.

Hai là học thêm ở trung tâm, thường là những cơ sở kinh doanh hỗ trợ cho những người có nhu cầu học nâng cao các kiến thức trong lĩnh vực cụ thể mà họ mong muốn", Nguyễn Thị Ngọc Dung (du học sinh tại Pháp) chia sẻ.

Du học sinh nói về sự khác biệt giữa học thêm trong nước và trên thế giới - 1
Học sinh tại Pháp thường chỉ đến các trung tâm hoặc thuê gia sư tại nhà nhằm phục vụ cho việc thi các chứng chỉ học thuật hoặc chứng chỉ nghề đặc thù (Ảnh: Con Chronis/AAP).

Dung cho biết thêm: "Em thấy ở Việt Nam, việc dạy thêm đôi khi nhằm mục đích tăng thêm thu nhập cho giáo viên. Còn ở Pháp, dạy thêm chỉ diễn ra khi học thực sự cần. Tất nhiên là dựa trên sự tự nguyện.

Nhưng hầu như việc học thêm diễn ra rất ít bởi các bạn học sinh, sinh viên ở Pháp chỉ học những ngày trong tuần. Cuối tuần, các bạn sẽ không bao giờ động đến sách vở mà nghỉ ngơi đúng nghĩa".

Có ý kiến khác khi được hỏi về thực trạng đi học thêm ở nước ngoài, Lê Ánh Mai Anh (du học sinh tại Úc) nêu lên một thực tế là học sinh ở nước tiên tiến như Úc cũng đang học thêm (học ngoài chương trình, học ngoài trường) rất nhiều.

"Cạnh tranh học tập ở cả Việt Nam và Úc đều như nhau, sự cạnh tranh là rất cao. Cũng tương tự như ở Việt Nam, các học sinh cấp 3 tại Úc muốn đỗ vào những trường danh tiếng thì cũng sẽ đi học thêm".

Tuy nhiên, giống như Ngọc Dung, Mai Anh cũng nhấn mạnh rằng định nghĩa học thêm ở Úc rất khác ở Việt Nam. Học thêm ở Úc là hoàn toàn tự nguyện, miễn phí và thời gian học thêm cũng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định. Đó là đối với hình thức phụ đạo bởi giáo viên hoặc sinh viên đại học.

Như vậy, việc học phụ đạo ngoài giờ chủ yếu thuộc trách nhiệm của nhà trường, dựa trên nhu cầu của từng học sinh, được tổ chức trong nhà trường và không liên quan gì đến tiền bạc.

Học sinh vẫn dành phần lớn quỹ thời gian cho việc học tập tại trường. Khi học sinh chuẩn bị thi vào các trường đại học danh tiếng hoặc chuẩn bị cho việc du học quốc tế thì việc đăng ký học thêm tại các trung tâm luyện thi không hiếm, bởi mức độ đề thi và áp lực điểm số cho các kỳ thi cũng không hề nhỏ.

Còn ở Nhật, hình thức học thêm được tổ chức ở Juku (trung tâm luyện thi). Những lớp học thêm này diễn ra sau giờ học chính và thường có lịch học trải dài cả tuần.

Kumiko Makihara, tác giả cuốn sách nổi tiếng Dear Diary Boy, đã chia sẻ về nền giáo dục của Nhật trên trang Washington Post, khung cảnh phổ biến trên đường sá Nhật Bản vào buổi tối là học sinh vội vã trở về nhà sau giờ học thêm.

Thông thường, những học sinh ham học sẽ đến các trung tâm luyện thi để ôn luyện thêm nhằm phục vụ cho các kỳ thi SAT (bài kiểm tra đánh giá năng lực chuẩn hóa được sử dụng rộng rãi cho xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ), AP (chương trình học giúp học sinh lấy được tín chỉ đại học ngay từ khi còn học ở bậc học phổ thông), vì chương trình học ở trường không đủ để đáp ứng nhu cầu của các bạn có mục tiêu cao hơn.

Việc phải chuẩn bị cho các đề thi quốc tế, bài luận ứng tuyển học bổng, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đối với học sinh muốn bước chân vào các trường đại học danh tiếng cần rất nhiều yếu tố bao gồm kiến thức và thời gian.

"Nhu cầu cao đồng nghĩa với việc học sinh sẽ đăng ký vào các trung tâm dạy kèm hoặc học thêm ở các lò luyện thi", Lê Nam Thuận An (từng du học THPT tại trường UWC ISAK Japan, Nhật Bản) chia sẻ.

Là sinh viên tại Đại học Cornell, có cơ hội giao lưu học tập với nhiều bạn bè quốc tế tới từ nhiều quốc gia khác nhau, Thuận An kể rằng người nước ngoài không hề cảm thấy xa lạ với việc học thêm ở Nhật.

Học thêm ở Việt Nam và nước ngoài có sự khác biệt về mặt bản chất

"Hồi em còn ở Việt Nam, em thấy ai cũng đi học thêm hết. Lên lớp 7, em cũng đi học thêm.

Dù trước đó em vẫn học đầy đủ các kiến thức trên lớp, nhưng em thấy khi đi thi, nội dung được nâng cao hơn so với ở trên lớp. Chỉ những ai đi học thêm mới làm được kiến thức đó, còn những ai không đi thì chỉ làm được những nội dung cơ bản".

Theo như Dung (cựu học sinh THPT chuyên Phan Bội Châu, hiện đang du học tại Pháp) chia sẻ: "Học sinh tất cả các cấp học dưới đại học ở Việt Nam đều có xu hướng tham gia các lớp học thêm. 

Những học sinh có thành tích thấp được dạy kèm để có thể theo kịp chương trình trên lớp, học sinh trung bình được dạy kèm để vươn lên với vị trí cao hơn và những học sinh đạt thành tích cao được dạy kèm để duy trì thành tích cao hoặc trở thành người dẫn đầu".

Du học sinh nói về sự khác biệt giữa học thêm trong nước và trên thế giới - 2

Dung nhận xét rằng học sinh Việt Nam đi học thêm thường do áp lực về điểm số và áp lực đồng trang lứa. (Ảnh minh họa: Yonhap).

Dung cũng chỉ ra thêm rằng, có sự chênh lệch giữa chương trình học ở trên lớp với nội dung đề thi tại Việt Nam. Do đó, nếu học sinh tại Việt Nam không đi học thêm thì sẽ khó đạt được điểm cao.

Trái lại, ở Pháp tình trạng đó không xảy ra, nội dung thi và chương trình trên lớp tương đồng khoảng 80%, chỉ có vài câu nâng cao để phân loại dành cho học sinh khá giỏi. 

"Ở Việt Nam, có một số trường hợp, nếu học sinh không đi học thêm của những thầy cô giáo trong trường sẽ có thể không biết giới hạn nội dung hay mức độ đề thi ở lớp, trường như thế nào.

Nhưng trong quá trình học ở Nhật, An thấy việc tiếp cận việc học thêm cho chương trình học trên lớp là không có. Bởi vì các thầy cô sẽ có những buổi trò chuyện trực tiếp với học sinh để hỏi về các nội dung học sinh chưa nắm rõ và tổ chức hỗ trợ sau buổi học chính khóa nếu học sinh có nhu cầu", Thuận An chia sẻ.

Rõ ràng, so với các quốc gia khác, hoạt động dạy thêm, học thêm tại Việt Nam cũng không khác nhau nhiều so về hình thức tổ chức. Tuy nhiên, vấn đề thuộc về bản chất, nguyên nhân hình thành nên việc tổ chức học thêm là khác nhau.

Trải nghiệm học tập ở nhiều nền văn hóa khác nhau, các du học sinh đều đồng quan điểm rằng, việc học thêm đều là do học sinh còn thiếu sót về kiến thức hoặc phương pháp học.

Tuy nhiên, thay vì tập trung vào kết quả dạy kèm được định lượng bằng thành tích học tập - vốn là mục tiêu trọng tâm của nhiều phụ huynh và học sinh tại Việt Nam; các bậc cha mẹ cũng như học sinh tại các quốc gia khác có xu hướng tập trung hơn vào sở thích học tập hoặc phát triển các kỹ năng, năng khiếu.

Du học sinh nói về sự khác biệt giữa học thêm trong nước và trên thế giới - 3
Tìm kiếm nơi có chương trình học giúp phát triển năng khiếu cá nhân ở con là xu hướng phổ biến hơn ở các bậc phụ huynh và học sinh nước ngoài (Ảnh minh họa: Christopher Furlong/Getty).