Chương trình GDPT mới: Cần đặt giáo dục sức khỏe của học sinh lên hàng đầu

(Dân trí) - PGS.TS. Đặng Bá Lãm, Ban chuyên gia Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, học sinh đến trường để sống và sẽ học qua cuộc sống đó. Lúc các em rèn luyện sức khỏe, học cách ứng xử xã hội, học đàn, học hát... là các em đang học, đang sống chứ không phải chỉ học toán, học văn mới là học.

Giáo dục nhà trường ít quan tâm tới sức khỏe học sinh

Về mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông mới, PGS.TS. Đặng Bá Lãm quan niệm: Giáo dục phổ thông phải thực sự đa diện (tôi không dùng từ “toàn diện” vì từ đó khá trừu tượng), phải thực sự giáo dục bốn mặt theo thứ tự ưu tiên là: Sức khỏe (cả thể chất và tinh thần), quan hệ xã hội, hiểu biết thế giới, năng lực thẩm mỹ (Cả cảm xúc và hành vi). Gọi ngắn gọn như xưa nay là: Thể, Đức, Trí , Mỹ.

Vì sao phải ưu tiên giáo dục sức khỏe (Cả thể chất và tinh thần)? Vì trong thực tiễn cuộc sống đây là mặt được mọi người quan tâm trước hết. Vì có sức khỏe thì mới học tập và làm việc được, nếu không có sức khỏe cuộc sống không ở trạng thái “thoải mái” (WHO) thì cuộc sống không còn hạnh phúc. Ai mà chẳng quan tâm đến sức khỏe, từ sức khỏe con trẻ đến sức khỏe người già. Gặp nhau câu đầu tiên là hỏi thăm sức khỏe. Thế mà giáo dục nhà trường lại quan tâm đến giáo dục sức khỏe ít nhất trong tất cả các mặt. Đó là một điều trái ngược với cuộc sống cần thay đổi.

Để thay đổi lại điều đó cho phù hợp với cuộc sống thì nhà trường, từ nhà quản lý đến các nhà giáo, từ xây dựng chương trình đến thực hiện chương trình cần trước hết đặt giáo dục (bao gồm cả rèn luyện) sức khỏe lên trên.

Quá trình trẻ em học ở trường phổ thông (từ 6 đến 18 tuổi) cũng là quá trình trẻ trưởng thành, trở thành công dân của xã hội, phần lớn thời gian trẻ em ở trường, mỗi tuần 5/7 ngày, mỗi ngày 8/16 giờ không kể giờ ngủ. Tức là các gia đình đã phó thác gần toàn bộ cuộc sống con mình từ trẻ thơ đến tuổi trưởng thành cho nhà trường.

Vì vậy nhà trường phải giáo dục cho trẻ cách chăm sóc sức khỏe một cách khoa học, cách ăn, cách mặc, cách nghỉ ngơi, cách vui chơi giải trí, cách rèn luyện thân thể, cách sử dụng thời gian có lợi, cách chống lại các tác động có hại cho sức khỏe.

Ví dụ cần hướng dẫn cho học sinh ăn thế nào cho đủ chất, không thiếu năng lượng mà không béo phì, cần hướng dẫn và theo dõi bữa ăn hằng ngày như thời biểu các môn học. Cần theo dõi tiến bộ về thể chất học sinh hằng năm như theo dõi kết quả các môn học xưa nay.

Cuối mỗi năm trẻ tiến bộ về thể chất như thế nào, đối chiếu với tiêu chuẩn theo lứa tuổi thì ở tình trạng nào, có gì bất thường không, cần có giải pháp gì để can thiệp nếu cần.

Nhà trường, nhà nước cần theo dõi diễn biến sức khỏe của học sinh qua các năm, qua các thế hệ để đánh giá động thái của quá trình đó và có giải pháp thích hợp để cải thiện tình hình sức khỏe, chiều cao, cân nặng của thiếu niên, thanh niên ta. Đầu tư của Nhà nước cho hoạt động thể dục, thể thao chủ yếu nên đưa vào nhà trường (từ tiểu học đến đại học).


Nhiều trường học chật hẹp, học sinh phải tập thể dục ở hành lang lớp học.

Nhiều trường học chật hẹp, học sinh phải tập thể dục ở hành lang lớp học.

Giáo dục sức khỏe phải thể hiện qua từng tiết học

Theo PGS.TS. Đặng Bá Lãm, việc thực sự coi trọng các mặt giáo dục, trong đó mặt cần ưu tiên là giáo dục sức khỏe, trước hết phải thể hiện vào việc giành thời gian cho các mặt giáo dục này trong chương trình. Ví dụ chương trình giáo dục tiểu học với việc học 2 buổi ngày, 7 tiết /ngày, 31 tiết/ tuần, thì hằng tuần giành cho mỗi mặt giáo dục khoảng 8 tiết: Sức khỏe 8 tiết, quan hệ xã hội 8 tiết, hiểu biết thế giới 8 tiết, năng lực thẩm mỹ 8 tiết. Ngày nào học sinh cũng được học về các mặt đó dưới các hình thức khác nhau.

Những người xưa nay quen nghĩ rằng học sinh đến trường để học các kiến thức môn học sẽ cho rằng thế thì học sinh đến trường học được ít quá.

PGS.TS. Đặng Bá Lãm quan niệm rằng học sinh đến trường để sống và sẽ học qua cuộc sống đó. Lúc các em rèn luyện sức khỏe, học cách ứng xử xã hội, học đàn, học hát, học nhảy, học múa là các em đang học và đang sống, chứ không phải chỉ học toán, học văn mới là học.

Hơn nữa trong lúc các em học trên các các mặt khác như sức khỏe, ứng xử, thẩm mỹ cũng đồng thời là học cách tư duy (trước nay là độc diễn của môn toán) và học cách sử dụng ngôn ngữ (trước nay là độc diễn của môn Văn-Tiếng Việt)

Chương trình các cấp bậc học trên, nhất là trung học cơ sở, cũng thay đổi triệt để theo quan niệm đó.

Để thực hiện được sự thay đổi đó về chương trình cần thay đổi các điều kiện kéo theo là giáo viên và cơ sở trường lớp. Từ trước đến nay nói đên giáo dục ta chỉ nghỉ đến truyền thụ kiến thức nên chỉ chuẩn bị các điều kiện về giáo viên và trường lớp để làm việc đó.

Từ nay nếu thay đổi quan niệm, thực sự giáo dục đa diện thì trong đội ngũ giáo viên bố trí cho một trường, một lớp, phải có đủ giáo viên để thực hiện các mặt giáo dục khác như giáo dục sức khỏe, giáo dục thẩm mỹ, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý, sức khỏe tinh thần, giáo viên dạy múa, hát, vẽ,…Các điều kiện vật chất của nhà trường cũng phải được bổ sung như: Sân chơi,bể bơi, phòng thi đấu, phòng nhảy, phòng vẽ,…

Hiện nay một số trường tư thục đã đầu tư theo hướng này và đã thu hút nhiều học sinh. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng đó và thay đổi kịp thời về thiết kế và thực hiện chương trình.

Cũng cần thay đổi quan niệm cho rằng mọi thứ cần giáo dục cho học sinh đều phải đem vào chương trình và thực hiện tại lớp học.

Trong thực tế, học sinh học ở nhiều môi trường. Chương trình và giáo viên chỉ cần hướng dẫn cho học sinh. Chương trình tiểu học và trung học cơ sở không cần quá chặt chẽ, quá logic và đòi hỏi học sinh phải nắm vững theo cùng tiến độ. Chỉ cần đến cuối năm, cuối cấp học sinh đạt được các yêu cầu nêu ra. Chương trình trung học phổ thông mới cần có tính chặt chẽ, tính logic.

Nhật Hồng (ghi)