Chương trình đào tạo ngành Y: Chậm đổi mới…

(Dân trí) - Hầu hết các trường đào tạo ngành y của Việt Nam hiện nay vẫn sử dụng phương pháp dạy truyền thống, nặng lý thuyết, nhẹ thực hành do trang thiết bị dạy học chậm đổi mới, thậm chí ở trình độ lạc hậu so với các cơ sở y tế và cơ sở sản xuất thuốc...

Đó là thông tin tại Hội nghị “Đào tạo bác sĩ cho tương lai” vào sáng nay 18/01/2006.

 

Sinh viên vẫn học nặng về lý thuyết

 

Đến thời điểm hiện nay, cả nước có 13 cơ sở đào tạo nhân lực y tế bậc đại học và sau đại học, 04 cơ sở đào tạo nhân lực bậc cao đẳng trở xuống, 64 cơ sở đào tạo nhân lực bậc trung học và dạy nghề. Hàng năm, các trường đại học có khoảng 6.200 sinh viên ra trường, trung học là 18.000. Số lượng cán bộ y tế hiện nay vào khoảng 241500 người. Tuy nhiều về số lượng nhưng chất lượng đào tạo trong ngành y tế hiện nay còn nhiều bất cập.

 

Theo GS.TS Trương Việt Dũng ĐH Y Hà Nội thì hiện nay đội ngũ giảng viên, giáo viên giữa các trường không đồng đều. Chỉ có 2 trường đại học lớn như trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Dược TPHCM là có lực lượng giảng viên khá đông đủ và có chất lượng cao. Hai trường này, tập trung chủ yếu các GS và PGS, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lâm sàng cũng như cận lâm sàng. Bởi vậy, phần lớn tài liệu giảng dạy, sách giáo khoa đều do hai cơ sở này xây dựng. Các trường ĐH khác, số lượng giảng viên, giáo viên ít hơn và thiếu cán bộ có trình độ chuyên sâu. Đây là vấn đề tồn tại khá lâu tại các trường Y Việt Nam.

 

Cũng theo GS.TS Trương Việt Dũng, năng lực các trường hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo của xã hội. Trong khi thi tuyển đầu vào đã chọn được sinh viên có điểm tuyển rất cao nhưng không tận dụng được lợi thế này...

 

Thậm chí ngành y dược vẫn chưa có kế hoạch xây dựng khoa quốc tế. Trong khi đó, chương trình đào tạo bậc trung học quá ngắn làm cho chất lượng đào tạo bậc này thấp hơn trước đây. Tuy Bộ Y tế đã chấn chỉnh về việc này song tiến bộ khá chậm.

 

Ngân sách hạn hẹp, giải pháp tình thế!

 

Hiện nay, ngân sách đào tạo trong các trường Y, dược hầu như bao cấp. Mỗi năm nhà nước cấp 3,5 triệu cho 1 học sinh trung học và 6,5 triệu cho 1 học sinh đại học, định mức này được quy  định cách đây hàng chục năm nhưng đối với các trường y do đặc thù công tác đào tạo là thực hành tại bệnh viện và cộng đồng thì mức cấp ngân sách hiện nay là không đủ để trang trải cho sinh viên thực tập. Cho dù Nghị định 10 của Chính phủ về tự chủ tài chính các trường đã được áp dụng nhưng vẫn khó khăn. GS.TS Trương Việt Dũng cho biết như vậy.

 

Trước tình trạng này, Bộ Y tế đưa ra giải pháp: Cải tiến chương trình giáo dục, học tập các chương trình cải được các nước trên thế giới áp dụng, xây dựng, phát triển sách giáo khoa, tài liệu tham khao, vật liệu dạy học, tăng cường thực tập cho sinh viên ở các tuyến cơ sở; Xây dựng kế hoạch, đề án phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo. Hình thành các trường đại học trọng điểm quốc gia cho bậc đại học, cao đẳng. Nâng cấp các trường trung học y dược thành trường cao đẳng y dược. Phấn đấu đến năm 2010 có trên 40% trường trung học y dược được nâng cấp lên cao đẳng.

 

Được biết, thời gian vừa qua Việt Nam – Hà Lan đã liên kết thực hiện dự án “Đào tạo bác sĩ cho tương lai” được thực hiện từ năm 1999 – 2005 tại 8 trường đại học y Việt Nam, với mục tiêu xây dựng các chuẩn mực tối thiểu về kiến thức, thái độ và kỹ năng cho bác sĩ mới tốt nghiệp; đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, đào tạo bác sĩ đa khoa theo hướng cộng đồng; hỗ trợ phát triển các tài liệu, vật liệu dạy học theo phương pháp tích cực...

 

Đây chỉ là một phần trong việc nâng cao chất lượng của các trường Y Việt Nam. Tuy nhiên, để thay đổi những bất cập, yếu kém hiện nay trong việc giảng dạy thì phải có sự nỗ lực lớn và quyết tâm của ngành giáo dục và y tế thì mới theo kịp được với công nghệ mới hiện nay.

 

Mai Minh - Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm