Chuẩn hóa dinh dưỡng học đường: Không chỉ trách nhiệm của nhà trường
Nhiều công trình nghiên cứu kết luận, chiều cao của trẻ chỉ phụ thuộc 20% vào di truyền, trong khi đó yếu tố dinh dưỡng và môi trường quyết định đến 80%.
Theo trang Telegraph (Anh), chiều cao người Việt Nam thuộc danh sách 5 nước thấp nhất thế giới. Chiều cao trung bình của nam, nữ thanh niên Việt Nam lần lượt là 163,7 cm và 153 cm, thấp hơn 10,7 - 13 cm so với chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Vậy đâu là niềm hy vọng cải thiện chiều cao cho thế hệ trẻ Việt Nam?
Mất cân bằng dinh dưỡng: hậu quả khó lường
Học sinh ở các độ tuổi khác nhau sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, nhưng độ tuổi nào cũng cần đảm bảo cân bằng dinh dưỡng để phát triển cân đối và phục vụ nhu cầu vận động, học tập. Đặc biệt hơn, ăn uống thiếu cân bằng có thể dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.
Hiện nay, WHO cảnh báo béo phì đang là đại dịch toàn cầu với mức độ tăng nhanh ở trẻ em. Chính vì vậy, thực hiện chương trình chuẩn hóa dinh dưỡng học đường thông qua việc truyền thông đến học sinh, giáo viên, cấp dưỡng, các bậc phụ huynh cũng như thiết kế thực đơn đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm là vô cùng quan trọng.
Chuỗi hoạt động chuẩn hóa dinh dưỡng học đường
Bắt đầu từ học kỳ II năm học 2016 - 2017, các trường học thuộc Công ty Cổ phần Giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu) triển khai chương trình chuẩn hóa dinh dưỡng cho học sinh hệ quốc tế và sẽ mở rộng cho hệ chất lượng cao trong năm học tới.
Triển khai chương trình, trường Quốc tế IPS Đồng Nai - một thành viên của hệ thống giáo dục TTC đã khảo sát sơ bộ về tình hình sức khỏe học sinh.
Cũng theo kế hoạch, nhà trường phối hợp cùng chuyên gia dinh dưỡng lên thực đơn hơn 200 món ăn để đáp ứng nhu cầu ăn uống đa dạng và cân đối dinh dưỡng cho học sinh. Về việc thiết kế thực đơn mới, Thạc sĩ Trần Thị Ngọc Châu - Chuyên gia dinh dưỡng Đại học Ghent (Bỉ) cho biết: “Khó khăn nhất chính là làm sao đảm bảo các bữa ăn đa dạng thực phẩm mà vẫn phù hợp với sở thích của học sinh. Theo khảo sát, đa số các em không thích ăn cá, ít ăn rau hoặc trái cây. Vì vậy, chúng tôi phải chọn những loại cá phile, chế biến các loại rau, trái cây theo những cách riêng vừa tốt cho sức khỏe, vừa kích thích vị giác. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kết hợp chặt chẽ với bếp trưởng, nhân viên cấp dưỡng để đảm bảo các món ăn được chế biến theo đúng công thức và trình bày đẹp mắt, đảm bảo tối ưu nhu cầu dinh dưỡng.”
Để công tác chuẩn hóa thực đơn được vận hành tốt nhất, trường Quốc tế IPS Đồng Nai còn triển khai tập huấn cho nhân viên bếp và thiết lập hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm (HACCP).
Ngoài ra, chương trình chuẩn hóa dinh dưỡng cũng đào tạo nhân viên y tế theo dõi sức khỏe học đường. Cụ thể, các nhân viên y tế được kiểm tra kiến thức cân đo cho học sinh, tập huấn biểu đồ tăng trưởng và sử dụng phần mềm quản lý sức khỏe của WHO.
Theo bà Nguyễn Thanh Diệp - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc TTC Edu, chương trình chuẩn hóa dinh dưỡng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của TTC Edu trong năm học 2016 - 2017: “TTC Edu mong muốn đem đến những bữa ăn đạt chuẩn dinh dưỡng cho học sinh, giúp các em thay đổi thói quen ăn uống thiếu lành mạnh. Ngoài ra, chương trình còn tổ chức những buổi tư vấn cho phụ huynh, qua đó chúng tôi hy vọng nhà trường và gia đình có cùng tiếng nói cũng như sự phối hợp chặt chẽ trong việc chăm sóc sức khỏe các em. Chương trình này là một trong số những đổi mới mà trường Quốc tế IPS Đồng Nai nói riêng và các trường hệ thống giáo dục TTC nói chung thực hiện nhằm đem đến dịch vụ chăm sóc chất lượng cho học sinh toàn hệ thống”.
Chương trình chuẩn hóa dinh dưỡng sẽ được TTC Edu mở rộng sang các trường THPT Lê Quý Đôn - Đồng Nai, trường TH - THCS Lê Quý Đôn - Đồng Nai, trường TH - THCS - THPT Trịnh Hoài Đức - Đồng Nai và trường THCS - THPT Tân Phú - Sài Gòn.
Trường Quốc tế IPS Đồng Nai sẽ tổ chức buổi tư vấn dinh dưỡng cho quý phụ huynh trong và ngoài trường vào thứ Bảy ngày 11.03.2017 tại Hội trường trường Quốc tế IPS Đồng Nai với sự tham gia của chuyên gia Trần Thị Ngọc Châu - Thạc sĩ dinh dưỡng Đại học Ghent (Bỉ).
Thông qua buổi tư vấn, nhà trường và cộng đồng phụ huynh có cơ hội nhìn nhận lại thói quen dinh dưỡng của con em, từ đó có những điều chỉnh hợp lý.