Chuẩn bị cho phim "Mai đi học", giáo viên ủ mưu khuấy đảo thời khóa biểu
(Dân trí) - Giáo viên làm sẵn lì xì, cho học sinh mang kẹo bánh, chuẩn bị những câu chuyện hay hàng loạt kế hoạch được giáo viên ở TPHCM chuẩn bị cho bộ phim "mai đi học".
Ngày mai 19/2, khoảng 1,7 triệu học sinh các bậc học ở TPHCM chính thức quay lại trường học sau kỳ nghỉ Tết kéo dài 16 ngày.
Trong ngày cuối của kỳ nghỉ, nhiều giáo viên đang háo hức chuẩn bị nhiều hoạt động, câu chuyện, tình tiết cho bộ phim "Mai đi học" của thầy trò.
Cô Nguyễn Thu Hương, giáo viên cấp 2 ở TPHCM cho hay, thời gian rồi cô quay cuồng trong các hoạt động Tết như về quê, nấu ăn, dọn dẹp, du xuân, đi chùa, đưa con cái đi chơi....
Ngày cuối cùng của kỳ nghỉ, cô xác định chỉ ở nhà để chuẩn bị cho phục trang, bài vở, ý tưởng để mai quay lại trường học.
Theo thời khóa biểu, chương trình học sẽ bắt đầu ngày từ ngày đầu, tiết đầu trong ngày đầu tiên trở lại trường sau Tết. Tuy nhiên, cô Hương cho rằng giáo viên sẽ chủ động linh hoạt để tổ chức các hoạt động chúc xuân đầu năm cho học trò.
"Tôi chuẩn bị gần 200 bao lì xì, không phải lì xì bằng tiền mà lì xì những lời yêu thương, nhận xét tích cực đến học trò. Chẳng hạn như "Cô yêu con nhiều lắm", "Con là đứa trẻ tuyệt vời", "Con rất tình cảm", "Con biết quan tâm bạn bè"... để gửi đến học trò của mình. Các em nhỏ rất háo hức với điều này", cô Hương nói.
Cô Thùy Linh, giáo viên tiểu học một trường tư thục ở TPHCM cho biết, cách đây 2 ngày, cô đã gửi thông báo đến phụ huynh trao đổi về việc chuẩn bị tinh thần, đồ dùng học tập đầy đủ để các con quay lại trường học.
Trong những ngày đầu năm mới đi học, cô trò sẽ cùng nhau chia sẻ những câu chuyện, kỷ niệm trong Tết, cô tặng một số món quà nhỏ đầu năm đến các em.
Ngày đầu năm, cô "đặc cách" cho phép học sinh của mình được mang theo bánh kẹo đến lớp để tặng bạn bè. Bình thường, lớp cô có quy định học sinh không mang bánh kẹo đến lớp.
Cô Linh bày tỏ: "Các em sẽ bước vào chương trình tuần học 22. Ngoài ra, tôi cũng giao một số dự án trong Tết cho học sinh như viết văn, kể chuyện, viết lại hoạt động trong Tết... Nhưng thật ra lúc này, mình linh hoạt chứ không khắt khe với các em".
Hơn 10 năm dạy học, cô Linh cho rằng, học sinh chưa bắt nhịp, vào nề nếp học tập ngay những ngày sau Tết là điều hoàn toàn bình thường. Chính bản thân người lớn cũng vậy...
Lúc này, các em cần một khoảng thời gian thích nghi, bắt nhịp lại, giáo viên không cần nóng vội, sốt ruột trong việc tạm biệt hẳn không khí Tết.
ThS Vũ Hoàng Sơn - giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh - cho biết, học sinh quay lại trường ít nhiều sẽ ảnh hưởng nhịp sinh hoạt trong Tết như ngủ muộn, thức dậy trễ, ăn uống thất thường.
Theo thầy Sơn, trong những tiết học đầu tiên của năm mới, giáo viên nên nhẹ nhàng, tạo không khí vui vẻ, không quát mắng nếu học sinh chưa kịp hoàn thành nhiệm vụ học tập.
Nhiều hoạt động, câu chuyện có thể "lôi kéo" các em quay lại nhịp học thông qua học mà chơi.
Thầy Sơn cũng tự nhắc mình cần khéo léo giúp các em cảm nhận được niềm vui quay trở lại trường sau Tết, tránh áp đặt vào khuôn khổ ngay.
Bà Trần Thị Kim Hạnh - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương, quận Hải Châu, Đà Nẵng - chia sẻ, ngày đầu năm tâm trạng của cả cô thầy và các em học đều có nhiều náo nức. Làm sao để sự náo nức này có ý nghĩa, chứ không phá hỏng buổi học mong chờ từ năm ngoái đến năm nay là điều cực kỳ quan trọng.
Vì vậy, theo bà Hạnh, thay cho việc học theo thời khóa biểu, thầy cô có thể tổ chức rất nhiều hoạt động trong dịp này.
Chẳng hạn như các hoạt động mừng xuân (cũng có thể xuyên suốt thành một chương trình mừng xuân, có mở, có kết) như chia sẻ những điều thú vị nhất/ấn tượng nhất trong kì nghỉ Tết; vẽ/viết tùy trẻ về hoạt động ngày xuân mà trẻ thích; văn nghệ mừng xuân cây nhà lá vườn...
Giáo viên cũng có thể tổ chức hái lộc đầu năm cho trẻ bốc thăm/quay số để nhận câu hỏi (có thể là ôn tập nhẹ nhàng kiến thức các bài trước Tết). Bạn nào trả lời đúng thì được hái lộc. Lộc là những món quà nhỏ, món tiền nhỏ hay lời chúc Tết của giáo viên bỏ vào bao lì xì treo trên cây/ đính trên bảng.
Hoặc cho các em viết ước nguyện đầu năm cho bản thân, gia đình, trường lớp đính, treo lên cây, dây nơi cửa sổ.
Mọi người viết lời chúc cho nhau, cùng di chuyển và đính lên sau lưng mỗi người. Hay còn rất nhiều chiêu thức khác tùy vào sự sáng tạo của giáo viên để thầy trò có những trải nghiệm thú vị, hạnh phúc cùng nhau, khởi động cho kỳ học thứ 2 ấn tượng và thân thương.