Chưa kéo gần mối quan hệ thầy trò, khó "kỉ luật tích cực"

M. Hà

(Dân trí) - Dự thảo Thông tư của Bộ GD&ĐT mới đây quy định, “tạm dừng học tập” thay vì “đuổi học” học sinh vi phạm. Tuy nhiên, chuyên gia giáo dục cho rằng, thực hiện triệt để đúng tinh thần của Dự thảo không dễ.

Giáo viên không xử phạt học sinh mang tính bạo lực

Theo dự thảo Thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh (HS) trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư 08, được ban hành từ năm 1988, Bộ GD&ĐT sẽ bỏ hình thức “đuổi học” với học sinh.

Thay vào đó, được thay thế bằng hình thức “tạm dừng học tập” trong thời gian tối đa là 2 tuần, đồng thời sẽ không còn quy định việc tổ chức kiểm điểm, phê bình học sinh trước toàn trường, lớp.

Dự thảo mới này cũng đưa ra gợi ý một số hình thức kỷ luật tích cực như: yêu cầu học sinh mắc sai phạm chép lại nội quy trường lớp, tham gia giúp đỡ các bạn có hoàn cảnh khó khăn, sưu tầm các câu chuyện, sách, phim ảnh có liên quan tới điểm sai sót của mình và sau đó viết cảm nhận bản thân.

Những biện pháp mang tính nhân văn này nhằm giúp học sinh tự nhận ra các lỗi mắc phải và dần dần thay đổi cách suy nghĩ và hành vi của mình.

Ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết, dự thảo này có nhiều điểm mới so với Thông tư 08, được ban hành từ năm 1988. Theo đó, sẽ không khen tràn lan, đảm bảo thực chất, tránh hình thức.  

Chưa kéo gần mối quan hệ thầy trò, khó kỉ luật tích cực - 1

Áp dụng kỉ luật tích cực là bước tiến bộ, hướng tới mục đích giáo dục nhân văn nhân ái.

Về kỷ luật, điểm mới lớn nhất là yêu cầu trường học áp dụng kỷ luật tích cực, tôn trọng, bao dung, nhất quán, không áp đặt định kiến đối với học sinh.

Thầy cô giáo không sử dụng các hình thức phê bình, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm, ảnh hưởng xấu đến tinh thần của học sinh.

Theo đó, hình thức kỷ luật cao nhất là học sinh (HS) sẽ bị tạm dừng học tập 2 tuần để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng. Việc đưa ra thời gian tạm dừng học tập với HS nhiều nhất là 2 tuần đã được tính toán và đảm bảo tính thống nhất với quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Cụ thể, với HS tiểu học thì dự thảo không đặt ra hình thức kỷ luật “tạm dừng học tập”; với HS trung học, dựa vào Điều lệ trường THCS và Trường THPT hiện nay, mỗi HS không được phép nghỉ học quá 45 ngày/năm học.

Do vậy, thời gian buộc HS phải tạm dừng học tập mỗi lần là không quá  2 tuần, bởi vì không loại trừ trường hợp trong 1 năm học, 1 HS cụ thể nào đó có thể vi phạm nhiều lần và phải tạm dừng học tập không chỉ 1 lần.

Nếu tạm dừng học tập quá 45 ngày thì sẽ vi phạm Điều lệ trường học và HS có thể không được lên lớp. Vì vậy, thông tư này sẽ phải tránh đẩy HS vào tình huống đó khi các em đang tiến bộ và thay đổi.

Hơn nữa, khi áp dụng hình thức này, nhà trường phải ban hành kế hoạch giáo dục riêng cho học sinh và thống nhất với gia đình.

Học sinh bị kỷ luật được phân công giáo viên chủ nhiệm, giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý, Đoàn, Hội theo dõi, hỗ trợ, có kế hoạch động viên, giáo dục, không buông lỏng.

Trước đây, HS vi phạm bị kỷ luật sẽ bị lưu vết trong hồ sơ, học bạ, sắp tới việc này cũng bị xoá sổ, đảm bảo tính nhân văn, giúp học sinh tiến bộ. 

Dự thảo cũng quy định, không được tổ chức kiểm điểm học sinh trước lớp, toàn trường. Các hình thức kỷ luật sắp tới được áp dụng gồm: giáo dục tích cực với hành vi mức nhẹ và chủ yếu dành cho học sinh tiểu học.

“Đối với THCS- THPT, sẽ tiếp tục áp dụng hình thức khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng việc học trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng. Đây là tính nhân văn, thống nhất với các thông tư cấp học phổ thông”, ông Linh nói.

Chưa kéo gần mối quan hệ thầy trò, khó kỉ luật tích cực - 2

Chưa kéo gần mối quan hệ thầy- trò, khó kỉ luật "tích cực".

Kéo gần mối quan hệ thầy trò mới “tích cực”

Một số chuyên gia cho rằng, những điều Dự thảo đưa ra là bước tiến bộ. Tuy nhiên, để thực hiện triệt để đúng tinh thần của Dự thảo không dễ.

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục (Trường ĐHKH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội)  thừa nhận, đây là bước tiến bộ, hướng tới mục đích giáo dục nhân văn nhân ái.

Vấn đề ở đây, bản chất của giáo dục tích cực là cách thức và thái độ kỉ luật như thế nào.

Chẳng hạn, có thể kỉ luật bằng việc bắt buộc học sinh dọn dẹp vệ sinh là hình thức kỉ luật tích cực, thay vì đuổi học như trước đây. Thế nhưng với một học sinh thích hoạt động, đây có thể là “phần thưởng”.

Đặc biệt, nếu áp dụng cách thức này với học sinh tiểu học một tuần chẳng hạn, có thể lại quá nặng, gây sợ hãi cho các em và dẫn đến khoảng cách của cô trò ngày càng xa hơn.

“Điều tôi muốn nói ở đây, tinh thần của Dự thảo đưa ra là tích cực nhưng làm hiệu quả hay không, là do giáo viên có hiểu bản chất để áp dụng cho từng đối tượng”, PGS Trần Thành Nam cho hay.

Bản chất khác nhau mà chuyên gia này đưa ra: Kỷ luật tiêu cực dựa trên việc làm cho cá nhân sợ hãi, đau đớn hoặc xấu hổ nhục nhã để phạt cho những hành vi sai.

Còn kỷ luật tích cực, làm cho các học sinh ấy thấy rằng, nếu có hành vi sai thì sẽ mất quyền lợi, sẽ không có sự chú ý của các bạn và giáo viên, không được sự chú ý, quan tâm và nhận ra của giáo viên.

Để có được điều này, theo PGS.TS Trần Thành Nam, cần kéo gần mối quan hệ thầy trò bằng các nguyên tắc hành vi ứng xử thân thiện. Nếu chưa làm được điều này, rất khó để kỷ luật tích cực.

Về điều này, ông Bùi Văn Linh cho rằng, quy định khen thưởng, kỷ luật hiện hành được đa số các nhà trường áp dụng thực hiện tốt.

Tuy nhiên, ở đâu đó vẫn có một số thầy cô, nhà trường thực hiện chưa thống nhất, vẫn còn sự phản cảm, biểu hiện của sự sát phạt, gây bức xúc cho học sinh, mục đích giáo dục chưa được đảm bảo.

Cùng một lỗi của học sinh nhưng mỗi trường xử lý một kiểu. Việc đuổi học 1 năm cũng rất nặng nề làm ảnh hưởng đến quá trình học tập liên tục, thường xuyên của học sinh.

Trước khi áp dụng, Bộ GD&ĐT đã tập huấn cho giáo viên  các biện pháp giáo dục tích cực, phối hợp với các tổ chức quốc tế biên soạn những tài liệu trong đó hướng dẫn xử lý các tình huống liên quan. Công đoàn ngành cũng có tập huấn trường học hạnh phúc để giáo viên áp dụng tốt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm