Sẽ bỏ quy định "đuổi học" để áp dụng biện pháp khác với học sinh vi phạm

M. Hà

(Dân trí) - Nếu thông tư hiện hành quy định “đuổi học ít nhất 1 tuần” và nhiều nhất một năm với học sinh vi phạm các khuyết điểm (tùy mức độ), dự thảo thông tư mới đề xuất “tạm dừng học tập” có thời hạn.

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Trong đó, điểm mới của dự thảo là áp dụng hình thức kỉ luật tích cực với học sinh vi phạm.

Cụ thể, dự thảo đưa ra ba mức kỉ luật với học sinh gồm: khiển trách, cảnh cáo và tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm.

Việc tạm đình chỉ học tập tối đa là 2 tuần lễ. Trong khi ở thông tư cũ, mức kỷ luật nặng nhất là buộc thôi học một năm.

Việc áp dụng các hình thức kỷ luật trên chỉ áp dụng với học sinh vi phạm kỷ luật nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng và chỉ áp dụng các hình thức này với học sinh trung học.

Sẽ bỏ quy định đuổi học để áp dụng biện pháp khác với học sinh vi phạm - 1

Hai nữ sinh ở Thanh Hoá bị đình chỉ học 1 năm do đánh bạn ngất xỉu. 

Đặc biệt, lưu ý không áp dụng các hình thức phê bình, kỷ luật xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến tinh thần, thể chất học sinh.

Thay vào đó, giáo viên và nhà trường có thể lựa chọn áp dụng một số biện pháp để giáo dục kỷ luật tích cực phù hợp đối với từng học sinh: khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm.

Các cơ sở giáo dục phối hợp với cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của học sinh để cùng thực hiện kế hoạch giáo dục, hỗ trợ học sinh sửa chữa khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý.

Yêu cầu học sinh thực hiện một số nhiệm vụ học tập và rèn luyện đã được học sinh thỏa thuận, cam kết thực hiện theo nội quy của nhà trường như: hoàn thành bài tập còn thiếu, viết lại bài cần học thuộc, viết lại quy ước của lớp học, nội quy, quy định của nhà trường và các quy định khác của pháp luật liên quan đến khuyết điểm của học sinh.

Viết cảm nhận, kiểm điểm về sự việc xảy ra, nguyên nhân, hậu quả của hành vi vi phạm và hướng khắc phục sửa chữa; sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân.

Sẽ bỏ quy định đuổi học để áp dụng biện pháp khác với học sinh vi phạm - 2

Nhóm học sinh dùng mũ bảo hiểm, chân tay nắm tóc, đánh túi bụi một học sinh khác tại Nghệ An. 

Mức kỷ luật cao nhất áp dụng trong nhà trường theo dự thảo thông tư mới là “tạm dừng học tập trên lớp”, thay thế cho cụm từ “đuổi học” trong quy định hiện hành.

Mức độ kỷ luật này áp dụng đối với những trường hợp học sinh đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng không sửa chữa, tái phạm hoặc vi phạm thêm những khuyết điểm khác trong khoảng thời gian 1 học kỳ.

Ngoài ra, học sinh vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như: đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác của nhà trường hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật cũng bị buộc phải tạm dừng học tập.

“Trong thời gian tạm dừng học tập trên lớp, học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên được phân công và gia đình học sinh”, dự thảo nêu.

Trường hợp học sinh chưa có biểu hiện tiến bộ, không thực hiện đầy đủ các biện pháp giáo dục của nhà trường và gia đình, hội đồng kỷ luật có thể áp dụng hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp lần tiếp theo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm