Chưa đồng tình với Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa

(Dân trí) - Tổ chức biên soạn và triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông sau 2015 ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học; không có tổng chủ biên chương trình, thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều hành, thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm …

Đó là nhận xét từ kết quả giám sát của Thường trực Ủy ban Văn hoá Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Uỷ ban VHGD TTN& Nhi đồng) sau khi thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phổ thông về việc tổ chức biên soạn và triển khai thực hiện chương trình, SGK phổ thông sau 2015.

Cụ thể, Ủy ban Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội nhận định: Quy trình biên soạn chương trình, SGK phổ thông hiện hành ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học; không có tổng chủ biên chương trình, SGK chung; thiếu lực lượng chuyên trách và thiếu cơ chế điều hành, phối hợp, bảo đảm vận hành thống nhất toàn bộ quá trình biên soạn, triển khai thực hiện; thiếu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực phát triển chương trình và có điều kiện tiếp thu một cách hệ thống kinh nghiệm quốc tế; chưa tổ chức một cách hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo các nhà khoa học, các nhà giáo, nhất là các giáo viên trực tiếp giảng dạy các cấp học. Ủy ban đề nghị, cần có sự phân tích sâu sắc để đề xuất các giải pháp cụ thể khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên.
 
Áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 theo cả ba cấp.
Áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 theo cả ba cấp.
 
Đội ngũ giáo viên chưa được quan tâm
 
Về các nguồn lực để thực hiện Đề án đổi mới chương trình, SGK, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Uỷ ban Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội cho biết: “Đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, trường lớp là hai yếu tố cơ bản cùng với chương trình, SGK cấu thành chất lượng giáo dục.

Trong thời gian qua, việc phát triển đội ngũ giáo viên phổ thông chưa được quan tâm đúng mức, công tác bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên chưa được thực hiện một cách cơ bản, chưa đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình, SGK. Điều kiện cơ sở vật chất ở đa số các cơ sở giáo dục phổ thông hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu giáo dục toàn diện. Việc xây dựng và nâng cấp trường lớp, trang thiết bị học tập đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, chủ yếu do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm đầu tư, ngân sách địa phương không đủ đáp ứng yêu cầu, rất cần có sự hỗ trợ của ngân sách trung ương”.

Chính vì vậy, lãnh đạo Uỷ ban cho rằng, để thực hiện thành công Đề án đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau năm 2015 cần bổ sung thêm hai nhiệm vụ (có thể xây dựng thành các Đề án riêng): Bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên và chuẩn hóa cơ sở vật chất trường lớp.

Nhiệm vụ thứ nhất tập trung vào đổi mới công tác đào tạo giáo viên ở các trường Sư phạm và xây dựng chương trình bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên phục vụ trực tiếp cho việc triển khai chương trình, SGK mới; giao cho các cơ sở giáo dục có đào tạo về Sư phạm thực hiện nhiệm vụ này.

Nhiệm vụ thứ hai cần xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư nhằm chuẩn hóa cơ sở vật chất - kỹ thuật nhà trường; giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì thực hiện, có sự chỉ đạo trực tiếp của các bộ, ngành trung ương mà đầu mối là Bộ GD-ĐT. Để thực hiện đổi mới chương trình, SGK, Nhà nước cần ban hành chuẩn về đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất - kỹ thuật nhà trường để các địa phương, các cơ sở giáo dục có căn cứ thực hiện.

Giải trình của Bộ GD-ĐT

Tiếp thu ý kiến Ủy ban VHGDTNTN&NĐ của Quốc hội, trong Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, Bộ GDĐT cho biết sẽ triển khai các nhiệm vụ: Thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa cấp quốc gia và cấp tỉnh, thành phố, trong đó có Bộ phận thường trực; các Ban xây dựng chương trình, biên soạn SGK quốc gia và các Hội đồng thẩm định chương trình, SGK quốc gia. Xác định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ giữa Ban Chỉ đạo và các Ban, các Hội đồng. Ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động và lề lối làm việc của các tổ chức được thành lập và các quy định về: Tiêu chí đánh giá chương trình, SGK; quy trình xây dựng chương trình, biên soạn SGK và thẩm định chương trình, sách giáo khoa; phê duyệt, ban hành, quản lý và sử dụng chương trình, SGK; giám sát, đánh giá, chỉnh sửa chương trình, SGK...

Xây dựng, ban hành những chính sách hợp lí để huy động, thu hút các nhà khoa học, nhà sư phạm, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên am hiểu và có kinh nghiệm về giáo dục phổ thông tham gia xây dựng, biên soạn, thẩm định chương trình, sách giáo khoa; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng (dài hạn và ngắn hạn) để xây dựng đội ngũ chuyên gia am hiểu, hoạt động chuyên nghiệp trong lĩnh vực phát triển chương trình, biên soạn SGK giáo dục phổ thông.

Việc xây dựng chương trình, biên soạn SGK, triển khai thí điểm, tổng kết rút kinh nghiệm phải chu đáo, khẩn trương để đạt được các mục tiêu nêu trên. Lần lượt triển khai đại trà việc áp dụng chương trình, SGK giáo dục phổ thông sau năm 2015 theo cả ba cấp, bắt đầu ở lớp 1, lớp 6 và lớp 10 từ năm học 2018-2019; đến năm học 2020-2021 (với cấp Trung học phổ thông); 2021-2022 (với cấp Trung học cơ sở) và 2022-2023 (với cấp Tiểu học) các lớp cuối cấp đều thực hiện chương trình và SGK mới đến các lớp cuối của mỗi cấp học.

Bộ GDĐT sẽ công bố điều kiện tối thiểu đối với trường phổ thông (giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục…) được thực hiện chương trình mới. Những trường chưa đủ điều kiện tối thiểu, nhà nước phải đầu tư và có trách nhiệm để đảm bảo chậm nhất là 1- 2 năm sau thực hiện chương trình và SGK mới.

Hồng Hạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm