Chú trọng phát triển giáo dục vùng cao, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn

(Dân trí) - Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận tại buổi làm việc với ngành giáo dục khu vực Bắc trung bộ tại Trường ĐH Vinh vào sáng 28/3.

Chú trọng phát triển giáo dục vùng cao, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận chia sẻ: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý giáo dục, đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục gắn với giáo dục kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho giáo viên và học sinh…".

Sáng 28/3, tại trường Đại học Vinh, ông Phạm Vũ Luận - Ủy viên Trung ương Đảng - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quán triệt nghị quyết số 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cho cán bộ chủ chốt ngành giáo dục và đào tạo 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã trực tiếp quán triệt Nghị quyết về "đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" và các chủ trương quan trọng của Bộ để thực hiện Nghị quyết cho cán bộ chủ chốt của các trường đại học, cao đẳng và ngành giáo dục và đào tạo 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.

Hội nghị lần thứ 8, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam khóa XI đã thảo luận và quyết định ra nghị quyết số 29. Định hướng 7 quan điểm chỉ đạo gồm: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; làm rõ nội hàm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục khẳng định ba nhiệm vụ giáo dục và đào tạo (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài); chuyển nền giáo dục chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả; đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ, giữa các phương thức giáo dục và đào tạo; chủ động phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển giáo dục và đào tạo; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, phải đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế để phát triển đất nước.

Theo đó, các tỉnh Bắc Miền Trung đã và đang tiếp tục đổi mới công tác lãnh, chỉ đạo, vận động quần chúng nhằm tạo đột phá về hiệu quả giáo dục, nhất là giáo dục vùng cao, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý giáo dục, đổi mới mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục gắn với giáo dục kỹ năng thực hành, kỹ năng sống, thực hiện tốt chế độ, chính sách cho giáo viên và học sinh…
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận dự hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 tại Đại học Vinh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận dự hội nghị quán triệt Nghị quyết 29 tại Đại học Vinh.

Sau khi quán triệt Nghị quyết số 29, Bộ trưởng đã làm việc với Ban giám hiệu và cán bộ chủ chốt của Trường ĐH Vinh về công tác giáo dục và đào tạo. Phát triển Trường ĐH Vinh thành trường trọng điểm quốc gia trong thời gian tới.

Tại cuộc hội đàm ngắn gọn, PGS.TS Đinh Xuân Khoa - Hiệu trưởng nhà trường cũng đã báo cáo với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT biết, trong hơn nửa thế kỷ qua, Trường ĐH Vinh đã đào tạo và cấp bằng tốt nghiệp cho hơn 46.000 sinh viên hệ chính quy, 36.000 sinh viên hệ vừa học vừa làm, 5.000 học viên cao học, 105 nghiên cứu sinh và 6.000 học sinh THPT... Bên cạnh đó, PGT.TS Đinh Xuân Khoa báo cáo với Bộ trưởng về công tác đổi mới tuyển sinh 2014.

PGS.TS Đinh Xuân Khoa cũng đề xuất một số kiến nghị với Bộ trưởng như: Nhà nước và Bộ GD-ĐT phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đào tạo giáo viên, từ việc quy hoạch hệ thống các trường sư phạm, giao chỉ tiêu tuyển sinh, phân bổ chương trình mục tiêu kế hoạch, cấp kinh phí cho đào tạo; Bộ GD&ĐT cần sớm hoàn thiện và ban hành chương trình giáo dục phổ thông để các Trường đại học điều chỉnh chương trình và cơ cấu đào tạo giáo viên; Cho phép Trường ĐH Vinh được đào tạo giáo viên Trung học cơ sở trình độ đại học và Bộ GD-ĐT cần thành lập Trung tâm khảo thí Quốc gia theo khu vực để chuẩn bị tổ chức kỳ thi quốc gia sau trung học. 

Nguyễn Duy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm